Lăng Khải Định (Ứng Lăng) được xây dựng trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê, nay thuộc xã Thủy Bằng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), cách trung tâm thành phố khoảng 10km. Công trình kiến trúc này nằm trong quần thể di tích cố đô Huế, di sản thế giới đã được UNESCO công nhận từ năm 1993. Vua Khải Định (trị vì 1916-1925) là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm, chuẩn bị cho sự "ra đi" của mình.
|
Du khách tham quan lăng Khải Định. |
Theo tư liệu lịch sử, Ứng Lăng được chính vua Khải Định chọn đất và cho khởi công xây dựng từ năm 1920. Sau khi vua băng hà, được an táng vào năm 1925, quá trình xây dựng kéo dài đến năm 1931 mới hoàn thành. Khác với lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn khác, Ứng Lăng được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông, cốt thép và trang trí chủ yếu bằng đắp nổi sành, sứ. Vua Khải Định cử người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói ác đoa; sang Trung Quốc, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh để kiến thiết công trình.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: việc xây dựng các công trình kiến trúc tại kinh đô Huế chủ yếu diễn ra dưới thời kỳ vua Gia Long, Minh Mạng, sau đó được hoàn chỉnh dưới thời Thiệu Trị, Tự Đức. Đây là thời kỳ của các công trình kiến trúc sử dụng vật liệu truyền thống như gạch, ngói, gỗ.
Nhưng từ thời vua Đồng Khánh trở đi, do ảnh hưởng của văn minh Phương Tây, trong hệ thống kiến trúc cung đình xuất hiện một loại kiến trúc mới, sử dụng vật liệu bê tông, sắt thép, mang phong cách tân - cổ điển, nhất là trong thời kỳ 2 vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Khải Định và Bảo Đại.
|
Trên trần của cung Thiên Định là bức "Cửu long ẩn vân" do nghệ nhân Phan Văn Tánh vẽ bằng cả chân và tay. |
Hầu hết các vị vua triều Nguyễn khi băng hà sẽ giấu kín huyệt đạo để tránh kẻ gian lợi dụng quấy phá. Chỉ duy nhất huyệt mộ của vua Khải Định người đời sau ai cũng biết vì chôn ngay dưới bức tượng đồng trong cung Thiên Định ở Ứng Lăng. Ngày nay, người dân và du khách có thể vào tham quan.
Giá trị nghệ thuật cao nhất của lăng là phần trang trí nội thất cung Thiên Định. Ba gian giữa trong cung đều được trang trí phù điêu ghép bằng sành, sứ và thủy tinh màu. Đặc biệt là Bửu tán trên pho tượng đồng, nặng 1 tấn, với những đường lượn mềm mại, thanh thoát khiến người xem có cảm giác làm bằng nhung lụa rất nhẹ nhàng. Bên dưới Bửu tán là pho tượng đồng Vua Khải Định được đúc tại Pháp năm 1922.
Trên trần của cung Thiên Định là bức "Cửu long ẩn vân" do nghệ nhân Phan Văn Tánh vẽ bằng cả chân và tay. Điều đặc biệt, lạ lùng là bức tranh đã hàng trăm năm tuổi, màu mực còn như mới và không có con côn trùng nào bám vào. Bên cạnh kiệt tác "Cửu long ẩn vân" được xem là bức tranh trên trần nhà lớn nhất Việt Nam, tại huyệt mộ vua Khải Định còn có biểu tượng mặt trời rất lớn.
Các hướng dẫn viên khi thuyết minh cho du khách về bức phù điêu này đều nói rằng, đây là mặt trời đang lặn với hàm ý nhà vua đã băng hà. Những đường nét trang trí tinh xảo và được các nhà nghiên cứu đánh giá là đạt đến đỉnh cao trong kỹ thuật, mỹ thuật ghép sành, sứ.
Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nhận định đây là một hình thức biến thể của phong cách trang trí "nhất thi nhất họa".
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, tuy chỉ trị vì trong 10 năm, băng hà lúc 41 tuổi, nhưng vua Khải Định đã để lại khá nhiều công trình kiến trúc mang phong cách mới lạ, kết hợp hài hòa 2 nền mỹ thuật truyền thống và hiện đại, Đông Á, Tây Âu.
Ngoài Ứng lăng, dấu ấn vua Khải Định còn nằm ở hàng loạt công trình kiến trúc nổi tiếng khác của cung đình Huế, như: cung An Định, các lầu Kiến Trung, Thái Bình, cửa Hiển Nhơn, Chương Đức,... thổi luồng sinh khí mới vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Du khách khi đến tham quan lăng Khải Định không khỏi trầm trồ, thán phục trước vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ của di sản văn hóa thế giới này.
Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác bảo tồn, trùng tu di tích đến nay đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang diện mạo đô thị và khu dân cư, thu hút khách đến Huế, tăng các nguồn thu từ dịch vụ du lịch./.