Phim Việt: Bao giờ chất lượng mới theo kịp số lượng?

Chủ nhật, 10/01/2010 20:12

(ĐCSVN)- Gần đây, mỗi khi bật ti vi, chúng ta đều thấy phim nước ngoài không còn độc chiếm tràn lan trên màn ảnh. Phim Việt đã bắt đầu phủ sóng khá dày trên hầu hết các kênh truyền hình. Nhưng sự nở rộ về số lượng phim Việt liệu đã tương xứng với chất lượng, đáp ứng được thị hiếu và yêu cầu ngày càng cao của khán giả?

Nhìn vào lịch sử phát triển 15 năm của phim truyện truyền hình (từ năm 1994 với sự ra đời của chương trình “Văn nghệ chủ nhật”), ngay cả người làm nghề cũng không khỏi ngỡ ngàng về sự phát triển vượt bậc về số lượng. Những năm 90, khi mới ra đời, trên các kênh truyền hình mới chỉ lác đác chiếu một vài phim truyện ngắn tập mang tính thể nghiệm, đến nay với hơn 200 kênh truyền hình trên cả nước, hàng năm công chiếu hàng trăm bộ phim (lại đa số là phim dài tập), với hàng ngàn giờ, đáp ứng một phần thị hiếu của khán giả và cũng nhờ đó văn hóa, lịch sử của dân tộc thẩm thấu sâu hơn vào đời sống tinh thần của người dân. Nhưng phải chăng vì mải lấp đủ 30% phim Việt trên tổng số thời lượng phát sóng phim truyện trên truyền hình theo quy định mà các nhà đài đã dễ dãi, rộng cửa cho tất cả phim Việt kể cả phim kém chất lượng, phim mới xuất xưởng chưa qua thẩm định ào ạt lên sóng?

Hay còn vì doanh thu quảng cáo? Theo bà Lê Thanh Trang đại diện của Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền thông- Đài Truyền hình Việt Nam, nguồn thu quảng cáo trên phim Việt giữ vai trò đặc biệt quan trọng, chỉ tính riêng năm 2009, tổng doanh thu quảng cáo chiếu ở phim truyền hình chiếm 20% tổng doanh thu của đài truyền hình Việt Nam. Theo quy định, các phim được chiếu trên truyền hình đều phải đạt một khoản khoán quảng cáo nhất định. Có lẽ cũng vì vậy mà nhiều phim Việt tuy chất lượng khiêm tốn nhưng vẫn “ngồi” vào “giờ vàng” như thường.

Điểm mặt các phim Việt đã và đang công chiếu trên truyền hình thời gian gần đây, đặc biệt là những phim chiếu vào “giờ vàng”, bên cạnh những phim chất lượng mang ý nghĩa xã hội sâu sắc như "Chạy án", "Gió làng Kình", "Ma làng", "Ngõ lỗ thủng", "Bỗng dưng muốn khóc"…. vẫn còn không ít các phim có nội dung na ná nhau chủ yếu là đề tài về tình yêu, cuộc sống đô thị của bộ phận người, dị lập với đời thường, được thể hiện bởi những diễn viên tuy đẹp nhưng yếu và thiếu về kỹ thuật, cảm xúc, vì thế cho dù phim có “ngồi” vào “giờ vàng” với hàng trăm tập cũng không thể tạo nên những “cơn sốt” khán giả.

Số lượng không thể đánh đổi được chất lượng. Với cơ chế mở cửa như hiện nay, phải thừa nhận rằng sự nhập cuộc của các hãng phim tư nhân đã tạo nên những sắc thái mới cho phim Việt. Đa dạng hơn, phong phú hơn, tươi trẻ hơn… nhưng những câu chuyện với những nhân vật mờ nhạt không thể cuốn hút và để lại ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả. Vì thế nhiều khi bật màn hình ti vi dù không thiếu các “món ăn Việt” nhưng khán giả vẫn chọn “món ăn tây, món ăn lạ” của nước ngoài. Do đó có tình trạng người Việt thuộc sử, biết văn hóa của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...hơn cả nước mình.

Một thực trạng đáng buồn nữa của phim Việt, đó là trong sự phát triển ồ ạt của dòng phim truyện hiện nay, thể loại phim giải trí chiếm đa số, phim chính luận “đặc sản” của phim truyền hình lại rất ít. Cho dù đếm trên đầu ngón tay nhưng hiếm phim chính luận lại tạo được sức hút cho khán giả. Tại sao món “đặc sản” của dòng phim truyền hình lại bị các nhà sản xuất né tránh? Tại sao họ lại đổ xô đi làm phim giải trí, phim mì ăn liền? Phải chăng vì thể loại phim chính luận làm đã khó,khổ, tốn tiền, doanh thu quảng cáo lại thấp, làm không khéo phim dễ bị khô khan, giáo điều? Hay vì cơ chế cào bằng, làm phim giải trí, phim chính luận, cổ trang, dã sử hay thiếu nhi….đều có mức tiền như nhau nên các nhà sản xuất đã chọn cho mình lối đi an toàn và nhàn nhã nhất? Vì thế dù số lượng có phát triển vượt bậc nhưng chất lượng phim Việt hầu như vẫn dậm chân tại chỗ, nhiều phim gây tiếng vang trong nước thậm chí đoạt nhiều giải thưởng quốc tế nhưng khi muốn xuất khẩu sang nước ngoài thì không tìm được đối tác.

Không chỉ công chúng mà có lẽ nhà đài, các trung tâm sản xuất cũng đã nhận thấy sự bất ổn này nên lần đầu tiên trong khuôn khố Liên hoan phim lần thứ 29, đã tổ chức Hội thảo ““ Nâng cao chất lượng phim truyện truyền hình Việt Nam”. Là giám khảo nhiều năm của Liên hoan phim, đạo diễn, NSND Trần Phương không ngần ngại khẳng định: Qua chấm các phim dự liên hoan, ông nhận thấy dấu hiệu đáng buồn của phim Việt hiện nay ngày càng xa lạ với quần chúng, đi vào những vấn đề vụn vặt của cuộc sống. Đặc biệt năm nay, phim dự thi toàn chuyện đâu đâu, phim truyện mà không có chuyện để nói….. Với cái nhìn thiện cảm hơn, nhà văn Đỗ Kim Cuông, Vụ Trưởng vụ Văn hóa- Văn nghệ lại cho rằng, phim Việt hiện giờ đã phần nào thỏa mãn được thị thiếu của khán giả nhưng nhìn chung vẫn toàn phim về các người mẫu, chân dài, ca nhạc, nhảy nhót…phim về đề tài nông nghiệp, nông thôn, các vấn đề nhức nhối ở các khu công nghiệp…còn quá ít.

Bàn về nguyên nhân dẫn đến chất lượng phim Việt còn hạn chế, Bà Trần Thị Phương Lan chuyên viên chuyên theo dõi mảng phim truyền hình của Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Một trong những nguyên nhân khiến phim Việt chưa được độc giả đón nhận là do phim của chúng ta còn quá nặng về vấn đề lý luận, vấn đề đường lối, đặc biệt là phim chính luận. Chúng ta chưa biết lồng ghép tính giải trí vào trong các câu chuyện xã hội sâu sắc để làm cho các bộ phim bớt căng thẳng, nặng nề. Để nâng cao chất lượng phim truyền hình, bên cạnh việc đào tạo một đội ngũ diễn viên, kỹ thuật viên lành nghề chúng ta còn phải có những cơ chế, chính sách phù hợp.

Đã đến lúc chúng ta cần khẳng định, mục đích cuối cùng của những người làm nghề là số lượng hay chất lượng? Liệu hằng hà sa số những tác phẩm nhợt nhạt có đổi được tình yêu của khán giả? Và với những bất cập trong cách quản lý cũng như tư duy của những nhà đài, các trung tâm sản xuất như hiện nay, liệu bao giờ chất lượng phim Việt mới theo kịp số lượng?

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực