Tập trung nghiên cứu, giải đáp những vấn đề lý luận, thực tiễn đang đặt ra

Thứ ba, 07/05/2019 17:30
(ĐCSVN)- Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ gợi mở để Hội đồng khoa học tập trung những tuyến nghiên cứu khoa học sát với thực tiễn đất nước, giải đáp những vấn đề bức xúc và cuộc sống đang đặt ra.

GS, TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương và Tiến sĩ Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÓ TÍNH ỨNG DỤNG THỰC TIỄN CAO

Thay mặt Hội đồng Khoa học cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương, Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học cơ quan, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ trình bày báo cáo nêu rõ, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương luôn xác định công tác nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tham mưu của Ban và góp phần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tuyên giáo.

Năm 2018, công tác nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học của Ban Tuyên giáo Trung ương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác nghiên cứu đi vào nền nếp; các đề tài, đề án nghiên cứu ngày càng sát với nhiệm vụ của Ban và đem lại hiệu quả thiết thực.

Các đề tài, đề án do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện thường có tính ứng dụng thực tiễn nhiều hơn là nghiên cứu mang tính lý luận, học thuật. Vì thế, các kết quả nghiên cứu đề tài, đề án khoa học có sự gắn kết chặt chẽ giữa quá trình nghiên cứu các sản phẩm khoa học với việc ứng dụng ngay vào xây dựng các văn bản tham mưu (nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, hướng dẫn…) cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Nội dung nghiên cứu của các đề tài, đề án cũng đi sâu vào nghiên cứu những vấn đề thực tiễn xã hội mới phát sinh liên quan đến công tác tuyên giáo; làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan mang tầm khái quát cao về những vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội; dự báo tương đối chính xác tình hình và đã có những tham mưu cụ thể, kịp thời cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tuyên giáo sát với tình hình thực tiễn đang đặt ra.

Để đạt được những kết quả đó, Hội đồng khoa học cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương đã tham mưu cho Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương từng bước đổi mới nội dung phương thức hoạt động nghiên cứu khoa học, chú trọng và thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề, quy tụ và phát huy sức mạnh trí tuệ của tập thể cán bộ, công chức trong việc đóng góp xây dựng và hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban.

Trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện 169 đề tài, đề án. Hầu hết đều đạt kết quả từ loại khá trở lên; trong đó, có nhiều đề tài, đề án thuộc loại xuất sắc và có tính ứng dụng cao, cung cấp những luận cứ khoa học tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên các lĩnh vực tuyên giáo.

NHIỀU ĐỀ XUẤT THIẾT THỰC

Tại buổi làm việc, các đồng chí thành viên của Hội đồng Khoa học cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng khoa học cơ quan Đảng Trung ương đề xuất nhiều ý kiến góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Ban Tuyên giáo Trung ương đã phát huy dân chủ, huy động và tập hợp được trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Ban, của các thành viên Hội đồng khoa học để tăng cường hàm lượng khoa học và nâng cao chất lượng các đề tài, đề án. 

Đồng chí Trần Doãn Tiến đề nghị Hội đồng khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ những khó khăn để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng như hoạt động của Hội đồng khoa học cơ quan.

Nhấn mạnh những kết quả quan trọng về mặt thực tiễn và lý luận của các đề tài, đề án khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị đề nghị Hội đồng khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp cận với cơ sở dữ liệu, kết quả nghiên cứu khoa học của các đề tài để góp phần nâng cao chất lượng nhiệm vụ chính trị được giao. Hội đồng khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về những phương pháp nghiên cứu khoa học mới hiện nay, đặc biệt là các phương pháp nghiên cứu khoa học trong ngành khoa học xã hội và nhân văn. Những phương pháp nghiên cứu hữu ích này sẽ trực tiếp giúp ích cho công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Đồng tình với ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Hoa, đồng chí Bùi Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần xây dựng tài liệu, các giáo trình liên quan đến nghiệp vụ nghiên cứu khoa học, tạo thành quy chuẩn trong nghiên cứu khoa học.

Chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Đỗ Thị Thanh Hà, Viện trưởng Viện Dư luận xã hội cho rằng, mỗi đề tài, đề án nghiên cứu có những độ khó và yêu cầu thực hiện khác nhau. Vì vậy, với mỗi đề tài, cần có những yêu cầu và tiến độ thực hiện khác nhau. Sau khi đề tài được nghiệm thu, cần có cơ chế bắt buộc ứng dụng đề tài, đề án để công tác nghiên cứu khoa học gắn với chuyên môn và nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học.

Đồng chí Đỗ Thanh Hà: Cần có quy định khác nhau về thời gian tùy theo yêu cầu của mỗi đề tài đề án.
Tiến sĩ Đỗ Thanh Hà: Cần có quy định khác nhau về thời gian tùy theo yêu cầu của mỗi đề tài đề án.
Phân tích nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác tư tưởng và công tác tuyên giáo trong tình hình hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, một trong những giải pháp hết sức quan trọng để giải quyết những vấn đề đó là Ban Tuyên giáo Trung ương cần nâng cao công tác nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, nâng cao chất lượng các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cần tận dụng tối đa trí tuệ Hội đồng khoa học cơ quan trong việc tham góp ý kiến vào các đề án trình Bộ Chính trị, Ban bí thư.
Đồng chí Vũ Văn Phúc: Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cần tận dụng tối đa trí tuệ Hội đồng khoa học cơ quan của Ban trong việc tham góp ý kiến vào các đề án trình Bộ Chính trị, Ban bí thư.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc: Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cần tận dụng tối đa trí tuệ Hội đồng khoa học cơ quan của Ban trong việc tham góp ý kiến vào các đề án trình Bộ Chính trị, Ban bí thư.

PHẢI TRỞ THÀNH CƠ QUAN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC MẪU MỰC

Phát biểu tại buổi làm việc, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú đã khẳng định, Ban Tuyên giáo Trung ương coi trọng và triển khai khá tốt hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài, đề án đã góp phần thiết thực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Phân tích những hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Phùng Hữu Phú đề nghị, trong thời gian tới, cần gắn chặt chẽ hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. “Làm sao để các hoạt động nghiên cứu khoa học này là vật chất được tham mưu. Ưu tiên nghiên cứu các đề tài, đề án Ban trình Trung ương, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. - Đồng chí Phùng Hữu Phú nêu rõ.

Đồng chí Phùng Hữu Phú: Ban Tuyên giáo phải tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu khoa học và coi đây là nhiệm vụ chính trị được giao.
Đồng chí Phùng Hữu Phú: Ban Tuyên giáo phải tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu khoa học và coi đây là nhiệm vụ chính trị được giao.

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú cũng đề nghị, Lãnh đạo Ban phải định hướng và giao việc cho Hội đồng khoa học cơ quan, cụ thể là, phải căn cứ vào nhiệm vụ có bao nhiêu đề tài, đề án trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, giao cho Hội đồng tổ chức thực hiện. Đây là hướng chính. Ngược lại, Hội đồng khoa học cơ quan phải tham mưu cho Lãnh đạo Ban thực hiện các đề tài, đề án. 

Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo phải tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu khoa học và coi đây là nhiệm vụ chính trị được giao.

Cần đôn đốc, kiểm tra và yêu cầu các đồng chí chủ nhiệm đề tài, đề án thực hiện đúng tiến độ; ứng dụng ngay kết quả trong quá trình nghiên cứu. Sau khi nghiệm thu, báo cáo kết quả đề tài, đề án với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; có nhận xét, đánh giá về giá trị ứng dụng của đề tài, đề án.

“Khi đó, mỗi cán bộ trong Ban mới ý thức được rằng, để trở thành cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương, trước hết phải là một cán bộ nghiên cứu khoa học.  Ban Tuyên giáo Trung ương phải trở thành kiểu mẫu về hướng nghiên cứu, chất lượng nghiên cứu và thời gian nghiên cứu khoa học” - Đồng chí Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

Thay mặt Hội đồng khoa học cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương, Tiến sĩ Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban, Chủ tịch Hội đồng đã tiếp thu những  ý kiến chỉ đạo đối với hoạt động khoa học của Ban Tuyên giáo Trung ương. Những ý kiến đóng góp này sẽ được báo cáo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương để lãnh đạo Ban sớm có những chỉ đạo để hiện thực hóa thành hoạt động cụ thể.

Tiến sĩ Bùi Trường Giang cho biết, trong thời gian tới, sẽ tăng cường chất lượng công tác đề xuất và lập kế hoạch nghiên cứu khoa học của Ban Tuyên giáo Trung ương; ưu tiên những đề tài, đề án phục vụ trực tiếp công tác sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị của Trung ương liên quan đến ngành Tuyên giáo. 

Tăng cường vai trò gắn kết phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội  đồng khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương, Hội đồng khoa học cơ quan Ban. Trong quá trình thực hiện đề tài, đề án, cần tăng cường sự phối hợp với giữa Hội đồng khoa học cơ quan Ban và các vụ, đơn vị trong Ban để đôn đốc, nhắc nhở và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.

Song song với đó, cần có sự chia sẻ các kết quả nghiên cứu đề tài, đề án khoa học để phục vụ thiết thực cho thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

“Với sự tin tưởng và ủng hộ của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Thường trực Hội đồng khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương, với quyết tâm của từng cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương và các thành viên Hội đồng khoa học, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương  phấn đấu trở thành một trong những cơ quan mẫu mực trong việc lập những tuyến nghiên cứu khoa học sát với thực tiễn đất nước, sát với yêu cầu của Trung ương và mẫu mực trong tác phong, độ chuyên nghiệp, kỷ cương, kỷ luật trong chất lượng và quản lý nghiên cứu khoa học”. - Tiến sĩ Bùi Trường Giang khẳng định./.
 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực