Trường Chính trị Tô Hiệu quyết tâm đổi mới toàn diện

Thứ hai, 23/09/2019 22:50

(ĐCSVN) – Trải qua 69 năm xây dựng và phát triển, bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Trường Chính trị Tô Hiệu đã và đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tập thể cán bộ, giảng viên và lao động trường cùng các đồng chí Lãnh đạo thành phố Hải Phòng trong Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường 3/5/1950 - 3/5/2010 (nguồn: haiphong.gov.vn).

Trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, đẩy nhanh sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và hội nhập quốc tế, công tác cán bộ nói chung, nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ nói riêng đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với các trường chính trị tỉnh, thành phố. Kết luận số 117-KL/TW ngày 20/11/2015 của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó yêu cầu:“Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, gắn đào tạo cơ bản với bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng chức danh, tăng cường trách nhiệm của người học, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện, giữ vững bản chất trường Đảng của địa phương, tăng thêm kiến thức thực tiễn, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong”. Trải qua 69 năm xây dựng và phát triển, bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Trường Chính trị Tô Hiệu đã và đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ, giảng viên được bổ sung số lượng, trẻ hóa và được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, 100% cán bộ, giảng viên của Trường có trình độ sau đại học, trong số đó có 03 tiến sỹ, 02 nghiên cứu sinh (đạt trên 15%). Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đội ngũ cán bộ và kiện toàn lại đội ngũ theo Quy định số 09 – Qi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hướng đến xây dựng trường chính trị đạt chuẩn, Trường Chính trị Tô Hiệu cần phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, để giảng viên Trường Chính trị Tô Hiệu thực sự là những người “kỷ cương trong giờ giấc; kiên định về lập trường; năng động, sáng tạo trong công việc; chuẩn trong kiến thức, phát ngôn; thân thiện trong giao tiếp, ứng xử”, hướng tới xây dựng môi trường giáo dục giàu tính Đảng trong Nhà trường.

Thứ nhất, Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và phát triển giảng viên.

Đảng ủy, Ban Giám hiệu cần chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo đội ngũ giảng viên trong từng giai đoạn phát triển của Trường; chủ động thực hiện công tác dự báo, nhu cầu sử dụng giảng viên; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, kế hoạch sử dụng phù hợp quy hoạch. Trước mắt Nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho số giảng viên hiện có. Những giảng viên dưới 45 tuổi chưa có trình độ tiến sỹ, trường động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện đi học nghiên cứu sinh. Sau đó, tiếp tục chọn số giảng viên có trình độ thạc sỹ có nhu cầu thi và học nghiên cứu sinh, đảm bảo đủ số lượng, có thể phân bổ cho các khoa theo chuyên ngành. Phấn đấu đến năm 2030 đội ngũ giảng viên của Trường đạt từ 30% trở lên có trình độ tiến sỹ; 70% có trình độ thạc sỹ; 50% có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 100% có trình độ tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thực tiễn giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Nhà trường cần phát động rộng rãi và yêu cầu cán bộ, giảng viên có kế hoạch về việc học ngoại ngữ, tin học, trước hết vừa để phục vụ nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu, vừa tự tin hơn khi dự thi các lớp nghiên cứu sinh. Hơn nữa, theo xu hướng ngày càng mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, Nhà trường có thể cử giảng viên sang học tập và tham gia nghiên cứu, giảng dạy với một số trường chính trị ở một số nước có quan hệ hợp tác với chúng ta trong lĩnh vực này hoặc tìm kiếm các học bổng trong các chương trình hợp tác quốc tế. Tin học lại càng không thể yếu trong thời đại 4.0, ngoài việc xây dựng giáo án điện tử giúp học viên tiếp cận nội dung rõ ràng hơn, giảng viên có thể xây dựng những nhóm học tập tương tác thường xuyên với nhau và với giảng viên không chỉ trên lớp học mà cả trên các mạng xã hội. Để nâng cao năng lực sư phạm, Giám hiệu Trường tạo điều kiện cho số giảng viên chưa qua lớp nghiệp vụ sư phạm dự, các lớp bồi dưỡng phương pháp do các Học viện và các trường sư phạm tổ chức. Hoặc hàng năm, Trường có thể liên kết với một số trường đại học trong Thành phố tổ chức lớp bồi dưỡng các kỹ năng và mời chuyên gia về phương pháp để giảng viên được bồi dưỡng thường xuyên.

Thứ hai nhằm bổ sung kiến thức thực tiễn, hằng năm, các khoa cùng với lãnh đạo Trường xây dựng kế hoạch cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở trong hoặc ngoài Thành phố tùy theo điều kiện cụ thể của Nhà trường.

Xây dựng và thực hiện theo Kế hoạch số 19 – KH/HVCTQG của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/10/2015 về thực hiện Kết luận số 117-KL/TW ngày 20/11/2015 của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Các trường xây dựng đề án đưa giảng viên đi thực tế ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đảm nhận các chức danh cụ thể trong hệ thống chính trị ở cơ sở để Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy phê duyệt, coi đây là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên”. Trước mắt, chọn một số đồng chí còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, khi điều kiện của Trường cho phép sẵn sàng thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, giảng viên về cơ sở trong thời gian một hoặc hai năm rồi trở lại Trường tiếp tục làm công tác giảng dạy hoặc hàng năm mỗi giảng viên phải làm việc tại cơ sở từ hai đến ba tháng. Với cách làm như vậy, chất lượng giảng viên ngày càng vững chắc hơn, tự tin hơn khi tham gia giảng dạy, số giảng viên từng trải có thể tham mưu giúp cơ sở ở một số lĩnh vực mà cơ sở có yêu cầu.

Thứ ba, Tăng cường chất lượng công tác kiểm tra, giám sát việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học và việc tự đào tạo, bồi dưỡng của giảng viên.

Công tác kiểm tra, giám sát chuyên môn của giảng viên giúp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý Trường nắm được thông tin cần thiết về tình hình thực hiện chuyên môn, đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của giảng viên, phát hiện trúng những lệch lạc, thiếu sót để kịp thời bổ sung, điều chỉnh và uốn nắn giảng viên nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn của giảng viên. Vì vậy để nâng cao công tác chuyên môn, cán bộ quản lý không được buông lỏng kiểm tra, đảm bảo xác định rõ mục đích, yêu cầu của mỗi đợt kiểm tra dựa trên nhiệm vụ cụ thể của Nhà trường trong từng năm, có kế hoạch cụ thể cho từng đợt kiểm tra với mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp, hình thức kiểm tra. Làm tốt công tác tuyên truyền để giảng viên hiểu được mục đích, ý nghĩa việc kiểm tra, có ý thức trách nhiệm bồi dưỡng chuyên môn, phát huy tính trung thực, phối hợp trong công tác kiểm tra. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện nền nếp giờ giấc giảng dạy, nội dung giảng dạy, kỷ luật phát ngôn, tác phong sư phạm. Phương pháp kiểm tra: kiểm tra có báo trước hoặc đột xuất, phát vấn trực tiếp hoặc thông qua phiếu dự giờ của học viên, đảm bảo nguyên tắc: công khai, công bằng, khách quan, dân chủ. Sau kiểm tra phải có sự đánh giá cụ thể, chính xác, phân tích những ưu, hạn chế của giảng viên, giúp họ phát huy những mặt mạnh, khắc phục những hạn chế và có hình thức khen thưởng đột xuất, kịp thời với những giảng viên giảng dạy tốt, đổi mới phương pháp được học viên và Hội đồng khoa học đánh giá tốt, giảng viên thực hiện tốt quy chế nội quy quản lý đào tạo, giảng viên tích cực viết bài, nghiên cứu khoa học theo từng tháng, từng quý.

Thứ ba, Thực hiện đồng bộ các chế độ, chính sách về xây dựng cơ sở vật chất và hỗ trợ giảng viên trong suốt quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo.

Đầu tư trang, thiết bị cho các khoa, các lớp học đảm bảo đầy đủ, hiện đại vì để đạt được mục tiêu đào tạo phải hội tụ các điều kiện trang thiết bị phục vụ thực hành các thao tác giảng dạy, hướng tới xây dựng thư viện điện tử, có phòng nghiên cứu hiện đại, có số lượng đầu sách phong phú đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của giảng viên. Thực hiện đồng bộ các chế độ, chính sách trong quy hoạch và kế hoạch đào tạo, Nhà trường bảo đảm phù hợp các khâu trong suốt quá trình đào tạo, trong đó lợi ích vật chất được xem là khâu quan trọng nhất nhằm động viên, kích thích sự nhiệt tình, hăng hái, tinh thần trách nhiệm, là điều kiện cần thiết để mọi người tích cực vượt qua khó khăn, rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Hiện nay, giảng viên giảng dạy ở trường chính trị được Nhà nước hỗ trợ 45% phụ cấp. Tuy nhiên, do tính chất, yêu cầu cao và đặc thù trong công tác giảng dạy, chế độ cho giảng viên các trường chính trị nên có một số chính sách đặc thù ưu đãi hơn so với mức hỗ trợ hiện tại. Trường cần linh hoạt tạo điều kiện để tăng thêm thu nhập, đảm bảo đời sống cho giảng viên từ chính năng lực chuyên môn của giảng viên.

Có thể khẳng định, đội ngũ giảng viên Nhà trường chính là nhân tố quyết định sự trưởng thành phát triển của Nhà trường trong mọi giai đoạn lịch sử. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên có chất lượng là công việc quan trọng, cần ưu tiên trước so với các công việc khác. Thực hiện tốt các giải pháp là một vấn đề đầy khó khăn liên quan đến sự không đồng bộ trong chính sách ở nhiều cấp, khả năng, điều kiện thực tế của Nhà trường, sự tham gia vào cuộc của các cấp, ngành liên quan, phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Tuy nhiên, nếu tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn trường cùng với sự quyết tâm, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo chỉ đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thì những giải pháp trên đều có thể phát huy hiệu quả, góp phần rút ngắn quá trình hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn./.

Nguyễn Vương Long - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
Trường Chính trị Tô Hiệu Hải Phòng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực