Phát biểu đề dẫn, PGS,TS Lê Quốc Lý đã nêu bật hoàn cảnh ra đời, những tư tưởng lớn, giá trị về đạo đức, chính trị và pháp lý của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 trong việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới.
PGS,TS Lê Quốc Lý phát biểu tại hội thảo - Ảnh: HM
“Trong 70 năm qua, Tuyên ngôn đã góp phần cơ bản vào việc định hướng và định hình tập quán quốc tế về quyền con người. Dựa trên những quy định về các quyền trong Tuyên ngôn, đến nay, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua trên 30 công ước quốc tế trong lĩnh vực quyền con người. Đây được coi là nguồn luật quốc tế cơ bản, xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo quyền công dân, quyền con người ở mỗi quốc gia. Nhiều nước đã dựa vào Tuyên ngôn để xem xét hình mẫu cho những hành vi lập hiến, lập pháp của mình”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý nhấn mạnh.
Với Việt Nam, theo PGS,TS Lê Quốc Lý, hơn 30 năm qua, cùng với công cuộc Đổi mới đất nước, công tác bảo đảm, thúc đẩy quyền con người của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người hiện nay đạt hơn 2.500 USD. Mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, các thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong những năm qua đã tạo điều kiện vật chất, tinh thần và nguồn lực to lớn để bảo đảm và thúc đẩy ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện chính sách là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc về quyền con người. Đường lối, chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và nhà nước ta là bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về quyền con người.
Quán triệt quan điểm này, hiện nay Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng các cơ quan hữu quan đã và đang tích cực khẩn trưởng tổ chức, thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tại Hội thảo, PGS,TS Lê Quốc Lý đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ tính lịch sử, giá trị thời đại của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và ý nghĩa đối với Việt Nam. Đặc biệt là trong thực hiện các mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững, vì con người, lấy con người làm trung tâm, mọi người tham gia và mọi người hưởng lợi.
Cùng với đó, phân tích, đánh giá những kết quả đạt được của Việt Nam trong việc bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, phát triển con người ở Việt Nam sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới; thông qua những kết quả của quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước đi và từng chính sách phát triển.
Đồng thời, phân tích, làm rõ những thuận lợi và thách thức trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và trên thế giới trong bối cảnh có nhiều thay đổi đang diễn ra nhanh chóng, nhất là trước tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cách mạng Công nghiệp lần thứ 4… Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất phương hướng, giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc gia phù hợp với chuẩn mực quốc tế chung về quyền con người; tăng cường đối thoại và đấu tranh nhằm góp phần tiếp tục bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và trên thế giới.
Bàn về Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, PGS,TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, 70 năm qua, các quy định của Tuyên ngôn vẫn còn nguyên giá trị, bởi tầm nhìn của những nhà soạn thảo về tính phổ quát và không thể chia cắt của các loại quyền; bởi sự thống nhất những quan điểm còn có sự khác biệt về quyền con người và cách thực thi quyền con người giữa các thành viên của Liên hợp quốc.
Tại Việt Nam, các nguyên tắc và giá trị về quyền con người, về tự do, dân chủ đã được quy định và thể hiện ngay trong bản Hiến pháp năm 1946, trước khi Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được thông qua năm 1948. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã quy định và thể hiện rõ nét hơn các nguyên tắc và giá trị phổ quát về quyền con người được cộng đồng thế giới thừa nhận. Hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao của hoạt động lập hiến bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Các văn bản pháp luật được ban hành nhất là từ sau Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa các nguyên tắc về tôn trọng và bảo đảm quyền con người, bảo đảm sự hài hòa với các nguyên tắc tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người. Việt Nam nhất quán áp dụng nguyên tắc ưu tiên pháp luật quốc tế so với pháp luật quốc gia, trong trường hợp các quy định của bộ luật, luật của Việt Nam trái với các điều ước quốc tế nói chung, các điều ước quốc tế về quyền con người nói riêng thì áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn của quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Các đại biểu đã thảo luận một số nội dung liên quan đến chủ đề Hội thảo như: Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948-Nền tảng đạo đức, chính trị, pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy, bảo vệ quyền con người; Sự kết tinh các nền văn hóa trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người; Quyền con người: Tự do và chủ nghĩa xã hội; Liên hợp quốc với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.../.