Nét đặc trưng văn hoá Khmer Nam Bộ sẽ được giới thiệu tại chương trình.
Ảnh minh họa (Hà Tuấn)
Chương trình nhằm tôn vinh, giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung”; góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc và tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, góp phần thu hút khách du lịch, hình thành điểm đến tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Chương trình sẽ gồm các hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Tái hiện lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng; Lễ dâng y Kathina; Không gian điểm nhấn văn hoá đặc trưng dân tộc Khmer Nam Bộ với những nét văn hóa đặc trưng dân tộc Khmer tại Làng…
Tại không gian văn hóa Khmer Nam Bộ, Ban Tổ chức sẽ giới thiệu bộ sưu tập ảnh “Miền Tây quê tôi”, với khoảng 100 bức ảnh về vùng đồng bằng sông Cửu Long văn hóa đặc trưng các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Các hình ảnh về vẻ đẹp riêng của Nam Bộ (chợ nổi cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Long Xuyên (An Giang), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long); những vườn trái cây sum xuê trĩu quả; những dòng sông chở nặng phù sa, ắp đầy tôm cá; những cánh đồng thẳng cánh cò bay yên bình của miền Tây sông nước; những bông sen phủ hồng cả đồng - Đồng Tháp Mười; các lễ hội đặc trưng vùng sông nước; những ngôi chùa Khmer đầy màu sắc, những cô gái miền Tây xinh đẹp, đảm đang, dịu dàng, bình dị trong chiếc khăn rằn...
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng sẽ giới thiệu, quảng bá về các sản phẩm du lịch đồng bằng sông Cửu Long, các hình ảnh vùng đất, con người miền Nam Bộ thông qua sách hướng dẫn du lịch, tờ gấp, tờ rơi, tranh ảnh, poster, báo, tạp chí, lịch, băng đĩa VCD, DVD… Đồng thời, giới thiệu nét văn hoá đặc trưng của đồng bào Khmer Nam bộ thông qua các hiện vật gắn bó với đời sống hàng ngày (niêu, sàng, giỏ, nơm…) trang phục (thường ngày, ngày cưới), tín ngưỡng tôn giáo (kinh viết trên lá buông, bát khất thực, y chu tăng…).
Nhân dịp Tết Trung thu 2017, Ban Tổ chức sẽ giới thiệu, trình diễn và tương tác nghề thủ công truyền thống “Em tập làm nghệ nhân” như: làm đèn ông sao, làm trống, làm mặt nạ, nặn tò he, viết thư pháp...; Tổ chức các hoạt động “Trung Thu cho em” qua các trò chơi truyền thống: Ô ăn quan, đánh chắt chơi chuyền, nhảy bao bố, bịt mắt đánh trống…Đồng thời, trưng bày khoảng 20 bức ảnh về thế giới trong trẻo của tuổi thơ qua góc nhìn của các nhà nhiếp ảnh Nguyễn Phú Đức, Phạm Quốc Dũng… với chủ đề “Ký ức tuổi thơ”…
Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch Homestay... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam./.