Đường biên giới giữa Việt Nam và Lào kéo dài khoảng 2.340 km, nối liền 10 tỉnh của Việt Nam bao gồm Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Kon Tum, với 10 tỉnh của Lào: Phong Sa Lỳ, Luổng Pha Bang, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sa Văn Na Khệt, Sả Lạ Văn, Sê Kông và A Ta Pư.
Tuyến biên giới chủ yếu chạy qua các đỉnh và triền núi, len lỏi giữa rừng nhiệt đới, với độ cao dao động từ 300m đến 2.700m so với mực nước biển. Các khu vực cửa khẩu thường nằm ở độ cao trung bình khoảng 500m, có nơi lên đến hơn 1.000m. Phía Bắc, từ A Pa Chải đến Pu Xam Sẩu, và phía Nam, từ Thanh Hóa trở vào dãy Trường Sơn, tạo thành những ranh giới tự nhiên. Một số đèo đã trở thành cửa khẩu kết nối hai nước, trong khi nhiều đoạn biên giới khác vẫn còn hiểm trở và khó tiếp cận. Tuy nhiên, khu vực biên giới mang tiềm năng phát triển kinh tế lớn, với sự gắn bó văn hóa lâu đời giữa người dân hai nước. Tình cảm thân tộc và truyền thống hỗ trợ lẫn nhau tạo nên nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào.
Từ thời Pháp thuộc, đường biên giới giữa Việt Nam và Lào được xác định qua các nghị định của Toàn quyền Đông Dương và thể hiện trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000. Sau năm 1975, hai nước đã thống nhất sử dụng bản đồ này để đàm phán và ký kết Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia vào ngày 18/07/1977, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.
|
Cột mốc số 0 - điểm cực Tây của cả nước, trên đỉnh núi Khoan La San thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cột mốc là ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. (Ảnh: Tư liệu) |
Việc phân giới cắm mốc bắt đầu từ năm 1978 và hoàn thành vào năm 1987, với hệ thống 199 mốc quốc giới. Tuy nhiên, các mốc được xây dựng trong giai đoạn khó khăn về kinh tế và kỹ thuật nên không đáp ứng được yêu cầu ổn định lâu dài.
Để hoàn thiện hệ thống mốc biên giới, từ năm 2008, Việt Nam và Lào triển khai kế hoạch tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc, với tổng số 793 vị trí mốc tương ứng 835 cột mốc. Ưu tiên cắm mốc tại các khu vực cửa khẩu và nơi có đường giao thông thuận lợi. Lễ khởi động công tác này diễn ra tại mốc đôi 605 (Lao Bảo - Đen Sạ Vẳn) vào ngày 5/9/2008. Đến năm 2012, hai nước hoàn thành công tác cắm mốc thực địa và hoàn tất nghị định thư cùng bản đồ ghi nhận kết quả vào năm 2014. Công tác phân giới, công tác phân giới đã tạo nên hệ thống mốc giới rõ ràng, phản ánh sự thống nhất ý chí của hai nước, minh chứng về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và hợp tác cùng phát triển.
Từ A Pa Chải đến dãy Trường Sơn: Tình thân vượt lên ranh giới địa lý
Trên tuyến biên giới - Lào trải dài khoảng 2.340 km, không chỉ có những dãy núi hùng vĩ và rừng xanh bạt ngàn, còn là câu chuyện nghĩa tình sâu đậm của những cộng đồng dân cư hai bên. Nơi đây, tình người vượt lên mọi ranh giới địa lý, soi sáng những giá trị bền chặt giữa hai dân tộc đã gắn bó như anh em một nhà từ bao đời nay. Trong không gian vùng biên giới, những ngọn núi cao nhất, như đỉnh Pu Xam Sẩu ở phía Bắc hay Trường Sơn ở phía Nam, không chỉ là ranh giới địa lý mà còn là chứng nhân lịch sử, nơi hai dân tộc từng kề vai sát cánh trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc.
Đồng bào các dân tộc sống dọc biên giới Việt - Lào, từ Điện Biên, Sơn La đến Kon Tum, từ Phong Sa Lỳ đến A Ta Pư, luôn xem nhau như những người ruột thịt. Đồng bào các dân tộc thiểu số, vẫn giữ nguyên nếp sống giản dị và mối quan hệ gắn bó tự nhiên. Những bản làng nhỏ bé ẩn mình trong núi rừng là nơi mà tình thân tộc và giao thoa văn hóa được nuôi dưỡng qua bao đời. Đồng bào thiểu số cùng một dân tộc cùng sinh sống trên hai nước, từ lâu đã “tối lửa tắt đèn có nhau” thường xuyên giao lưu, hỗ trợ trong cả những ngày bình yên lẫn khi khó khăn gian khổ. Ngày thường, họ giúp nhau cấy lúa, làm nương; ngày lễ, ngày Tết, họ cùng ngồi quanh ché rượu cần, trao nhau những lời chúc mộc mạc mà chân tình. Những câu chuyện sẻ chia giữa đồng bào Việt - Lào trong thiên tai, dịch bệnh, hay mùa màng thất bát, luôn là minh chứng rõ nét cho tình đoàn kết sâu sắc, vượt thời gian.
|
Dân tộc Tà Ôi sinh sống tại các vùng biên giới Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (Việt Nam) và các tỉnh Salavan, Sekong (Lào), với lịch sử nguồn cội, sự gần gũi về văn hóa và lối sống, đồng bào Tà Ôi đã góp phần không nhỏ vào xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị giữa Việt Nam và Lào. |
Dọc tuyến biên giới, những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người như Thái, Mông, Tà Ôi, Vân Kiều, Lào... hòa quyện, đan xen tạo thành một bức tranh văn hóa nhiều sắc màu. Điệu khèn, lời hát, những điệu múa xòe hay điệu lăm vông đều là ngôn ngữ chung của niềm vui và tình yêu cuộc sống.
Không chỉ vậy, phong tục tập quán nơi đây cũng trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng. Những lễ hội cầu mưa, lễ cúng rừng hay các buổi chợ phiên vùng biên không chỉ là hoạt động văn hóa mà còn là dịp để hai bên biên giới củng cố tình thân. Qua những món quà trao đổi, từ bó rau rừng đến chiếc váy thổ cẩm, là cả tấm lòng gửi gắm của những con người nặng nghĩa tình.
Điểm tựa vững chắc cho tình hữu nghị hai nước Việt - Lào
Vùng biên giới Việt - Lào là nơi sinh sống của cộng đồng 29 dân tộc với những nét văn hóa đa dạng còn là không gian hội tụ của tình đoàn kết và sự giao thoa văn hóa xuyên biên giới. Các dân tộc này thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ như Tày – Thái, Môn – Khơ Me, H’Mông – Dao và Việt – Mường, cùng chia sẻ ngôn ngữ, phong tục tập quán và các giá trị văn hóa lâu đời. Mối quan hệ thân tộc xuyên biên giới không chỉ làm nên sự gắn kết đặc biệt giữa các cộng đồng mà còn là nền tảng vững chắc xây dựng vùng biên hòa bình, ổn định.
Dọc biên giới phía Tây Việt Nam, người Thái sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An; trong khi đó, ở Lào, cộng đồng Thái (bao gồm các nhóm Tai Dam, Tai Daeng, Tai Khao) tập trung tại vùng Bắc Lào. Hai cộng đồng này chia sẻ nhiều điểm tương đồng từ ngôn ngữ, kiến trúc nhà sàn, đến những phong tục đặc trưng như lễ hội cầu mưa và điệu múa xòe – một biểu tượng văn hóa gắn liền với đời sống cộng đồng.
Người Khơ Mú sinh sống tại các tỉnh miền núi Nghệ An, Thanh Hóa của Việt Nam và ở vùng Bắc Lào, nổi tiếng với lối sống gần gũi với thiên nhiên, nghề săn bắn và hái lượm. Họ có các lễ hội đặc trưng như lễ cúng cơm mới – một nghi lễ cảm tạ trời đất và tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn và ước mong cuộc sống an lành, no đủ.
Người H’Mông, sống tại các tỉnh miền núi cao như Điện Biên, Sơn La của nước ta và khu vực đồi núi phía Bắc Lào, họ mang đến những nét đặc sắc trong văn hóa chợ phiên, trang phục rực rỡ và các lễ hội truyền thống như Tết Mông. Đặc biệt, sự tương đồng trong cách tổ chức lễ hội và đời sống hàng ngày giữa các cộng đồng H’Mông hai nước đã tạo nên một bản sắc chung, thắt chặt thêm tình đoàn kết.
Người Cơ Tu ở Việt Nam có 74.173 người, cư trú lâu đời tại các huyện vùng cao biên giới của tỉnh Quảng Nam như: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang. Một bộ phận nhỏ người Cơ Tu sinh sống ở các huyện Nam Đông, A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế và huyện Hòa Vang của TP. Đà Nẵng. Trên lãnh thổ nước bạn Lào, người Cơ Tu có dân số khoảng 30.000 người, sinh sống tập trung ở huyện Ka Lum và Thông Vai, tỉnh Sê Kông, huyện Lau Ngam thuộc tỉnh Salavan. Với vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử tương đồng, người Cơ Tu ở hai nước đã xây dựng mối quan hệ gắn bó, đoàn kết văn hóa lâu đời.
|
Đồng bào Cơ Tu có đời sống gắn bó với các nghi lễ tín ngưỡng, và nhiều sinh hoạt cộng đồng giàu bản sắc dân tộc. |
Tại miền Trung, người Bru – Vân Kiều ở Quảng Bình, Quảng Trị và người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, cùng với các cộng đồng sinh sống tại Lào ở vùng Khammouane, Sekong, Salavan, luôn gắn bó trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng. Những nghi lễ truyền thống như lễ đâm trâu, các sinh hoạt nhà sàn hay hội làng đã trở thành nhịp cầu văn hóa kết nối hai cộng đồng, bất kể ranh giới địa lý.
Cộng đồng người Lào sinh sống lâu đời ở dọc biên giới ở cả hai nước như Nghệ An, Quảng Trị (Việt Nam) và vùng Bắc Lào, họ không chỉ chia sẻ giá trị văn hóa như các lễ hội Bun Pi May (Tết Lào), tín ngưỡng Phật giáo Theravada mà còn xây dựng mối quan hệ khăng khít thông qua các phiên chợ vùng biên – nơi trao đổi hàng hóa và giao lưu văn hóa diễn ra sôi động.
Trải qua nhiều thế kỷ, những dân tộc thiểu số dọc biên giới Việt - Lào với tình thân tộc, không chỉ cùng chung sống còn kề vai sát cánh trong những thời kỳ khó khăn nhất, từ các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc tới công cuộc bảo vệ từng tấc đất quê hương. Những mái nhà nơi triền núi, những con đường mòn vắt qua dãy Trường Sơn không chỉ lưu giữ dấu ấn lịch sử mà còn ghi đậm tình cảm chân thành, bền chặt giữa hai quốc gia.
Văn hóa của các cộng đồng dân tộc vùng biên giới không chỉ là tài sản vô giá mà còn là nhịp cầu nối hai bờ biên. Các lễ hội, phong tục, điệu múa, lời ca và món ăn truyền thống là minh chứng sống động cho sự gắn bó, hòa quyện giữa các dân tộc. Đặc biệt, những nghi lễ chung như hội làng, cầu mùa hay các phiên chợ vùng biên đã trở thành biểu tượng văn hóa, thắt chặt tình cảm thân thiết, vượt lên mọi rào cản ngôn ngữ, địa lý.
Biên giới Việt - Lào không chỉ là ranh giới địa lý mà còn là không gian của tình người, lòng nhân ái và sự gắn kết xuyên thời gian. Tình thân ái giữa đồng bào hai nước là tấm gương phản chiếu sống động về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào. Đó là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết bền vững, viết nên khúc ca bất diệt về tình nghĩa anh em, để biên giới mãi là biểu tượng của sự hòa hợp, trường tồn cùng lịch sử./.