Khởi điểm của một chặng đường dài

Thứ ba, 05/01/2010 11:24

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Trưởng ban tuyên truyền Hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam - cho rằng, đây là cơ hội mở ra một con đường lớn để thế giới nhìn nhận và khám phá văn học Việt Nam. Tuy nhiên, chặng đường để đưa văn học Việt Nam hội nhập với nước ngoài hãy còn dài và cần một kế hoạch hành động cụ thể sau hội nghị.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà thơ ngay trước thềm Hội nghị (diễn ra từ 5 đến 10-1 tại Hà Nội và Quảng Ninh).

- Thưa ông, tương phản với bức tranh “nhập khẩu” văn học thế giới vào Việt Nam, con đường ngược lại dường như quá chậm chạp và nhọc nhằn. Nhiều người cho rằng, lẽ ra chúng ta đã phải khởi động công việc này một cách bài bản và quy mô từ lâu rồi…

- Đúng thế, chúng ta đang sống ở thời mở cửa, và Việt Nam đã hội nhập thế giới trên tất cả mọi lĩnh vực, hình ảnh Việt Nam không còn chỉ được thế giới biết đến như là một đất nước có quá khứ chiến tranh. Hội nghị APEC vừa rồi, có một hình ảnh rất đáng nhớ là bức ảnh Thủ tướng Australia chạy bộ tập thể dục cùng với các cụ già Việt Nam bên Hồ Gươm trong buổi sáng thanh bình, không cần bảo vệ. Điều đó cho thấy rằng, từ lâu rồi Việt Nam đã là một đất nước hoà bình, ổn định và phát triển. Trong nhiều lĩnh vực, Việt Nam đã được thế giới biết đến và công nhận. Nhưng đối với văn học thì chưa.

Nếu mà nói về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn học thì chúng ta đã làm rất tốt. Bây giờ bước vào một cửa hàng sách nào đó, bạn có thể thấy trên trời dưới là… sách dịch. Nhưng đó là những tác phẩm của thế giới dịch ra tiếng Việt.

Chúng ta đã sớm cập nhật nhanh nhạy những tinh hoa văn học thế giới, và công việc này đã tạo nên một số dịch giả Việt Nam nổi tiếng. Chúng ta cũng đã “thẩm thấu” một nền văn học thế giới một cách khá sâu sắc, từ những chương trình dạy học trong nhà trường, đến những câu thơ chép trong sổ tay, từ những bài thơ Đường cho đến thơ Onga Becgôn, từ những tác giả, tác phẩm kinh điển đến hiện đại, đương đại của thế giới. Có nhiều bài thơ nước ngoài còn trở thành ca dao Việt Nam.

Còn ngược lại thì sao? Tác phẩm Việt Nam dịch ra tiếng nước ngoài quá nhỏ lẻ, chưa quy củ, chưa hệ thống. Tuy vậy, chỉ tình cờ qua một số ít ỏi tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài, thì có thể thấy rằng văn học Việt Nam cũng rất được chú ý. Về tiểu thuyết chúng ta còn khá khiêm tốn, nhưng về thơ và truyện ngắn thì có thể nói chúng ta cũng có một số thành tựu ở phạm vi thế giới.

Việc dịch tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt thì có lẽ không cần đến Hội Nhà văn. Các dịch giả, các nhà xuất bản sẽ tự tìm thấy lợi ích việc làm của mình. Còn việc dịch tác phẩm văn học Việt Nam ra một số ngôn ngữ có ảnh hưởng lớn trên thế giới thì rõ ràng chúng ta cần có một cơ quan chuyên trách đứng ra để kết hợp với các đối tác nước ngoài. Họ chưa biết đến mình, thì mình phải tìm đến họ. Hội Nhà văn đã nhìn thấy sự cần thiết và những việc làm lâu dài, nên đã chuẩn bị khá kỹ càng.

- Vâng, được biết hội nghị lần này có một quá trình chuẩn bị khá kỹ càng, nhưng qua chương trình động được công bố thì cũng có thể thấy rằng, không nên kỳ vọng gì nhiều, bởi những đối tác quan trọng như các nhà xuất bản nước ngoài không có trong danh sách khách mời, thời gian dành cho thảo luận, tiếp xúc quá ít…

- Không thể kỳ vọng gì nhiều trong một cuộc hội nghị. Hơn nữa, đây mới là điểm khởi đầu cho một con đường dài. Những gì tôi trông chờ là những việc chúng ta có thể làm sau khi kết thúc hội nghị. Cần phải có những việc làm cụ thể, những kế hoạch hợp tác lâu dài, với nhiều khâu tổ chức, công đoạn. Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa tới sẽ phải nghĩ tới những việc này và tôi tin đây là một bước khởi đầu rất tốt.

Tuy vậy, cũng không nên vội vàng đòi hỏi quá nhiều ở chương trình làm việc, bởi hội nghị lần này chính là tiếp xúc, gặp gỡ, và việc di chuyển địa điểm xuống Quảng Ninh, mời đại biểu đi thăm các danh lam thắng cảnh cũng chính là việc mở rộng tiếp xúc, một kênh để cung cấp thêm thông tin, tạo điều kiện cho các đối tác nước ngoài tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam. Bởi công việc dịch thuật, không đơn thuần chỉ làm việc trên văn bản. Một bản dịch không chỉ là chuyển từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, mà phải làm sao chuyển tải được cái “hồn vía” của tác phẩm, trong đó, sắc thái văn hóa dân tộc là vô cùng quan trọng.

Hội nghị lần này chủ yếu là giới thiệu một cách tổng quát, bài bản nhất thành tựu của văn học Việt Nam, gồm hệ thống tác giả, tác phẩm từ trước tới nay. Mình mời bạn bè quốc tế đến, giới thiệu cho họ biết mình có gì, còn lựa chọn như thế nào lại là theo ý thích và quyền của họ.

- Được biết, Hội Nhà văn đã lựa chọn tập hợp một bộ kỷ yếu những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam để giới thiệu tại hội nghị. Vậy ông có thể cho biết, chúng ta dựa vào tiêu chí nào để lựa chọn những tác giả, tác phẩm này?

- Những tác phẩm hay, những tác giả được thừa nhận thì ai cũng biết rồi. Kỷ yếu tập hợp những tác phẩm đã thành “kinh điển”, những tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, các tác phẩm được đánh giá bằng giải thưởng nằm trong hệ thống giải thưởng quốc gia… những tác phẩm được trích dạy trong nhà trường… và rất nhiều tác phẩm mới của các tác giả trẻ. Nói chung là chúng tôi không hề khắt khe trong tiêu chí lựa chọn. Chỉ tránh những tiêu chí ngoài văn học ra thôi.

- Nhưng thưa ông, việc tập hợp giới thiệu toàn bộ hệ thống nền văn học Việt Nam mà chỉ do một cơ quan là Hội Nhà văn đảm trách, e rằng sẽ phiến diện, và biết đâu, cũng không tránh được những yếu tố ngoài văn học?

- Tôi cho rằng đó là một kênh quan trọng để giới thiệu văn học Việt Nam một cách hệ thống và tổng quát nhất. Tuy nhiên, đấy chỉ mới là một kênh. Còn rất nhiều kênh khác nữa mà bạn bè thế giới có thể tiếp cận văn học Việt Nam: qua các nhà văn là người Việt ở nước ngoài và trong nước, qua các tác phẩm được phát hành trên thị trường. Họ có quyền chọn lựa, mình cũng không áp đặt được. Đôi khi, đối tác nước ngoài họ lại chọn những tác phẩm tưởng như là thuần tuý văn học, nhưng thực chất lại là ngoài văn học. Trước đây khi mình chưa chủ động giới thiệu, thì cách nhìn của họ có thể phiến diện. Bây giờ mình cung cấp cho họ một góc nhìn chính thống, tổng thể, một góc nhìn lịch sử, một hình dung tổng quát. Sẽ chỉ vì văn học, một cách khách quan nhất, ngoài ra không một mục đích gì khác. Những tác phẩm này được ít nhiều đều làm nên gương mặt văn học Việt Nam, phản ánh xã hội, đất nước và con người Việt Nam qua các thời kỳ.

- Dịch văn học từ ngôn ngữ Việt, đặc biệt là dịch thơ, chắc chắn còn phải trải qua nhiều khâu quan trọng khác, để tác phẩm Việt Nam có thể đến được với bạn bè thế giới. Ông cũng là một tác giả được thế giới biết đến, ông có kinh nghiệm nào có thể chia sẻ?

- Tôi thì không tự đi quảng bá tác phẩm của mình. Cũng có một số bài thơ, tập thơ của tôi được dịch ra tiếng Tiệp, Hungary, Bulgari, Pháp, Anh. Thường thì họ dịch và in khi nào, đến khi tôi được tặng sách thì mới biết. Việc này là nhờ công sức mở đầu của nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn hóa Hữu Ngọc. Nói chung tôi thấy hài lòng với các bản dịch này, phần lớn là thấy cũng hay. Nhưng cũng có bài bị dịch ra thành… diễn nôm. Như thế này này: “Bố em đi cày về/ Đội sấm/ Đội chớp/ Đội cả trời mưa…” thì tiếng Nga dịch thành: “Bố tôi đi cày về? Chớp bay trên đầu ông ta/ Sấm kêu trên đầu ông ta/ Mưa rơi trên đầu ông ta”. Hoặc: “Đất muốn nói điều chi thế / Mà không nói được với người / Mà rạo rực trong quả ngọt / Mà rưng rưng màu lá tươi”. Bản dịch đã in ở Nga là: “Lời của Đất ngắn gọn / Thay cho lời chỉ có / Hoa tươi / Quả ngọt”.

Tương tự như thế, tựa đề bài thơ “Ánh sáng và Phù sa” của Chế Lan Viên, bản dịch tiếng Nga đã trở thành “Ánh sáng và bùn”. Quanh quanh việc dịch thơ, còn có nhiều chuyện bi hài nữa.

Dịch văn học từ ngôn ngữ Việt, đặc biệt là dịch thơ, là vô cùng khó. Nếu chỉ chuyển ngữ thì họ không sai, nhưng thơ thì đã mất hết.

Tôi cho rằng, để làm tốt công việc này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên. Ngoài việc giới thiệu, chúng ta còn phải tạo điều kiện cho dịch giả nước ngoài nhập thân vào nền văn hóa của chúng ta, ngôn ngữ của chúng ta. Chúng ta cần phải có những dự án cụ thể, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ trên từng bản dịch. Chẳng hạn, những tác phẩm của Hồ Xuân Hương, những câu thơ của bà ấy, câu nào cũng mang ý nghĩa kép, nếu mà dịch giả nước ngoài, và quan trọng hơn, độc giả nước ngoài họ không biết đến nền văn hóa Việt Nam, khó có thể hiểu hết và lột tả được những tầng nghĩa đó.

- Vâng, nếu không có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả, thì việc dịch tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài, dù đã tổ chức một hội nghị, giới thiệu bài bản nhưng sẽ vẫn còn nhiều e dè, lo sợ?

- Không, chúng ta cũng không nên lo sợ rằng thế giới sẽ không cảm nhận được cái hay cái đẹp của văn chương mình. Một tác phẩm văn chương có giá trị là chính là tờ giấy thông hành để dân tộc, quốc gia ra với thế giới. Bạn đã từng biết đến một đất nước bé nhỏ có tên Daghestan nhờ có Raxun Gamzatov, biết đến đất nước Colombia xa xôi nhờ những tác phẩm của Marques. Vậy cũng đừng lo chúng ta nhỏ bé mà thế giới sẽ không biết đến, nếu chúng ta có những tác phẩm văn học có giá trị.

- Vâng, cám ơn ông về cuộc trao đổi này. 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực