Hà Tĩnh: Lan tỏa phong trào" Đền ơn đáp nghĩa"

Thứ hai, 27/07/2020 10:03
(ĐCSVN) - Có thể nói phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thực sự trở thành một phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành ở Hà Tĩnh với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách tại thành phố Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh liệt sĩ . (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Những ngày tháng 7 nắng đổ, hòa chung vào không khí tri ân kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ của cả nước (27/7), chúng tôi đến với Hà Tĩnh – một trong những tỉnh nằm ở dải đất miền Trung chịu nhiều mất mát, hy sinh trong các cuộc chiến tranh kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Và rồi, thả hồn mình theo lời ca dịu dàng và giai điệu da diết “Ơi Hà Tĩnh mình, đường về có nhớ/trời chang chang nắng ai quàng áo tơi/Cho ta thương nhau mồ hôi chát mặn/cho ta thương nhau vầng trăng không lẻ bạn”, theo chân đoàn công tác của Thành đoàn Hà Tĩnh, chúng tôi đã cùng tham dự lễ dâng 1.300 bông sen lên phần mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài như một phần tưởng niệm, hướng về tháng tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh cho độc lập dân tộc và kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020).

Ưu đãi với người có công ngày càng được nâng cao

Trải qua những mất mát của chiến tranh, đất nước tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong đổi mới, các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được đặc biệt quan tâm. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng người có công được mở rộng; chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và đồng thuận xã hội. 

Cùng với những thành tựu của kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; tích cực tuyên truyền phổ biến các chế độ, chính sách; tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trong việc tiếp nhận và giải quyết chế độ chính sách người có công; thực hiện tốt việc chi trả trợ cấp thường xuyên, cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ làm nhà ở; thực hiện các chính sách ưu đãi giáo dục, ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh nặng…

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, chính sách dành cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng cũng có những thay đổi nhất định, nhưng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận giải quyết chế độ chính sách cho hơn 428 nghìn lượt hồ sơ đối tượng người có công, trong đó có hơn 2.500 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; 26.000 Liệt sĩ, 1.965 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; 37.409 Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và hàng trăm nghìn đối tượng là anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, người có công giúp đỡ cách mạng và người được tặng thưởng huân huy chương kháng chiến. Hiện toàn tỉnh có trên 43.000 người có công đang hưởng trợ cấp thường xuyên, hàng chục ngàn người hưởng trợ cấp một lần và các chính sách khác với kinh phí mỗi năm hơn 1.000 tỷ đồng. Nhìn chung, các chế độ chính sách đều được thực hiện kịp thời, đến tận đối tượng, thể hiện được lòng tri ân đối với người có công với cách mạng. 

Thành đoàn Hà Tĩnh tổ chức lễ dâng 1.300 bông sen lên phần mộ các liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Núi Nài  (Ảnh: Thành đoàn Hà Tĩnh)

Việc thực hiện chính sách dành cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng được triển khai đồng bộ giữa hoạt động chăm sóc, tri ân những người còn sống, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng và tu sửa nghĩa trang, nhà bia, đài tưởng niệm các công trình ghi công các liệt sĩ được quan tâm triển khai đồng bộ. Đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh đã tìm kiếm, quy tập được 778 hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào, hàng trăm hài cốt trong nước về an táng tại các nghĩa trang trong tỉnh; hằng năm đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia, đài tưởng niệm, đến nay, đã đầu tư xây dựng, sửa chữa 11 nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ với tổng kinh phí gần 89 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. 

Điểm nổi bật nhất trong những năm qua là ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh đã tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, khiếu kiện kéo dài; thực hiện công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, số hóa hồ sơ dữ liệu quản lý người có công, từng bước giải quyết những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm theo kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát về chính sách đối với người có công. Tăng cường công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện tốt các chính sách người có công với cách mạng đã góp phần thực hiện thành công các mục tiêu nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh.

Từng bước nâng cao đời sống gia đình chính sách, người có công với cách mạng

Thực hiện tốt các phong trào, hoạt động hỗ trợ nâng cao mức sống của người có công và gia đình người có công, phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã được thực hiện sâu rộng, với các chương trình như: Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng… 

5 năm qua, đã có hàng ngàn tổ chức cá nhân đóng góp Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" với số kinh phí trên 30 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.200 ngôi nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, chăm sóc sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ, 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Thực hiện chủ trương hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, từ năm 2013 đến nay Hà Tĩnh đã xây mới, sửa chữa nâng cấp 4.598 ngôi nhà cho người có công, gia đình chính sách với số kinh phí hơn 140 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 các cấp các ngành đã rà soát, chi trả hỗ trợ kịp thời cho 3 nhóm đối tượng (người có công, bảo trợ xã hội, thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo) 171.557 người, tổng kinh phí trên 196 tỷ đồng, trong đó có 37.697 đối tượng người có công với số tiền trên 56,5 tỷ đồng. Cùng với đó, bản thân thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng cũng nỗ lực phấn đấu vươn lên trở thành những tấm gương tiêu biểu, điển hình, là những nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước, trong học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội.

Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà đối với gia đình chính sách, người có công được quan tâm thường xuyên, đặc biệt nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt  sĩ 27/7, các ngày lễ, tết hằng năm các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã tổ chức thăm hỏi động viên, tặng hơn 200 nghìn suất quà với số kinh phí trên 50 tỷ đồng cho các gia đình chính sách, thương bệnh binh và thắp hương các anh hùng liệt sĩ. Nhìn chung, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trên địa bàn đạt được nhiều kết quả, thể hiện sự tri ân đối với các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và người có công, góp phần cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với cách mạng trên địa bàn, là động lực quan trọng để người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, vươn lên trong cuộc sống.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh với nhiều hoạt động tri ân các gia đình chính sách và người có công nhân dịp 27/7 hàng năm. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh) 

Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh Lê Thị Mai Hoa cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp và sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, bằng nhiều chương trình, kế hoạch và hành động cụ thể, đến nay 100% số hộ gia đình chính sách đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 98% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công; các chế độ chính sách điều dưỡng người có công, thăm hỏi tặng quà, hỗ trợ giúp đỡ làm nhà ở, đào tạo nghề giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện... Tuy nhiên, công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, nghị quyết, chính sách ưu đãi người có công vẫn chưa được thường xuyên, vẫn còn một số người vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; một bộ phận thương binh, bệnh binh và gia đình người có công với cách mạng còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống…

Theo bà Lê Thị Mai Hoa, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công, đẩy mạnh các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác thương binh - liệt sĩ và người có công; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức các cấp; làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn, nhất là ưu tiên đầu tư nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm tại các xã sau sáp nhập...; đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng; chú trọng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách người có công, thông qua thanh tra, kiểm tra vừa giúp đối tượng được kiểm tra thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với người có công, vừa chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình thực hiện chính sách, tạo niềm tin cho nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội.

Có thể nói, trong suốt 73 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Tĩnh đã luôn nỗ lực, cố gắng chăm sóc người có công với ý thức không chỉ là bổn phận, đạo lý, là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự với các cấp, ngành, tổ chức xã hội và người dân. Những hành động thiết thực, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng có ý nghĩa giáo dục truyền thống, mang tính nhân văn sâu sắc, đồng thời vừa là động lực tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để xây dựng Hà Tĩnh ngày càng phát triển, thiết thực chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực