Thành phố Hà Nội tặng tỉnh Ninh Bình 3 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Sáng 1/6 tại tỉnh Ninh Bình, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức hội nghị hợp tác, kết nối, phát triển. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Ninh Bình và lãnh đạo các sở, ban, ngành của hai tỉnh, thành phố.
Phát biểu mở đầu, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh khẳng định, trong những năm qua, việc thực hiện các nội dung hợp tác giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả tích cực, đem lại sự phát triển chung cho hai địa phương và cả nước. Đáng chú ý, hiện Ninh Bình đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển du lịch, dịch vụ bền vững... Để đạt được mục tiêu đó, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỉnh Ninh Bình rất cần sự phối hợp, giúp đỡ của thành phố Hà Nội. Thông qua hội nghị hợp tác - kết nối - phát triển lần này, tỉnh Ninh Bình mong muốn được lãnh đạo thành phố Hà Nội tham gia góp ý, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, qua đó giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh phấn đấu sớm trở thành tỉnh phát triển khá ở khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Báo cáo kết quả hợp tác giữa hai địa phương thời gian qua và định hướng những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, việc thực hiện các nội dung hợp tác giữa hai tỉnh thành trong thời gian qua bước đầu đạt được những kết quả nhất định, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của mỗi địa phương. Cụ thể, hai địa phương đã có một số hoạt động chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; các ban Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở ngành, quận, huyện của hai địa phương có các hoạt động giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác. Qua đó, đã tham mưu cấp ủy, chính quyền hai tỉnh, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Về hợp tác phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hai địa phương đã cùng phối hợp chia sẻ, cập nhật thông tin trong quá trình lập, triển khai thực hiện các quy hoạch của vùng, tiểu vùng trên cơ sở định hướng chung của toàn quốc, đảm bảo được mối liên kết với các tỉnh, thành phố liên quan; hai tỉnh thành đã tham khảo và chia sẻ thông tin trong xây dựng kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm.
Hai tỉnh, thành phố đã trao đổi, phối hợp thực hiện các dự án có tính chất liên vùng, đem lại lợi ích chung cho vùng và hai địa phương, nổi bật như: Các dự án nằm trong chương trình phân lũ, chậm lũ tỉnh Ninh Bình góp phần chống ngập lụt, xả lũ bảo vệ thủ đô Hà Nội và lưu vực sông Đáy; dự án Bệnh viện đa khoa 700 giường, bệnh viện Sản Nhi; dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38B, 12B kéo dài, dự án đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1A; xây dựng các trạm 220KV; nạo vét sông Đáy;…
Về lĩnh vực thương mại, công nghiệp, du lịch, Hà Nội và Ninh Bình tích cực tham gia hội nghị thường niên 14 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ để trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, tăng cường hợp tác giữa các địa phương. Hà Nội thường xuyên cung cấp, cập nhật danh sách các nhà sản xuất của các tỉnh, thành phố cho doanh nghiệp phân phối trên địa bàn để hỗ trợ kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất với phân phối; hỗ trợ các doanh nghiệp của Ninh Bình tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hai bên thường xuyên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và triển khai các công tác phát triển thị trường, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch. Trao đổi, phối hợp triển khai một số dự án đầu tư phát triển phục vụ du lịch trong vùng như tuyến đường Bái Đính - Mỹ Đình thuộc Hành lang kinh tế Hà Nội - Thành phố Ninh Bình để kết nối các điểm và các khu du lịch danh thắng, văn hoá, sinh thái độc đáo của Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình...
Về nông nghiệp, phát triển nông thôn và bảo vệ môi trường, hai bên phối hợp tham gia triển lãm giới thiệu các thành tựu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình, kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp; đặc biệt trong năm 2019 hai địa phương đã phối hợp mở cửa hàng nông sản an toàn Ninh Bình đầu tiên tại Hà Nội nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản của tỉnh Ninh Bình đến người tiêu dùng tại Thủ đô. Hàng năm Ninh Bình cung cấp hàng trăm tấn thực phẩm cho Hà Nội, hàng trăm tấn gạo đặc sản, gạo chất lượng cao cho thị trường Hà Nội thông qua hệ thống cửa hàng của công ty tại Hà Nội...
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toàn cũng nêu rõ, kết quả hợp tác còn khiêm tốn, chưa tương xứng với lợi thế về khoảng cách địa lý và tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương, đặc biệt trong đó chưa phát huy được các lĩnh vực thế mạnh như: khoa học công nghệ; xúc tiến đầu tư, thương mại; kết nối các khu, cụm công nghiệp; kết nối các tuyến du lịch gắn với truyền thống lịch sử, văn hoá giữa cố đô Hoa Lư và Thăng Long – Hà Nội; bảo vệ môi trường các tuyến sông chưa hiệu quả.
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo thành phố Hà Nội và tỉnh Ninh Bình thống nhất trong thời gian tới hai địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của toàn vùng như phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, tăng cường xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, hai địa phương tiếp tục phối hợp triển khai một số dự án đầu tư phát triển phục vụ du lịch trong vùng như tuyến đường Bái Đính – Mỹ Đình thuộc hành lang kinh tế Hà Nội – Ninh Bình để kết nối các điểm và các khu du lịch, danh thắng, văn hoá, sinh thái độc đáo của Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình...
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô chúc mừng những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong những năm qua. Theo đồng chí Hoàng Trung Hải, Hà Nội thường xuyên dõi theo sự phát triển của Ninh Bình, với tư cách là kinh đô cũ. Đồng chí Hoàng Trung Hải bày tỏ vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của Ninh Bình, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, trong triển khai hiệu quả các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị hai địa phương cần thường xuyên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, công tác sắp xếp cán bộ chuyên trách, không chuyên trách cấp xã phường, việc đào tạo cán bộ nguồn ở các ban xây dựng Đảng, UBND, HĐND các cấp. Đồng thời phát huy hiệu quả hoạt động của HĐND, vai trò quản lý, điều hành của UBND, đặc biệt là cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch giữa Hà Nội và Ninh Bình còn rất lớn, với tư cách là cố đô, 2 địa phương có mối gắn bó chặt chẽ với chiều dài hàng ngàn năm lịch sử, do vậy cần tăng cường hợp tác hiệu quả, chặt chẽ trong lĩnh vực này. Đồng chí Hoàng Trung Hải cũng để nghị trên từng lĩnh vực hợp tác cần xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trao tặng Quỹ Hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo của tỉnh Ninh Bình 3 tỷ đồng.
* Trước đó, đầu giờ sáng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và đoàn công tác thành phố Hà Nội đã đến dâng hương tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Đền thờ Vua Lê, thuộc quần thể di sản cố đô Hoa Lư, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình./.