Sức vươn mới của Yên Bình

Thứ ba, 23/06/2020 16:58
(ĐCSVN) – Những năm gần đây, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã có những bước tiến rõ rệt trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng mọi mặt của đời sống nhân dân. Những giải pháp đột phá về đầu tư, công nghiệp, nông lâm nghiệp và đặc biệt là kinh tế du lịch, đã mang lại một diện mạo đầy sức sống cho vùng đất Yên Bình...
 Cây bưởi Đại Minh mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân huyện Yên Bình. Ảnh: Thanh Chi

Xuất phát điểm là một huyện nghèo, có nhiều khó khăn, đến nay Yên Bình đã vươn lên dần trở thành huyện khá. Có được điều này, trước hết là nhờ Huyện ủy, UBND huyện đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triên kinh tế xã hội; trong đó trọng tâm là khai thác những tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái từ lâu đã nổi tiếng với sản vật là giống bưởi “tiến vua” có gien quý ở xã Đại Minh. Đặc điểm của bưởi Đại Minh là có hương vị thơm, ngọt quánh mật, ăn đến no mà không chán. Với tầm nhìn xa, kịp thời bắt nhịp với xu thế chung, huyện Văn Yên và tỉnh Yên Bái đã có hướng đi đúng trong việc nâng tầm trái bưởi Đại Minh. Đến nay, bưởi Đại Minh đã có mặt ở mọi miền của Tổ quốc. Thương hiệu bảo đảm, đầu ra ổn định với giá bán trung bình khoảng 50-60 ngàn đồng/quả, bưởi Đại Minh mang về thu nhập cho người nông dân Yên Bình trung bình vào khoảng 500 triệu đồng/ha, gấp hàng chục lần so với nhiều loại cây trồng truyền thống khác. Anh Nguyễn Văn Thanh, một người dân ở xã Đại Minh phấn khởi chia sẻ, từng gắn bó với cây bưởi nhiều năm nhưng phải đến một số năm gần đây, cây bưởi mới thực sự có những bước khởi sắc. Năm vừa qua, gia đình tôi thu nhập gần 300 triệu đồng từ tiền bán bưởi; đời sống gia đình ngày càng được nâng lên.

Tìm hiểu được biết, cùng với quả bưởi Đại Minh, với việc thực hiện “mỗi xã một sản phẩm”, Yên Bình đã tạo bước đột phá thu nhập cho người dân thông qua việc khai thác, phát huy thế mạnh là các loại nông sản, sản vật truyền thống của địa phương. Đó là gạo Bạch Hà ngon nức tiếng Tây Bắc với giá trị sản xuất trung bình lên đến 120 triệu đồng/ha; là cá lồng hồ Thác sạch và ngon ở đẳng cấp đặc sản với hơn 1.700 lồng có mức thu 30 triệu đồng/lồng/năm... Qua đánh giá, những sản phẩm có thương hiệu này đang thay đổi diện mạo và cuộc sống của hàng nghìn hộ dân thuộc địa bàn huyện Yên Bình.

Dấu ấn lớn nhất trong những năm qua ở huyện miền núi Yên Bình đó là sự chuyển dịch kinh tế đúng hướng. Toàn huyện đã tăng trưởng bình quân 5 năm ước đạt 18,8%, thu nhập bình quân đầu người nay đạt 36 triệu đồng. Nhiều chỉ tiêu tăng cao so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết nhiệm kỳ 2015 - 2020 như: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 3.000 tỷ đồng, vượt mục tiêu hơn 40%, tăng 66% so với năm 2015; giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 2,6 lần, vượt 45%. Toàn huyện đã xây dựng 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, quyết tâm sẽ trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025 với mức thu đầu người đạt 60 triệu đồng. Huyện đã huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung hoàn thiện hệ thống điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc.

Tính đến đầu năm 2020, toàn huyện Yên Bình đã có 235 doanh nghiệp, 65 hợp tác xã, 482 tổ hợp tác và trên 2.500 hộ kinh doanh cá thể. Mỗi năm giải quyết gần 3.000 việc làm mới cho người lao động. Tổng giá trị sản xuất của các thành phần kinh tế năm 2020 ước đạt trên 13.000 tỷ đồng. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, Yên Bình đã thu hút 61 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 16.000 tỷ đồng và 11,14 triệu USD; đến nay đã có 33 dự án đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động hiệu quả. Đáng kể cho đầu tư công nghiệp phải kể đến nhà máy may Dae Seung Global, Bảo Lai...

Theo đồng chí Đoàn Hữu Phung, Bí thư Huyện ủy Yên Bình, nếu như trước đây, thu ngân sách hàng năm của huyện chỉ đạt vài chục tỷ đồng thì năm nay, ước thu ngân sách toàn huyện đạt khoảng 300 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,38% ... “Điều này đánh dấu sự thay đổi vượt bậc, là kết quả sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”, Bí thư Huyện ủy Yên Bình nhấn mạnh.

Đặc biệt, từ sau khi Thủ tướng phê duyệt quyết định mở ra Khu du lịch danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà, hàng loạt nhà đầu tư đã tìm đến khảo sát, triển khai dự án đầu tư phát triển du lịch vùng hồ. Dự án khu công viên Văn hóa, Thể thao, Du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà của Tập đoàn Alphanam là điểm nhấn sẽ thay đổi con số 90.000 khách du lịch hằng năm lên khoảng 350.000 lượt.

Thực tế, lòng hồ Thác mang vẻ đẹp rất riêng với hơn 1.300 hòn đảo, cùng nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo với Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà, Đình làng Khả Lĩnh, Đình làng Ba Chãng... Du khách đến đây sẽ có cơ hội được hòa mình cùng vẻ đẹp thiên nhiên; được tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng, khám phá bản sắc văn hóa Tày, Dao các dân tộc, đua thuyền hồ Thác, thụ hưởng những đêm nhà sàn homestay... Đây đồng thời cũng hứa hẹn sẽ thêm động lực phát triển mới của mảnh đất Yên Bình.

Nỗ lực vượt khó, chủ động phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tin tưởng huyện Yên Bình sẽ tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa trên con đường xây dựng quê hương Yên Bình ngày một phát triển mạnh giàu./.

Quang Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực