Lễ tạ ơn cha mẹ của người Gia Rai

Thứ ba, 22/11/2016 12:25
(ĐCSVN) – Trong đời sống của người Gia Rai, tỉnh Gia Lai, việc báo hiếu cha mẹ có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ thể hiện qua cách cư xử với cha mẹ hàng ngày mà còn thể hiện bằng một nghi lễ lớn và trang trọng, đó là Lễ Tạ ơn cha mẹ.

Nằm trong khuôn khổ các họat động của Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam, diễn ra từ ngày 18-23/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây – Hà Nội), đồng bào Gia Rai, xã Chư A, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai (Tây Nguyên) đã giới thiệu tới công chúng Thủ đô những giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội này. 

Lễ Tạ ơn cha mẹ của người Gia Rai thường được tổ chức vào dịp nông nhàn, đây là lễ của người con ruột đã có gia đình, có nhà riêng, kinh tế khấm khá. Trước khi tổ chức người con xin phép dòng tộc, bố mẹ về việc muốn tổ chức làm lễ để tạ ơn cha mẹ đã có công sinh thành, nuôi dưỡng con cái nên người. 

Lễ Tạ ơn cha mẹ là một sinh hoạt dân gian đã được cộng đồng thừa nhận và lưu truyền qua nhiều thế hệ người Gia Rai,
 có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn những giá trị truyền thống và gắn kết cộng đồng.
 

Để chuẩn bị cho buổi Lễ, những cặp vợ chồng người Gia Rai cố gắng nuôi thật nhiều heo, gà và chuẩn bị các vật phẩm cần thiết để làm cỗ. 

Nghi thức đón khách của các thanh niên Gia Rai trong ngày Lễ.

Theo phong tục, người dân đến chung vui Lễ tạ ơn thường mang theo 1 lon gạo để đưa cho nữ gia đình; còn đàn ông sẽ mang theo rượu để chúc mừng nam chủ nhân, với ý nghĩa chia sẻ niềm vui và đóng góp cho gia chủ. 

Được sự đồng ý của cha mẹ, vào ngày đã định, gia đình người con mang lễ vật đến, cúng thần linh và ông bà tổ tiên, sau đó lấy một nhánh lá rừng nhúng vào trong ghè rượu cúng để phẩy rượu lên cha mẹ và con với ý nghĩa cầu may mắn. 

Nghi thức tặng Zèng cho bố mẹ của vợ chồng trẻ người Gia Rai trước sự chứng kiến của già làng và dân làng. 

Tiếp theo, cha mẹ và con sẽ lần lượt uống rượu cần, khấn thần linh, ông bà tổ tiên, mời họ về cùng hưởng và chứng kiến sự hiếu thuận của con cháu, cảm ơn họ đã ban cho sự giàu có, no đủ, gia đình bình yên, hạnh phúc… 

Sau phần Lễ là phần Hội, các nhạc cụ cồng chiêng, kèn bầu, kèn sừng trâu, kèn môi, đàn độc huyền
được trai làng diễn xướng, mang tới một không gian tràn đầy âm hưởng của đại ngàn Tây Nguyên.
 

Các cô gái Gia Rai dặt dìu trong điệu múa truyền thống. 

Người dân và du khách chung vui trong ngày Lễ tạ ơn. 


Những lễ hội truyền thống lâu đời không chỉ phản ánh sinh động nét văn hóa đặc trưng vùng đất Tây Nguyên mà còn góp phần cho bức tranh văn hóa Cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm đa dạng và lung linh sắc màu.

 

 

Nguyễn Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực