Lễ kết nghĩa anh em của người Ê Đê
Thứ ba, 24/12/2024 11:49 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Lễ kết nghĩa anh em giữa hai dân tộc M’nông và Ê Đê tại tỉnh Đắk Lắk và Thừa Thiên Huế không chỉ là dịp thắt chặt tình đoàn kết mà còn là một nét văn hóa đặc sắc trong bức tranh văn hóa Việt Nam rực rỡ sắc màu. Lễ kết nghĩa giữa hai dân tộc này đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ, khuyến khích mọi người sống hòa thuận, gắn bó như anh em một nhà, cùng chia sẻ buồn vui và giúp nhau vượt qua khó khăn, xây dựng buôn làng ấm no, hạnh phúc.
|
Trong âm thanh réo rắt mời gọi của những nhạc cụ truyền thống, đồng bào M’nông từ buôn Jiê Juk, xã Đăk Phơi (Đắk Lắk) và đồng bào Ê Đê từ buôn Kô Siêr, TP. Buôn Mê Thuột tề tựu, cùng nhau tổ chức Lễ kết nghĩa anh em trong không khí thiêng liêng và đoàn kết. |
|
Lễ kết nghĩa của người M’nông và Ê Đê được tổ chức trên tinh thần tự nguyện, không vụ lợi. Người được kết nghĩa phải đến từ sớm để chứng kiến việc chuẩn bị lễ vật. Địa điểm tổ chức Lễ kết nghĩa thường tại nhà dài của dân tộc Ê Đê. |
|
Khi mọi người tập trung đầy đủ, tiếng cồng chiêng vang lên, báo hiệu nghi lễ trang trọng của cộng đồng bắt đầu. Theo phong tục, phụ nữ ngồi phía Nam, đàn ông ngồi phía Bắc của căn nhà. Không khí buổi lễ thiêng liêng nhưng không kém phần ấm cúng, gần gũi. |
|
Những vật phẩm trong lễ gồm 1 ché rượu cần, 1 con gà trống, 2 vòng đồng, 1 cây Kơ nia và cây Nêu – biểu tượng tín ngưỡng của cả hai dân tộc. Con gà trống tượng trưng cho lễ kết nghĩa, ché rượu là cầu nối mời gọi các vị thần linh và tổ tiên chứng giám cho buổi lễ. |
|
Thầy cúng là người trong vai trò dẫn dắt, điều hành buổi lễ, bắt đầu bằng lời khấn mời các vị thần linh, ông bà tổ tiên về chứng giám. Lời khấn nhấn mạnh rằng, từ nay hai người kết nghĩa sẽ trở thành anh em một nhà, gắn kết cả trong niềm vui và khó khăn. |
|
Sau phần khấn của chủ lễ, những người kết nghĩa sẽ chính thức trao lời thề. Lời thề được lặp lại trước mặt thầy cúng, gia đình và cộng đồng, thể hiện sự chân thành và cam kết bền chặt. |
|
Gia chủ hoặc thầy cúng trao vòng đồng cho người được kết nghĩa. Vòng đồng là biểu tượng của sự gắn bó bền vững, không thể tách rời. |
|
Nghi thức đeo vòng cho những người kết nghĩa. |
|
Người kết nghĩa uống rượu cần từ ché, thể hiện sự hòa quyện tâm hồn và gắn kết tình cảm giữa hai bên. Rượu cần không chỉ là đồ uống mà còn là sợi dây văn hóa kết nối cộng đồng. |
|
Người được kết nghĩa sẽ cùng thầy cúng và gia chủ thưởng thức các món ăn từ mâm cúng. Đây là cách thể hiện sự đón nhận, chia sẻ và gắn kết lâu dài. |
|
Lễ kết nghĩa không chỉ thể hiện tình cảm giữa các cá nhân mà còn thể hiện sự gắn kết cả cộng đồng thông qua các hoạt động văn nghệ dân gian. Một dịp để các thành viên trong gia đình, dòng họ thêm hiểu và yêu thương nhau. Nghi lễ còn có ý nghĩa giáo dục, hướng tới sự hòa thuận, tôn trọng trong cuộc sống hằng ngày. |
|
Lễ kết nghĩa anh em tổ chức bên ngoài nhà dài của người Ê Đê. |
|
Lễ kết nghĩa khép lại bằng bữa tiệc vui tươi với những bài hát và điệu múa truyền thống, làm nổi bật tinh thần đoàn kết và nền văn hóa độc đáo của người Ê Đê và M’nông. |
|
Sau lễ kết nghĩa, hai dân tộc cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống. Nghi lễ này không chỉ gắn kết các cá nhân mà còn củng cố tinh thần cộng đồng, thúc đẩy sự đoàn kết và tương trợ lẫn nhau. Đây là nét đẹp văn hóa sâu sắc của người Ê Đê và M’nông, góp phần xây dựng một xã hội hòa thuận và phát triển. |
N. Dương