Nét đẹp trang phục người Tà Ôi

Thứ bảy, 18/06/2016 17:19
(ĐCSVN) - Cộng đồng người Tà Ôi, ở các thôn, bản giữa đại ngàn Trường Sơn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến nay vẫn lưu giữ một kho tàng văn hóa dân gian độc đáo. Trong đó trang phục truyền thống là một biểu trưng văn hoá phản ánh phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của dân tộc Tà Ôi.

Trong các hoạt động gần đây với sự tham dự của đồng bào 54 dân tộc anh em trên nhiều vùng Tổ quốc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), công chúng được cảm nhận nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, trong đó những bộ trang phục truyền thống dân tộc Tà Ôi đã tạo nên bức tranh văn hóa rực rỡ, gây ấn tượng sâu sắc với mỗi du khách, giúp mỗi người cảm nhận rõ sự sinh động, đa dạng của văn hóa Việt.

Người Tà Ôi còn có tên gọi khác là Pa Cô, Tà Uốt, Kan Tua , Pa Hy, ở Việt Nam có dân số khoảng 43.886 người (theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009) sinh sống tập trung ở miền Trung Việt Nam, tại các huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, các huyện Hướng Hóa và Đa Krông thuộc tỉnh Quảng Trị.

Đồng bào trước đây làm rẫy là chính, hiện nay nhiều nơi đã làm ruộng nước, có vườn cây ăn quả, đào ao thả cá. Làng người Tà Ôi thường dựng ngôi nhà rông giữa làng để phục vụ các công việc lễ hội, các sinh hoạt cộng đồng…

Trang phục người Tà Ôi có sự giao thoa của nhiều yếu tố văn hóa, vẻ đẹp trang phục thể hiện qua việc tạo dáng, trang trí họa tiết trên đó, các hoa văn trang trí phản ánh sinh động môi trường sống, lòng yêu thiên nhiên, quê hương, con người… là một trong những cơ sở để thẩm định giá trị và thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi.

Với kiểu dáng, hoa văn trang trí đẹp bộ trang phục góp phần tôn lên giá trị của người phụ nữ Tà Ôi, tạo hưng phấn, niềm tin và lạc quan trong cuộc sống.

Nhà rông - kiểu nhà truyền thống của người Tà Ôi hình mai rùa có "sừng" trang trí hình hai đầu chim cu, tượng trưng cho tình yêu quê hương và tâm tính hiền hòa của dân tộc. Giữa nhà Rông thường làm một cái thang đi lên gian khách, cầu thang này chỉ dành cho đàn ông và khách mời đi lại.

Để tôn thêm vẻ đẹp của mình, người phụ nữ Tà Ôi khéo léo trang điểm những hạt cườm chì (Alung), hạt cườm, quả rừng (arác/arắc) để tạo nên những chủ đề trang trí hoa văn đẹp mắt, chứa đựng nhiều hình ảnh, biểu tượng phong phú, giầu ý nghĩa trong đời sống cộng đồng.

Các thanh niên Tà Ôi trong trang phục truyền thống.

Trang phục  góp phần tạo nên chỉnh thể cho vẻ đẹp văn hóa lễ hội, vừa ẩn chứa vừa phô diễn tính kế thừa những giá trị truyền thống của gia đình, dòng họ và của mỗi dân tộc.

 Người Tà Ôi có nghề dệt (Zèng) lâu đời và phát triển,  hoa văn trên sản phẩm dệt được chia theo 3 chủ đề: Chủ đề động, thực vật, thiên nhiên và đồ vật. Hệ thống trang trí này được thể hiện qua cảm quan nghệ thuật nguyên thuỷ, phản ánh sinh động thế giới tự nhiên và những điều kiện văn hóa - xã hội nơi cư trú.

Trong đời sống văn hóa của mình, đồng bào lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống phong phú như  tục ngữ, ca dao, câu đối, truyện cổ dân gian phong phú. Dân ca có điệu Calơi đối đáp khi uống rượu, hội hè, điệu Ba boih hát một mình khi lao động hoặc đi đường, điệu Roih gửi gắm, dặn dò đối với các bậc con cháu nhân các dịp vui vẻ, điệu Cha chap dành cho tình cảm trai gái của thanh niên... Nhạc cụ có cồng, chiêng, tù và, khèn, sáo, nhị, đàn ta lư...

Từng dòng họ người Tà Ôi con cái lấy họ theo cha, con trai được thừa hưởng gia tài, trưởng họ đóng vai trò quan trọng trong cả việc làng…

Trong các lễ hội truyền thống do người Tà Ôi tổ chức, trang phục truyền thống là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Tà Ôi.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực