"Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn cao"

Thứ tư, 23/08/2017 10:21
(ĐCSVN) - "Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang Úc đạt giá trị từ 600 - 700 triệu USD. Bởi vậy, tôi cho rằng các bạn đã sản xuất được các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn cao," ông Mathew Worrell, đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Australia đã khẳng định điều này khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Mathew Worrell trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bên lề cuộc họp của Nhóm công tác APEC về Chính sách An ninh lương thực (PPFS) đang diễn ra tại Cần Thơ từ ngày 18 - 25/8, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Mathew Worrell, đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Australia, về hợp tác song phương Việt Nam - Australia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phóng viên (PV): Hợp tác nông nghiệp giữa các nền kinh tế APEC và hợp tác song phương Việt Nam Australia trong lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá là tích cực và có hiệu quả. Xin ông cho biết Australia đã có những hỗ trợ gì đối với nông nghiệp Việt Nam?

Ông Mathew Worrell: Như bạn đã biết, ngày hôm qua (21/8) tại Cần Thơ đã diễn ra lễ ký kết Nghị định thư giữa Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (MARD). Đây là bản cam kết trong 10 năm tới sẽ đề ra những dự án hợp tác mà ACIAR và Bộ NN&PTNT Việt  Nam sẽ cùng nhau làm việc, và tôi nghĩ rằng đó chính là những gì mà Australia cần hỗ trợ để phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Chúng tôi mong rằng các công ty của Australia sẽ cùng đầu tư với chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hợp tác song phương giữa nông nghiệp Việt Nam và Australia là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, chúng tôi mong muốn xuất khẩu nguyên liệu thô sang Việt Nam để các bạn có thể chế biến nhằm tạo ra giá trị gia tăng, sau đó Việt Nam có thể bán sản phẩm ở trong nước hoặc xuất khẩu, thậm chí là xuất khẩu những sản phẩm nông nghiệp tinh chế này sang Australia để người tiêu dùng Australia có thể được sử dụng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam.

Phóng viên: Các đại biểu quan chức cao cấp của APEC đã thảo luận những gì về ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp?

Ông Mathew Worrell: Trong phiên thảo luận đều có một số bài thuyết trình của các nhóm khác nhau về vấn đề này, họ nói về những công nghệ mà các nước đang hợp tác làm việc cùng nhau trong đó có một số dự án đang được thực hiện.

Chúng tôi có được nghe về một số dự án trong đó có dự án về những loại nguyên liệu được sử dụng cho việc trồng trọt trong nhà kính, giúp giảm nhiệt độ cho cây trồng, rất có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển của cây trồng.

Chiều mai (23/8) cũng sẽ có một buổi hội thảo quan trọng về công nghệ tiên tiến và cách ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp, chúng tôi sẽ được nghe một số đại biểu thuyết trình về vấn đề này.

Mục đích chính của các cuộc họp APEC là các nền kinh tế chia sẻ thông tin và tri thức, không chỉ cấp chính phủ mà cả lĩnh vực tư nhân, về những việc mà họ đang làm để mọi người có thể đối thoại, chia sẻ thông tin và nâng cao kiến thức.

Phóng viên: Ông có nghĩ rằng các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng để có thể xuất khẩu sang các nước phát triển như Mỹ, Australia?

Ông Mathew Worrell: Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã có ở Australia. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang Australia đạt giá trị từ 600 - 700 triệu USD, bởi vậy tôi cho rằng các bạn đã sản xuất được những sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn cao.

Tôi thấy tại một số vùng ở Australia, chủ yếu dựa trên yêu cầu từ chính phủ Việt Nam, phía Australia sẽ hỗ trợ các bạn trong các lĩnh vực cụ thể, hai nước cùng nhau hợp tác, trao đổi tại các diễn đàn quốc tế để thảo luận về sự phát triển và triển khai các tiêu chuẩn về cây trồng, vật nuôi, cho phép các sản phẩm nông nghiệp được phép bán trên thị trường.

Người tiêu dùng Australia thích các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam và hy vọng tiến trình thương mại của các sản phẩm này vẫn tiếp tục phát triển.

Phóng viên: Ông có thể cho biết nhận định của mình về cơ hội và thách thức của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Mathew Worrell: Giống như nền nông nghiệp của Australia, tôi cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam phải chấp nhận cạnh tranh trên toàn cầu, vì vậy người nông dân luôn phải đối mặt với thách thức, chẳng hạn như hiện tượng biến đổi khí hậu và giá cả hàng hóa liên tục thay đổi.

Là người làm nông nghiệp, bạn phải luôn linh hoạt và nhạy bén, việc kinh doanh có nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, nhu cầu lương thực sẽ tăng lên do dân số tăng nhanh, đây là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp nhưng cũng gặp thách thức khi phải cạnh tranh toàn cầu để thu về lợi nhuận.

Ở Úc, chính phủ nước chúng tôi thiết lập khung chính sách cho phép nông dân cạnh tranh để làm giàu, chính phủ cũng giảm thiểu các hàng rào thương mại và đầu tư vào hạ tầng cơ sở (đường bộ, đường sắt…), tôi cho rằng đây chính là những vấn đề then chốt cần chia sẻ với Việt Nam nhằm giúp nông dân cạnh tranh và tăng trưởng trong tương lai.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Khắc Kiên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực