Mạnh tay xử lý hành vi đưa thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19

Thứ bảy, 14/03/2020 20:11
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội. Hành vi này không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Do đó, xử lý kiên quyết việc đưa thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 là hết sức cần thiết.

Nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận

Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện vào ngày 23/02/2020. Từ đó đến nay, trong khi Chính phủ, Bộ Y tế cùng toàn xã hội ra sức đẩy lùi dịch Covid-19 thì có không ít cá nhân cố tình đưa những thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh nguy hiểm này.

Điển hình là ngày 03/02, trên mạng xã hội lan truyền đoạn ghi âm dài hơn 1 phút nói về tình hình số ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy. Đoạn ghi âm có giọng nữ, được cho là gọi điện thoại cho em mình: “Bé ơi, chị có một anh làm trong BV Chợ Rẫy... , ảnh (anh) nói với đám tụi chị là ở Chợ Rẫy có 33 người chết vì bệnh Corona rồi. Thông tin này chính xác 100% vì ổng (ông) làm trong đó ổng biết. Ổng nói với tụi chị là ngày mai ổng xin nghỉ luôn, không dám làm trong đó nữa...”. Đoạn ghi âm này lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.

Trước đó, ngày 31/01, ông L.Q.H và bà N.T.H đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để tung tin có hai trường hợp ở Đắk Nông nhiễm Covid-19, khả năng lây cho nhiều người. Sau khi thông tin này lan truyền, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông khẳng định trên địa bàn hiện chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19, cũng như chưa có trường hợp nào nghi nhiễm phải cách ly. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, các trường hợp tung tin thất thiệt nói trên đều đã bị xử lý theo quy định.

Công an xử phạt hành chính nhiều trường hợp tung tin thất thiệt về Covid-19. Ảnh: Công an Lào Cai. 

Ở tỉnh Lào Cai, ngày 07/3 vừa qua, Công an tỉnh Lào Cai đã phạt hành chính số tiền 40 triệu đồng đối với 4 cô gái về hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức và danh phẩm của cá nhân. Nhóm người này đã dùng tài khoản Facebook đăng các thông tin sai sự thật có nội dung: "Sa Pa cho 9 người khách nước ngoài đi cùng chuyến bay với Nhung…”, và "Hành khách cùng khoang bệnh nhân Nhung đang ở tổ 8, Mường Hoa, phường Bắc Cường, mọi người chú ý nâng cao cảnh giác".

Còn tại TP Hà Nội, thông tin từ Công an TP, đến ngày 11/3, liên quan đến việc tung tin đồn thất thiệt về bệnh nhân số 17 nhiễm virus SARS-CoV-2, các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố Hà Nội đã lập biên bản xử lý 23 trường hợp. Công an thành phố đang tiếp tục nắm tình hình, lên danh sách các trường hợp đưa thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 để xử lý nghiêm theo quy định.

Thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh Covid-19 đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.

Cơ quan công an làm việc với một trường hợp tung tin sai về Covid-19. Ảnh: Lao động 

Hệ lụy đầu tiên những thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 mang đến đó là làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Người dân lẫn lộn giữa tin đúng và tin thất thiệt, tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn trong cộng đồng dân cư. Chị Nguyễn Thị Thơm ở Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, từ khi Việt Nam có người dương tính với Covid-19, mọi người trong tòa nhà đã xôn xao về tính chất nguy hiểm của dịch. Nhiều thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội đã khiến cư dân không ngừng lo lắng.

Không dừng lại ở đó, thông tin về đời tư của một số người không may nhiễm Covid-19 hoặc người thuộc diện cách ly y tế cũng bị nhiều cá nhân xuyên tạc, “nói quá” để câu like trên mạng xã hội. Anh Trần Văn Đức ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bức xúc: “Sau chuyến công tác nước ngoài, tôi thực hiện cách ly y tế theo quy định. Từ đó, xuất hiện rất nhiều tin đồn sai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời tư của tôi. Cá biệt, có người còn tung tin là tôi bị cách ly y tế vì đã bị nhiễm Covid-19 do... sinh hoạt bừa bãi”.

Cần xử lý nghiêm việc đưa thông tin sai sự thật

Có thể thấy, những thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã có nhiều tác động tiêu cực đối với dư luận xã hội và tâm lý của người bệnh, người được cách ly y tế. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Nguyễn Khắc Hiền, cần phải chấn chỉnh ngay những việc tung tin không nên có như vậy. Bởi lẽ, những tin đồn sai lệch, thiếu kiểm duyệt, xác minh gây khó khăn trong công tác tuyên tuyền, giám sát y tế tại cộng đồng, cần ngăn chặn để không ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

Nhìn từ góc độ pháp lý, Luật sư Đỗ Xuân Đang, Công ty Luật TNHH Harvard (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc thông tin sai sự thật là hành vi trái pháp luật. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp thì thông tin sai sự thật lại càng có tính chất nguy hiểm đối với xã hội. Hành vi lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng thì có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự.

Luật sư Đỗ Xuân Đang phân tích, theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định cũng quy định: Xử phạt 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Trong trường hợp, nếu xác định được chính xác người tung tin sai sự thật có tính chất vu khống thì xử lý theo quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

 Luật sư Đỗ Xuân Đang. Ảnh: QĐ

“Việc những cá nhân đưa những thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm xã hội mà còn vi phạm quy định của pháp luật. Do đó cần xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân này”, Luật sư Đỗ Xuân Đang nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm nói trên, trao đổi với báo chí, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính pháp ((Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) quy định hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng như sau: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.”

Việc xử phạt hành vi cung cấp thông tin sai sự thật bị phạt hành chính 20.000.000-30.000.000 đồng, cá nhân bị phạt 10.000.000-15.000.000đồng, quy định tại Điều 64 Nghị định 174/2013.

Tuy nhiên, luật sư đánh giá áp dụng Nghị định này khi xử phạt hành vi tung tin thất thiệt trên mạng có nhiều hạn chế, mức phạt đối với một số hành vi chưa đủ sức răn đe. "Từ đó dẫn đến vi phạm pháp luật trên không gian mạng thời gian qua diễn ra tràn lan, khó kiểm soát", luật sư Cường nhận định.

Được biết, mới đây tại buổi cuộc tiếp Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS. Kidong Park vào sáng 14/3, liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công an xử lý nghiêm những người phao tin đồn nhảm trên mạng xã hội, kể cả xử lý hình sự. Điều này thể hiện rõ thái độ kiên quyết xử lý đối với những cá nhân phát tán các thông tin sai sự thật, nhằm ngăn ngừa những hệ lụy tiêu cực đối với xã hội.

Ngày 11/3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là “đại dịch”. Nhằm chung tay cùng cơ quan chức năng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, thiết nghĩ việc quan trọng hiện nay đó là bản thân mỗi người cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh; không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh; kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật. Cùng với đó, các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần tăng cường rà soát, xử lý nghiêm túc, cương quyết đối với những cá nhân cố tình phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang lo sợ cho người dân./.

Tạ Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực