Giải pháp nào đề phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả?

Thứ ba, 03/12/2024 18:30
(ĐCSVN) - Các chuyên gia cảnh báo sốt xuất huyết đang diễn biến khó lường và mở rộng phạm vi lưu hành bệnh, gây áp lực nặng nề lên hệ thống y tế. Đặc biệt, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và biến đổi khí hậu càng làm gia tăng thách thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chiều 3/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Toạ đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?” với sự tham gia của các khách mời là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia để phân tích, luận bàn, tìm ra những giải pháp phòng chống, ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết.

 Các khách mời tham gia Tọa đàm chiều 3/12.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh trên thế giới. Bệnh lây lan nhanh chóng về mặt địa lý và ngày càng có thêm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đối mặt với căn bệnh này.

Hằng năm, trên thế giới có từ 100-400 triệu người mắc sốt xuất huyết và hơn 10 nghìn người tử vong. Riêng tại Việt Nam trung bình mỗi năm có khoảng 200 nghìn người mắc và khoảng 40 trường hợp tử vong.

Theo số liệu báo cáo, từ đầu năm đến cuối tháng 11, nước ta đã có khoảng 114.906 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó ghi nhận 18 ca tử vong. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 20,2%, số tử vong giảm 22 ca. Các chuyên gia cảnh báo sốt xuất huyết đang diễn biến khó lường và mở rộng phạm vi lưu hành bệnh, gây áp lực nặng nề lên hệ thống y tế. Đặc biệt, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và biến đổi khí hậu càng làm gia tăng thách thức trong công tác phòng, chống bệnh.

Tại Tọa đàm, chia sẻ về gánh nặng do sốt xuất huyết gây ra tại Việt Nam, TS. Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 200.000 trường hợp mắc, tạo ra gánh nặng về kinh tế cho người dân rất lớn. Cách đây 7 năm, Bộ Y tế đã có một nghiên cứu đánh giá về tài chính cho công tác phòng chống sốt xuất huyết. Theo đó, mỗi người nhập viện tốn từ 6-10 triệu đồng, cộng với mỗi người nhập viện cần ít nhất một người nhà đi theo chăm sóc, tạo ra gánh nặng về kinh tế- xã hội rất lớn”.

Cục trưởng Hoàng Minh Đức cho biết thêm, hiện nay công tác phòng chống sốt xuất huyết vẫn còn những khoảng trống: “Trước khi có vaccine, chúng ta thực hiện các phương pháp truyền thống như tiêu diệt vector trung gian truyền bệnh. Tuy là phương pháp hiệu quả nhất, nhưng vẫn rất khó có thể tiêu duyệt hoàn toàn vector. Vì thế, quan trọng nhất vẫn cần có giải pháp tạo miễn dịch cho con người có thể kháng lại virus sốt xuất huyết. Vũ khí này sẽ góp phần giải quyết được bài toán về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam”.

Tại tọa đàm, các chuyên gia chia sẻ, từ tháng 9/2024, vaccine phòng sốt xuất huyết của Takeda (Nhật Bản) đã chính thức có mặt tại Việt Nam. Vaccine đã được triển khai ở tất cả các trung tâm tiêm chủng nhà nước và dịch vụ, góp phần củng cố chiến lược phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm này một cách bền vững hơn.

 GS.TS. Vũ Sinh Nam; ông Dion Warren và TS. Hoàng Minh Đức tại Tọa đàm. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêm chủng nên được coi là một phần của chiến lược kiểm soát dịch sốt xuất huyết toàn diện hơn, phối hợp giữa kiểm soát vector truyền bệnh, quản lý ca bệnh hiệu quả, nâng cao nhận thức và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, cùng nhiều biện pháp khác. Chiến lược này sẽ góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và nhập viện do sốt xuất huyết, từ đó giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế, nhân viên y tế và cơ sở hạ tầng, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho đất nước và người dân.

Cục trưởng Hoàng Minh Đức thông tin, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong việc tăng cường triển khai chiến lược phòng ngừa sốt xuất huyết tích hợp, tập trung vào việc kết hợp các biện pháp kiểm soát hiện có với tiêm chủng.

Đánh giá về lợi ích của phương pháp phòng ngừa mới này, GS.TS Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam, nhận định: “Vaccine là công cụ bổ trợ quý giá cho những nỗ lực phòng ngừa hiện có của chúng ta như kiểm soát vector và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng.

Vaccine có thể giúp giảm số ca bệnh sốt xuất huyết nặng và tỉ lệ nhập viện, đặc biệt là ở các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em và người cao tuổi. Tuy nhiên, vaccine không ngăn ngừa được hoàn toàn các ca sốt xuất huyết. Vì vậy, WHO khuyến nghị kiểm soát vector một cách toàn diện vẫn là yếu tố quan trọng trong chiến lược phòng, chống sốt xuất huyết. Hơn nữa, các vector muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết còn mang những virus nguy hiểm khác, bao gồm virus sốt vàng và Zika. Thành công của việc kiểm soát và phòng, chống sốt xuất huyết phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành và sự hưởng ứng của người dân”.

Theo GS.TS Vũ Sinh Nam, ngoài tiêm vaccine thì vẫn phải song song với biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy để đảm bảo tính bền vững khi chúng ta sử dụng vaccine.

Chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới cũng hướng dẫn là ngoài việc sử dụng vaccine thì không thể lơ là công tác phòng, chống vector được. Điều này cũng thể hiện ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. 

Mặc dù các nước đã áp dụng tiêm vaccine nhưng vẫn đồng thời tiến hành các biện pháp diệt vector để đảm bảo tính bền vững của vaccine. Trong đó, cần giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng để sử dụng vaccine nhưng đồng thời tích cực tham gia chủ động loại bỏ dụng cụ phế thải, diệt loăng quăng, muỗi ở hộ gia đình để đảm bảo việc phòng chống có hiệu quả lâu dài. 

Tiếp theo là phải tiếp tục công tác giám sát và cập nhật các thông tin về sốt xuất huyết và sẵn sàng phát hiện sớm những dấu hiệu bùng phát dịch để có biện pháp tổng hợp như vaccine và diệt vector để đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả.

Từ góc độ lâm sàng, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, lây truyền qua vector là con muỗi vằn. Hầu như tất cả các lứa tuổi đều có nguy cơ mắc sốt xuất huyết, từ trẻ em cho đến người lớn. Đặc biệt, những đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi, trẻ có bệnh lý bẩm sinh, thiếu máu, hen suyễn… hoặc người lớn suy thận là những nhóm đối tượng nguy cơ rất cao. Gần đây, thanh, thiếu niên, sinh viên trẻ tuổi, lực lượng lao động chính cũng là đối tượng nguy cơ của sốt xuất huyết.

Khi dịch sốt xuất huyết xảy ra thì gánh nặng rất lớn. Đầu tiên là đe dọa tính mạng, sức khỏe của người dân, từ trẻ em cho đến người lớn tuổi. Áp lực quá tải lan rộng khắp hệ thống y tế, từ trạm y tế xã đến các bệnh viện tuyến cuối. Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thường xuyên quá tải, đặc biệt trong mùa dịch”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực phối hợp đa phương, ông Dion Warren, Tổng Giám đốc phụ trách khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á (I-SEA) của Takeda, chia sẻ: “Hợp tác đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại sốt xuất huyết. Takeda rất vinh dự được đồng hành cùng các cơ quan y tế, chuyên gia và cộng đồng tại Ấn Độ, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để cùng nhau chống lại căn bệnh này. Với sự ra đời của vaccine sốt xuất huyết, kết hợp với các biện pháp phòng ngừa hiện có, chúng ta đang mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho sức khỏe cộng đồng. Giải pháp toàn diện này sẽ giúp chúng ta kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại Việt Nam và trên thế giới".

Những nỗ lực hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức y tế và đối tác trong ngành sẽ là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Bằng cách tích hợp các giải pháp tiên tiến, tăng cường hợp tác, đặt sức khỏe cộng đồng lên hàng đầu, các chuyên gia tại tọa đàm kỳ vọng Việt Nam sẽ hướng đến tương lai phòng, chống sốt xuất huyết bền vững hơn và không còn chịu nhiều gánh nặng từ căn bệnh này./.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, hiện có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới công tác phòng, chống xuất huyết và những yếu tố này gây ra một số khó khăn chính như:

Trước đây, chu kỳ từ 10-12 năm có 1 vụ dịch lớn, nhưng gần đây từ năm 2019 đến 2023 đã có 2 vụ dịch lớn xảy ra vào năm 2019 với hơn 300.000 ca và năm 2022 là 370.000 ca mắc, 150 ca tử vong. Dịch tễ sốt xuất huyết ở Việt Nam hiện nay có thay đổi, trước đây chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, nhưng hiện đã lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP. Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.

Khó khăn thứ hai là việc phòng chống vector. Sốt xuất huyết do muỗi truyền và phòng chống vector hiện nay rất khó khăn, vì muỗi sốt xuất huyết không giống muỗi truyền sốt rét hay viêm não Nhật Bản là trú động ngoài nhà, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết trú động trong nhà, thích hút máu người, sinh sản và đẻ trứng dưới nước. Vì vậy nếu chỉ có y tế, chỉ có chính quyền thì chúng ta không thể diệt được vector truyền bệnh, mà cần sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, nhưng trong thực tế việc này để đạt được hiệu quả mong muốn là khó.

Thứ ba, tình hình đô thị hóa không được kiểm soát, biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ toàn cầu đặc biệt là vấn đề giao thông đi lại tạo điều kiện cho vector phát triển và lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu.

Thứ tư, hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Sốt xuất huyết gây ra bởi 4 type virus khác nhau và sự phát triển, đáp ứng miễn dịch của mỗi type là rất phức tạp. Do vậy, việc dự báo cũng như đáp ứng tình hình dịch do các type virus đang gây ra là rất khó khăn. 

Theo các chuyên gia, ngoài tiêm vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết thì vẫn phải song song với biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy để đảm bảo tính bền vững khi sử dụng vaccine.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực