Tự chế pháo nổ có vi phạm pháp luật?

Thứ ba, 26/11/2024 09:24
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Hành vi buôn bán trái phép, tự chế pháo nổ... là vi phạm pháp luật, ngoài xử phạt vi phạm hành chính còn có thể bị xem xét xử lý hình sự.

Sáng 25/11, Công an thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết vừa phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy - Công an huyện Hương Khê phát hiện, bắt giữ 3 đối tượng gồm Đ.B.D. (16 tuổi), L.V.D. (17 tuổi) và L.A.T. (20 tuổi, cùng trú huyện Hương Khê) vận chuyển 200 quả pháo tự chế.

Mở rộng điều tra, công an tiếp tục phát hiện hơn 600 quả pháo tự chế từ 8 học sinh và thanh thiếu niên khác có độ tuổi từ 12-23, trú tại huyện Hương Khê và huyện Thạch Hà.

 Nguyên liệu làm pháo được nhóm thanh thiếu niên mua trên mạng Internet. (Ảnh: công an cung cấp)

Nhóm học sinh khai nhận lên mạng Internet đặt mua các nguyên liệu trôi nổi để học cách chế tạo pháo nổ. Hiện, Công an đang tiếp tục phối hợp với các đội nghiệp vụ củng cố hồ sơ, xử lý các đối tượng theo quy định.

Thông thường cuối năm là thời điểm các vụ việc liên quan tới tàng trữ, buôn bán, chế tạo pháo/vật liệu nổ… có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại về người và tài sản. Đáng chú ý, đối tượng trong nhiều vụ việc là thanh niên, học sinh, sinh viên.

Trước đó, khoảng 15h30 ngày 14/11, một tiếng nổ lớn phát ra từ ngôi nhà 3 tầng ở tổ 9, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Cửa kính vỡ vụn, anh N.T.A (SN 1997) bị trọng thương và sau đó tử vong tại bệnh viện. Nguyên nhân vụ việc được xác định là do anh A mua hóa chất về nhà tự chế pháo nổ. Trong quá trình tự chế, quả pháo bất ngờ phát nổ. Vụ việc khiến những ngôi nhà hàng xóm bên cạnh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tương tự, khoảng 19h30 ngày 13/11, Công an huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) tiếp nhận tin báo về vụ nổ khiến anh Bế Văn C (SN 1991) trú tại xã Vô Tranh tử vong tại nhà. Theo người dân thì có rất nhiều tiếng nổ lớn, khiến mọi người hoảng sợ. Sau vụ nổ có mùi thuốc pháo, nghi vấn nổ do thuốc pháo.

Trước những vụ việc này, nhiều bạn đọc muốn biết pháp luật quy định như nào về quản lý, sử dụng pháo, vật liệu nổ?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, luật sư Nguyễn Văn Kỹ (đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết Điều 5 Chương I Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.

2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

3. Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

4. Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

6. Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.

7. Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.

8. Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

9. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.

Khoản 4 Điều 11 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;

b) Chiếm đoạt vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;

c) Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự;

d) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng, chiếm đoạt súng săn hoặc chi tiết, cụm chi tiết súng săn;

đ) Đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

e) Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;

g) Làm mất vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao;

h) Cưa, cắt, đục hoặc thực hiện các thao tác khác để tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi và các loại vũ khí khác trái phép;

i) Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức.

Tại Khoản 2 Điều 4 Chương I Nghị định 144/2021/NĐ-CP nêu rõ mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Luật sư Kỹ phân tích, ngoài phạt tiền đối với người có hành vi vi phạm, cơ quan chức năng còn phải tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trên.

Trong một số trường hợp cụ thể, cơ quan chức năng còn có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 305 Mục 3 Chương XXI Bộ luật Hình sự 2015 (Luật số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với hành vi tự chế pháo nổ như sau:

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;

c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;

d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

đ) Làm chết người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;

b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;

c) Làm chết 02 người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;

b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;

c) Làm chết 03 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Theo Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an), 11 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ trên 4.000 vụ với hơn 5.000 đối tượng, thu hơn 66 tấn pháo các loại, trong đó nhiều nơi phát hiện, bắt giữ vụ mua bán, vận chuyển pháo nổ số lượng lớn qua biên giới vào khu vực nội địa.

Riêng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, công an đã bắt giữ trên 300 vụ với hơn 500 đối tượng tự nghiên cứu, chế tạo, sản xuất pháo trái phép, trong đó nhiều vụ để lại hậu quả hết sức thương tâm.

Các cháu học sinh cấp 2 cấp 3 tụ tập thành các nhóm mua các loại hóa chất và thông qua các trang mạng xã hội nghiên cứu cách thức chế tạo để sản xuất pháo trái phép. Cùng với đó là tình trạng người dân cố tình qua các trang mạng xã hội tìm hiểu cách thức sản xuất để sử dụng và bán pháo trái phép.

“Việc sản xuất, mua bán pháo/vật liệu nổ trái phép mang lại lợi nhuận cao. Do vậy, chính quyền các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực pháo, đồng thời tuyên truyền cho Nhân dân hiểu pháo là sản phẩm rất nguy hiểm, nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực