|
Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội (Ảnh: PV) |
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được câu hỏi của bạn Hoàng Văn Chính (Lào Cai) với nội dung như sau: "Anh trai tôi hiện đang là công chức nhà nước, bị kết án về "Tội đánh bạc" nhưng được cho hưởng án treo. Vậy trường hợp này có bị buộc thôi việc không?"
Liên quan đến nội dung câu hỏi trên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích: Tại khoản 1 Điều 88 Luật Thi hành án hính sự năm 2019 quy định việc lao động, học tập của người được hưởng án treo như sau: “Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người lao động nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, căn cứ trên quy định người được hưởng án treo là công chức, viên chức nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tại khoản 3, Điều 79 Luật Cán bộ, công chức 2008 sửa đổi, bổ sung 2019 quy định: Công chức bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ được bổ nhiệm. Vì thế, nếu công chức bị kết án và cho hưởng án treo không phải về hành vi tham nhũng thì không bị buộc thôi việc và vẫn được đơn vị sắp xếp, bố trí tiếp tục đi làm bình thường.
Tại khoản 1, Điều 57 Luật Viên chức 2010 sửa đổi bổ sung 2019 quy định: Viên chức bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực. Vì thế, nếu viên chức bị kết án và cho hưởng án treo không phải về hành vi tham nhũng thì không bị buộc thôi việc và vẫn được đơn vị sắp xếp, bố trí tiếp tục đi làm bình thường.
Lưu ý hành vi tham nhũng thì bị buộc thôi việc đối với công chức, viên chức là những hành vi được quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, gồm: Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Cụ thể: "các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước" gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. Còn "các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện" gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Trường hợp nếu là "người lao động theo hợp đồng lao động bị kết án và cho hưởng án treo", thì căn cứ tại khoản 4, Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, thì người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5, Điều 328 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Vì thế, nếu người lao động theo hợp đồng lao động bị kết án và cho hưởng án treo thì không thuộc trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động nên sẽ được công ty cho đi làm bình thường./.