Ngày 23/10, bà Nguyễn Thị Thái Huyền, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) cho biết đã có báo cáo ban đầu liên quan đến sự việc một nam sinh trường THCS Anh Xuân bị bạn ép bốc đất ăn rồi quay clip gây phẫn nộ dư luận.
Cụ thể, em Võ Hải Đ. (học sinh lớp 9C Trường THCS Anh Xuân) xảy ra mâu thuẫn với em Nguyễn Văn Th. (học lớp 9E). Khoảng 21h00 ngày 19/10, Th. đi cùng Phạm Thiện Nh. (học sinh lớp 11) ở khu vực cánh đồng thuộc xã Nam Anh (huyện Nam Đàn) thì gặp Võ Hải Đ.
Tại đây, Th. cùng Nh. đã ép em Đ. phải bốc đất để ăn. Ăn hết nắm đất đầu tiên, em bị bắt ăn tiếp, bị bắt thè lưỡi ra để kiểm tra, sau đó nạn nhân được cho uống nước. Ngoài ra, Đ. còn bị ép hút hai điếu thuốc lá và phải nuốt khói không được nhả ra. Trong khi Nh. dùng lời lẽ đe dọa Đ. thì Th. đã dùng điện thoại quay video lại. Th. sau đó gửi video cho các bạn trong lớp và phát tán trên mạng xã hội.
|
Hình ảnh cắt từ clip thể hiện em Đ. bị bạn học ép bốc đất ăn. (Ảnh: tienphong.vn)
|
Sau khi biết sự việc, Ban Giám hiệu Trường THCS Anh Xuân đã trực tiếp tới nhà thăm hỏi, động viên, báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cùng chính quyền địa phương. Ngày 22/10, em Đ. được gia đình đưa đến bệnh viện để thăm khám sức khỏe và trở lại trường để học tập. Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng tích cực điều tra làm rõ vụ việc.
Được biết, em Đ. có hoàn cảnh khó khăn, bố bị ung thư vừa qua đời, bản thân em cũng không được nhanh nhẹn.
Trước đó, cũng liên quan tới nhóm hành vi vi phạm pháp luật và vô nhân tính kiểu này, tối ngày 12/11/2023, mạng xã hội lan truyền clip nữ sinh bị đánh hội đồng được cho là xảy ra tại Trường THCS Tân Minh, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.
Nữ sinh bị đánh hội đồng ngồi bệt dưới đất, hàng chục em vây quanh xem, quay clip và bình luận thô tục. Một học sinh khác cầm điện thoại gí sát mặt nạn nhân để quay clip. Ra tay hung hãn nhất là nữ sinh áo trắng liên tục đạp vào đầu, cổ, thậm chí nhảy lên lưng nạn nhân để giẫm đạp. Nạn nhân chỉ biết ôm mặt khóc.
Theo ông Nguyễn Xuân Pôn, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Minh, sự việc xảy ra tại trường vào chiều ngày 10/11/2023. Người đánh em Ng. (lớp 6) nhiều nhất là cựu học sinh của trường, trong khi những học sinh khác a dua theo chị lớn và đứng xem.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết, mặc dù hai sự việc nói trên xảy ra bên ngoài nhà trường nhưng phải giáo dục để các em biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Các em đang trong độ tuổi trưởng thành, có nhu cầu chứng tỏ bản thân, thậm chí ra oai với những người yếu thế xung quanh. Thực sự đáng báo động.
Về hình thức xử phạt, căn cứ Điểm a Khoản 3; Điểm b, Điểm c Khoản 14 Điều 7 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định mức xử phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng, cụ thể:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 3 và Điểm i Khoản 4 Điều này; Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 3, các Điểm d và đ Khoản 5 Điều này trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu.
Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Chương I Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Thậm chí, sau khi củng cố hồ sơ, nếu có đủ bằng chứng chứng minh hành vi phạm tội, căn cứ tính chất, mức độ, hậu quả hành vi vi phạm… thì cơ quan chức năng có thể đề nghị xem xét xử lý hình sự về “tội làm nhục người khác” theo quy định tại Khoản 1 Điều 155 Chương XIV phần thứ hai Bộ luật Hình sự 2015 (Số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Luật sư Kỹ cho rằng, thực tế này đặt ra yêu cầu là liên ngành giáo dục - tư pháp cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, văn hóa học đường, chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, gia đình để nắm bắt tâm lý, quản lý học sinh trong khoảng thời gian các em không ở trường, tránh các sự việc tương tự gây ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng xã hội.
Đồng thời, cần nghiên cứu kỹ và xem xét tổng thể cơ chế giám sát, quản lý các video mang tính bạo lực trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay như: Facebook, Zalo, Tiktok…, để học đường thực sự là môi trường thân thiện, an toàn và đậm chất nhân văn./.