|
Hiện trường vụ tai nạn khiến chị N.N.Q. (SN 1997, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) tử vong. (Ảnh: Nguồn VOV) |
Vào khoảng 0h15 ngày 3/11, chị N.N.Q. (SN 1997, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển xe máy đang đỗ, dừng chờ đèn tín hiệu giao thông tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu hướng đi từ ga Hà Nội về Bệnh viện 108.
Lúc này một nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe máy đi theo chiều ngược lại trên phố Trần Hưng Đạo về ga Hà Nội với tốc độ cao đã va vào làm chị Q. ngã ra đường và tử vong tại chỗ.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Qua điều tra, bước đầu xác định, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, N.H.N. (SN 2005, ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) điều khiển xe máy, phía sau chở N.P.A. (SN 2005, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng một số thanh thiếu niên khác di chuyển bằng xe máy với tốc độ cao trên phố Trần Hưng Đạo, hướng về phía ga Hà Nội.
Do không chú ý quan sát, N. đã va vào chị Q. làm người này ngã ra đường. Ngay lúc đó, N.T.M.K. (SN 2008, ở Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội) điều khiển xe máy chở L.Đ.C. (SN 2005) chạy theo đoàn đã đâm vào chị Q. Sau khi xảy ra vụ việc, các đối tượng đã bỏ chạy.
Ngày 5/11, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 10 đối tượng để điều tra vụ tai nạn trên.
Trả lời câu hỏi liên quan đến trách nhiệm pháp lý của nhóm thanh thiếu niên và người trực tiếp gây ra vụ tai nạn trên như thế nào, Luật sư Trịnh Văn Dũng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích: Theo thông tin mới nhất từ Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), ngày 5/11, cơ quan này đã quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 10 đối tượng để điều tra vụ tai nạn trên.
Trong quá điều tra để xác định đúng tội danh của 02 nghi can và những người có liên quan thì cần xác minh làm rõ động cơ, mục đích, mối quan hệ nhân quả, nhận thức của 02 đối tượng tại thời điểm gây ra tai nạn dẫn đến hậu quả làm cô gái tử vong là như thế nào? Thời điểm điều khiển phương tiện tham gia giao thông các đối tượng có đủ điều kiện điều khiển tham gia phương tiện giao thông đường bộ hay không? Ngoài ra, cần làm rõ vị trí, vai trò của 02 đối tượng tham gia giao thông với vị trí là người thực hiện hay người tổ chức đua xe để có thể phân hóa tội phạm và làm cơ sở định tội danh.
Hành vi tham gia giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả chết người của các đối tượng vừa có dấu hiệu của Tội tổ chức đua xe trái phép theo Điều 265; Tội đua xe trái phép theo Điều 266 và Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ Điều 260, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Do vụ án còn đang trong quá trình điều tra, dựa vào thông tin do cơ quan có thẩm quyền cung cấp thì có thể thấy hành vi nhóm thiếu niên đi xe thành đoàn, phóng nhanh, lạng lách hậu quả dẫn đến chết người có dấu hiệu của Tội đua xe trái phép theo Điều 266. Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trước hết, về mặt xử lý hành chính: Nếu hành vi đi xe thành đoàn, phóng nhanh, lạng lách chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng về thương tích, tính mạng hoặc chưa bị xử phạt lần nào về hành vi này thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người đua xe trái phép sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Xử lý về mặt hình sự: Hành vi của của các đối tượng đi xe thành đoàn, phóng nhanh, lạng lách thỏa mãn các yếu tố được quy định tại điểm a (làm chết người), điểm đ (sau khi gây tai nạn tiếp tục bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn), điểm h (tại nơi tập trung đông dân cư) khoản 2, Điều 266 Bộ luật hình sự về Tội đua xe trái phép và phải chịu phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Luật sư Trịnh Văn Dũng cũng cho biết thêm ngoài hình phạt chính là phạt tù thì các đối tượng có hành vi phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo khoản 5, Điều 266 Bộ luật này.
Bên cạnh đó, theo Luật sư Trịnh Văn Dũng, cơ quan công an cũng cần xác định nhóm thanh niên có giấy phép lái xe hay không, xe của ai... Bởi ngoài những người trực tiếp gây tai nạn chết người thì người làm cha mẹ giao xe cho con dù biết con không có bằng lái và đã gây tai nạn chết người có khả năng bị khởi tố do có hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông dẫn đến gây tai nạn làm một người chết.
|
Các đối tượng liên quan đến vụ tai nạn. (Ảnh: Báo Dân trí) |
Những năm gần đây, số người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông có chiều hướng gia tăng, phức tạp nhất là lứa tuổi vị thành niên, học sinh. Đồng thời, tình trạng giao, cho mượn xe mô tô, ô tô... diễn ra phổ biến trong đời sống xã hội, trong đó có nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo nhận định của Luật sư Trịnh Văn Dũng, hiện nay, trên thực tế tình trạng thanh thiếu niên thực hiện hành vi phạm tội nhất là trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trật tự công cộng đang diễn ra hết sức phức tạp và ngày càng trẻ hóa.
Thiết nghĩ, trước tiên, trách nhiệm thuộc về gia đình chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa giáo dục, phòng ngừa nâng cao nhận thức cho các cháu, đồng thời chưa quản lý tốt các phương tiện; và không được giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông, nhất là các cháu còn trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Về phía Cơ quan quản lý nhà nước, trong trường hợp nhất định, cần phải có các biện pháp cứng rắn để răn đe và phòng ngừa tội phạm từ sớm từ xa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.