Đề xuất phải công khai việc trích đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Thứ năm, 14/05/2020 09:23
(ĐCSVN) - Người sử dụng lao động phải công khai với người lao động việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...
 Ảnh minh họa (Nguồn: KT)

Đây là một trong những đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định việc tổ chức đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến.

Theo dự thảo, người sử dụng lao động phải công khai với người lao động những nội dung sau: Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; Nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động; Các thỏa ước lao động tập thể mà người sử dụng lao động tham gia; Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có).

Đặc biệt, dự thảo đề xuất phải công khai việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...

Mặt khác, hiện nay quy định về đối thoại dựa trên mô hình một tổ chức công đoàn là đại diện duy nhất cho người lao động trong doanh nghiệp. Trong khi đó, Bộ luật Lao động năm 2019 đã cho phép trong doanh nghiệp được thành lập nhiều hơn một tổ chức đại diện của người lao động. Do đó, dự thảo đã điều chỉnh phù hợp với bối cảnh doanh nghiệp có nhiều hơn một tổ chức đại diện của người lao động và có cả những người lao động không tham gia tổ chức đại diện nào.

Dự thảo cũng quy định rõ ràng về xác định số lượng, thành phần đại diện của các bên khi tham gia vào các loại hình đối thoại

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, các quy định về đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc còn có những hạn chế. Đó là, các quy định về đối thoại được quy định dựa trên mô hình 01 tổ chức công đoàn là đại diện duy nhất cho người lao động trong doanh nghiệp, chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay khi Bộ luật Lao động năm  2019 cho phép trong doanh nghiệp được thành lập nhiều hơn một tổ chức đại diện của người lao động. Bên cạnh đó, chưa hình thành được các quy định rõ ràng về xác định số lượng, thành phần đại diện của các bên khi tham gia vào các loại hình đối thoại nhất là ở những doanh nghiệp có đông lao động và trong bối cảnh doanh nghiệp có nhiều hơn một tổ chức đại diện của người lao động và có cả những người lao động không tham gia tổ chức đại diện nào.

Hạn chế khác là không phân định được rõ bản chất giữa đối thoại định kỳ và tổ chức hội nghị người lao động; Chưa quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc tổ chức và tiến hành từng loại hình đối thoại, dẫn tới sự lúng túng, không nhất quán trong quá trình thực hiện của các doanh nghiệp;  Nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc mới chỉ quy định cụ thể từng nội dung về người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và kiểm tra giám sát mà chưa nêu được các hình thức thực hiện cơ bản.

 

TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực