Tham dự Toạ đàm có có: PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng; ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH Việt Nam; TS Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, BHXH Hà Nội; GS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
|
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị thông tin, theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, hiện nay cả nước có tổng số hơn 33 triệu lao động phi chính thức, trong đó chỉ 0,2% được đóng bảo hiểm bắt buộc, 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào, dẫn đến tình trạng “lọt lưới an sinh” ở phần không nhỏ người lao động. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ với hệ thống pháp luật về lao động.
Bởi, lao động khu vực phi chính thức lại chưa được hưởng các chính sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản như: BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, giờ lao động và chế độ nghỉ ngơi, nghỉ phép, ốm đau, thai sản… Trong khi đó, lao động khu vực phi chính thức hiện đang giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo.
"Chúng tôi rất mong muốn, chúng ta nêu ra những vấn đề cốt yếu để gợi ra những thông tin về bức tranh lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, những khó khăn, trở ngại khiến người lao động ở khu vực phi chính thức gặp phải cũng như đề xuất các giải pháp, việc sửa đổi chính sách để tới đây có thêm nhiều người lao động ở khu vực phi chính thức được tiếp cận hệ thống BHXH tự nguyện, đảm bảo chính sách an sinh khi hết tuổi lao động.
Hy vọng, những khuyến nghị trong buổi tọa đàm hôm nay sẽ góp thêm tiếng nói trong quá trình các cơ quan chức năng hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)", ông Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
|
Các diễn giả trao đổi tại Toạ đàm. Ảnh: Khánh Huy |
Theo ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), sau 15 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 1,45 triệu người, con số này còn khiêm tốn. Lý do là lao động khu vực phi chính thức chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, điều kiện và thu nhập đảm bảo tham gia BHXH tự nguyện không nhiều. Hiện, những người tham gia BHXH tự nguyện mới có hai chế độ hưu trí và tử tuất.
Những rào cản về chính sách khiến người lao động đắn đo khi tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện. Điều này dẫn đến tình trạng “lọt lưới an sinh” ở phần không nhỏ người lao động. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ với hệ thống pháp luật về lao động.
Qua 7 năm thực hiện, Luật BHXH năm 2014 đạt nhiều kết quả nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế như diện bao phủ còn thấp so với tiềm năng. Đến nay, số người tham gia BHXH mới đạt trên 38% lực lượng lao động trong độ tuổi, việc nâng tỷ lệ lên 60% vào năm 2030 là thách thức không nhỏ. Tình trạng trốn đóng BHXH còn phổ biến, bình quân trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm, ảnh hưởng quyền lợi người lao động... Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật BHXH năm 2014.
Có thể thấy, dự thảo Luật Bảo hiểm (sửa đổi) đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật cụ thể hóa quy định các nội dung lớn như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu; vấn đề hưởng BHXH một lần; về chi phí quản lý BHXH; bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.”
Ông Tạ Việt Anh nhấn mạnh, buổi tọa đàm được diễn ra trước thềm Quốc hội chuẩn bị lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Vì thế, những nội dung các diễn giả nêu ra, đặc biệt là những khuyến nghị để sửa đổi Luật BHXH trong buổi tọa đàm hôm nay sẽ góp thêm tiếng nói để các cơ quan chức năng, các đại biểu Quốc hội tham khảo để có quyết định thấu đáo trước khi bấm nút thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tại Toạ đàm, các khách mời đã trao đổi về các vấn đề: Bức tranh toàn cảnh về người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện; Những khó khăn, trở ngại, nguyên nhân khiến nhiều người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn; chế tài xử lý mạnh tay các doanh nghiệp trốn đóng BHXH để bảo vệ quyền lợi của người lao động; những điểm mới có tính chất đột phá, hấp dẫn, bảo vệ lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện…
Các đại biểu thống nhất quan điểm, để phát triển tốt hơn nữa số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo hiểm xã hội, nhất là ban hành những quy định bổ sung chế độ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như: Có hệ thống giải pháp đồng bộ, thay vì chỉ trông chờ vào việc Nhà nước tăng mức hỗ trợ, để hấp dẫn người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đặc biệt, cần cân nhắc việc thiết kế các gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với người lao động khu vực phi chính thức…/.