Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Thứ hai, 02/12/2019 15:44
(ĐCSVN) – Muốn phê phán, phản bác đúng các loại quan điểm sai, trái thù địch thì trước hết phải nhận diện cho đúng các loại quan điểm ấy, đồng thời, người làm báo phải có dũng khí, bản lĩnh để nhận diện và đấu tranh thể hiện qua từng trang viết…

Tại cuộc Tọa đàm “Nâng cao chất lượng bài viết phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Tạp chí Tuyên giáo” mới đây do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp kinh nghiệm quý từ thực tiễn.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Hà Đăng phát biểu tại buổi Tọa đàm

Nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng

Theo đồng chí Lê Huy Nam, Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo, trước các hoạt động chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động cùng những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (Nghị quyết 35).

Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh tại Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tháng 7/2019, đó là: Phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…

Là cơ quan ngôn luận của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tạp chí Tuyên giáo đã tổ chức bài viết phê phán, phản bác quan điểm sai trái, thù địch đã thực hiện trong suốt hơn 60 năm qua kể từ khi số đầu tiên phát hành. Phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ được quy định cụ thể trong Quyết định của Ban Tuyên giáo Trung ương về chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí.

Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, Tạp chí đã đăng tải hơn 200 bài viết trực tiếp và gián tiếp tham gia đấu tranh phê phán, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, tập trung vào  những chủ đề, vấn đề: Bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; phân tích, lý giải kinh tế thị trường định hướng XHCN và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; quyết tâm đổi mới tư duy, phát triển lý luận của Đảng ta; quyết tâm của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quyết tâm bảo vệ chủ quyền, biển, đảo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; phê phán, phản bác các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; chống các biểu hiện lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để nói xấu chế độ; phê phán các biểu hiện coi thường những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; đấu tranh với các biểu hiện lợi dụng danh nghĩa phản biện xã hội để chống lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi dụng những mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội để đả kích, phê phán chế độ; đấu tranh phê phán, phản bác những biểu hiện xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử cách mạng, lịch sử đất nước…  

Các tuyến bài phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên cả hai ấn phẩm in và điện tử được thể hiện dưới những thể loại - dạng bài viết chính luận, bình luận, phản ánh hoặc phiếm chỉ…

Phải nhận diện cho đúng để đấu tranh, phản bác

Nhà báo lão thành Hà Đăng cho rằng, muốn phê phán, phản bác đúng các loại quan điểm sai trái thù địch thì trước hết phải nhận diện cho đúng các loại quan điểm ấy. Vậy thế nào là sai trái, thế nào là thù địch? Giữa sai trái và thù địch, liệu có lằn ranh nào ngăn cách? Có thể có những quan điểm sai trái nhưng không hẳn là thù địch. Nhưng đã là quan điểm thù địch thì đương nhiên không thể không sai trái. Ở đây ta không xếp vào loại quan điểm sai trái, thù địch việc phê bình, chỉ trích, thậm chí phê phán gay gắt các sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước nhưng trong tinh thần xây dựng chứ không phải chống đối, phá phách, cơ hội chủ nghĩa…

Ông khẳng định, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thực chất là đấu tranh về chính trị, lý luận. Mũi nhọn phải chĩa vào các thế lực thù địch, dù núp bóng hay công khai lộ diện. Bài viết không phải để các thế lực chống đối, thù địch đọc và nghe mà là để giáo dục, thuyết phục đông đảo quần chúng, bạn đọc nhận rõ bộ mặt thật quan điểm sai trái, thù địch ấy, từ đó trang bị cho họ vũ khí đấu tranh, chống lại nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta...

Xác định rõ tính chất, mức độ để đấu tranh, ngăn ngừa

Theo đồng chí Nguyễn Quang Vinh, Phó Cục trưởng Cục truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an, cần xác định rõ tính chất và mức độ của từng đối tượng, phần tử để có thái độ, biện pháp đấu tranh phù hợp. Trong quá trình đấu tranh, rất cần có sự chung tay, phối hợp giữa các lực lượng trong phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các thế lực cơ hội, phản động, có tư tưởng lệch lạc về chính trị.

leftcenterrightdel
Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Trần Văn Hiệp phát biểu tại buổi toạ đàm 

Cùng quan điểm này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chia sẻ, từ thực tế của tỉnh, để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trước hết phải nắm bắt thông tin, sau đó mới tiếp cận vận động để hiểu rõ tính chất, mức độ, nội dung rồi mới có thể phản bác ngăn ngừa. Đồng chí cho rằng, cách làm này sẽ tạo thế chủ động trong phản bác, không bị động chờ có bài xuyên tạc, chống phá mới phản bác. Việc nhanh chóng tiếp xúc đối tượng, giải thích vận động là để kịp thời kéo họ trở lại, không để tư tưởng của họ bị lung lay dao động…

Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho rằng, mục tiêu trước mắt mà các thế lực thù địch quyết phá là làm cho tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân bị dao động, lung lay. Vì vậy, muốn làm tốt công tác tư tưởng ngoài xã hội thì trước hết phải làm tốt công tác tư tưởng trong đảng viên từng chi bộ. Từ đảng viên chi bộ sẽ lan tỏa ra gia đình và lan tỏa ra xã hội, cho nên việc cung cấp các luận điểm, luận cứ, thực tiễn khoa học đấu tranh phản bác trong bản tin nội bộ là rất cần thiết và hiệu quả cũng khá rõ ràng.

Xác minh, xử lý, không để kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân

Đồng chí Đỗ Thắng, Phó Trưởng phòng Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần tích cực trong việc ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các đối tượng đăng tải thông tin sai trái, xấu, độc trên internet và mạng xã hội. Bước đầu các tổ chức Đảng, nhất là ở cấp chi bộ ở Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đều quan tâm, nắm bắt hoạt động của cán bộ, đảng viên trên mạng xã hội; thường xuyên nhắc nhở, lãnh đạo cán bộ đảng viên sử dụng internet, mạng xã hội có trách nhiệm, đăng tải, chia sẻ thông tin chính thống, tích cực, tham gia phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc.

Với kinh nghiệm xử lý, ngăn chặn sự kích động, chống phá của các thế lực thù địch thông qua mạng xã hội thời gian qua trên địa bàn tỉnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thị Hà Tân cho rằng, trước hết, cần thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Hai là, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn nhất là những địa bàn, lĩnh vực nhạy cảm, dự báo tiềm ẩn về an ninh trật tự, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động. Ba là, thường xuyên làm tốt công tác theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời kiến nghị, đề xuất giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Bốn là, khi có vụ việc phức tạp, phát sinh được dư luận quan tâm, cần kịp thời tham mưu cơ quan thẩm quyền chỉ đạo, vào cuộc xác minh, xử lý, không để kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân, đồng thời thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; không tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động chống phá. Năm là, các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo mật thông tin; tuyệt đối không để lộ lọt thông tin, bí mật nhà nước, gây hệ lụy lớn đối với tình hình an ninh chính trị...

leftcenterrightdel
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Hà Tĩnh phát biểu tại tọa đàm

Nâng cao bản lĩnh người làm báo

Năm 2020, là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước trong đó có việc chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ 13 của Đảng. Đây là thời điểm các thế lực thù địch ra sức chống phá, với nhiều thủ đoạn tinh vi, quyết liệt.

Vì vậy, theo đồng chí Trần Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị trong thời gian tới, để báo chí phát huy tốt vai trò phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần nhất quán nguyên tắc hoạt động của các cơ quan báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, luôn luôn đi đầu trong việc bảo vệ Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính tư tưởng, tính nhân dân, tính chân thực, tính chiến đấu, tính đa dạng, có trách nhiệm hình thành dư luận xã hội lành mạnh, đoàn kết trong nhân dân; kiên quyết đấu tranh các quan điểm sai trái, thù địch; khắc phục biểu hiện thương mại hoá, biểu hiện lệch lạc, tiêu cực khác.... Tiếp tục nâng cao nâng cao nhận thức cho các cơ quan báo chí về vai trò, tầm quan trọng, biểu dương các điển hình tiêu biểu trong việc tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chống âm mưu diễn biến hòa bình trên lĩnh vực văn hoá, trong đó chú trọng phát huy vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí chủ lực như Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, TTXVN, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Quân đội Nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Tuyên giáo, cũng như các cơ quan báo Đảng ở Trung ương và địa phương…

Bên cạnh đó, cần chú trọng biểu dương các điển hình tiên tiến nhằm cổ vũ, động viên, tạo ảnh hưởng lan toả, hiệu ứng trong xã hội trên mặt trận đấu tranh quan điểm, sai trái của các thế lực thù địch, từ đó trở thành phong trào lớn trong toàn xã hội. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, lực lượng, phương tiện nâng cao hiệu quả đấu tranh, bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, coi đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, nội dung các tuyến bài viết cần tập trung các vấn đề nóng các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng chống phá. Đồng thời đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền, định hướng hệ giá trị, bồi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ, bản lĩnh cho người làm báo…/.

Hiền Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực