Cần nhân rộng mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên buôn làng” ở Gia Lai

Thứ tư, 11/12/2024 12:26
(ĐCSVN) - Hai năm qua, mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên buôn làng” ở Gia Lai đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi, vừa tạo điều kiện cho người dân được thực hiện tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật, vừa góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, làm cho cả vùng Tây Nguyên ngày càng ổn định.

Khi đức tin của giáo dân bị lợi dụng, lừa phỉnh và mất phương hướng

Để hiểu rõ vấn đề phức tạp và nhạy cảm này, cần phải ngược dòng lịch sử thời gian trở về những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Khi thực dân Pháp xâm lược và đô hộ nước ta, thì chúng cũng đưa đạo Công giáo và Tin lành vào Việt Nam. 

Đến năm 1954, bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ, bộ đội Việt Nam đã đánh bại quân đội thực dân Pháp, buộc Chính phủ Pháp phải cùng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cùng ký Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh, lấy vĩ tuyến 17 làm danh giới tạm thời, quân Pháp rút về Nam vĩ tuyến, lập ra chính phủ Nguỵ quyền do Ngô Đình Diệm là Tổng thống. Còn Bắc vĩ tuyến do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quản lý.

Điểm sinh hoạt tập trung Công giáo làng Băng, xã Ia Băng, huyện Phư Pông, tỉnh Gia Lai

Ở miền Nam, vẫn với chiêu bài “chia để trị”, thực dân Pháp đã dùng nhiều thủ đoạn chia rẽ khối đoàn kết, thống nhất và làm giảm tinh thần cách mạng của nhân dân ta, nhất là ở vùng Tây Nguyên, vì đây là địa bàn có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Thời điểm đó, đạo Công giáo và đạo Tin lành đã được đẩy mạnh truyền bá vào vùng Tây Nguyên. Đồng thời, chính quyền Sài Gòn của Ngô Đình Diệm đẩy mạnh trấn áp các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Để gia tăng sự chống đối với chính quyền của Ngô Đình Diệm, vào năm 1958, BaJaRaKa - một tổ chức đại diện cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã được thành lập. BaJaRaKa là chữ viết tắt tên của bốn dân tộc chủ yếu: Bahnar (người Ba Na), Djarai (người Gia Rai), Rhadé (người Ê Đê) và Kaho (người Cờ Ho). Trải qua rất nhiều biến cố, thăng trầm, bất ổn, chia rẽ, mâu thuẫn, đấu đá lẫn nhau, bạo lực… BaJaRaKa sau trở thành “Mặt trận Giải phóng Cao Nguyên” (FLHP), rồi trở thành “Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức” (Front Uni de Lutte des Races Opprimées, viết tắt là FULRO - đọc theo tiếng Pháp).

Rồi đến lượt FULRO lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy bất ổn, chia rẽ, mâu thuẫn, đấu đá lẫn nhau, bạo lực và bị các thế lực chính trị bao gồm cả chính quyền Sài Gòn, thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ lợi dụng. Các thế lực này không ngừng dụ dỗ, lừa gạt, lôi kéo, xúi giục, kích động FULRO hòng thực hiện các mưu đồ đen tối, trong đó có âm mưu chống lại sự ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của các lực lượng cách mạng yêu nước đấu tranh với thế lực ngoại xâm và bè lũ tay sai bán nước, để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Quân đội miền Bắc và lực lượng Quân giải phóng miền Nam đã tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chính quyền Sài Gòn sụp đổ, quân Mỹ phải rút khỏi Việt Nam đã làm cho lực lượng FULRO ở Tây Nguyên không còn chỗ dựa phải hoạt động bí mật. Nhưng các thế lực phản động vẫn bảo trợ cho FULRO tiến hành các hoạt động chống phá chính quyền cách mạng ngày càng bạo động hơn, gây ra nhiều tội ác, trở thành “bóng ma” ở Tây Nguyên.

Trong các phương thức, thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt, lôi kéo, xúi giục, kích động lực lượng FULRO, các thế lực phản động phương Tây đã biến tướng tôn giáo hòng mê hoặc một bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bọn chúng đã lợi dụng đạo Tin lành để luồn lách, xảo trá đưa vào trong các buổi giảng đạo, truyền đạo, hướng đạo đối với nhiều tín đồ những tư tưởng phản động không hề có trong giáo lý, giáo luật và Kinh thánh của đạo Tin lành chính gốc. Mục đích của bọn chúng là khếch trương lực lượng FULRO, vẽ ra ảo mộng về một nhà nước tự trị cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, thoát ly khỏi Nhà nước Việt Nam. Sở dĩ bọn chúng chọn đạo Tin lành làm kênh truyền bá vì đạo Tin lành có đặc điểm hướng tới tầng lớp bình dân, với những giáo lý, giáo luật dễ thực hiện, gần gũi đời sống, nghi lễ đơn giản, gọn nhẹ, có thể “hoà đồng” với phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, dân tộc, cộng đồng…

Công giáo và Tin Lành là hai trong bốn dòng chính của đạo Kitô gồm: Công giáo, Chính thống giáo, Tin Lành và Anh giáo. Đạo Công giáo là dòng gốc có trung tâm tại Roma (Italia), nay là Tòa Thánh và cũng là Nhà nước Vatican. Đến thế kỷ thứ XVI, sau cuộc cải cách tôn giáo do Linh mục Martin Luther người Đức khởi xướng, đạo Tin lành ra đời. Mặc dù là những dòng của đạo Kitô nhưng giữa Công giáo và Tin Lành lại có nhiều sự khác biệt

Về luật lệ, lễ nghi: Do chịu ảnh hưởng của nghi lễ phong kiến La Mã nên luật lệ, lễ nghi, cách thức hành đạo của đạo Công giáo rất lớp lang, cầu kỳ, trọng hình thức, lấy lễ là chính. Trong khi đó, đạo Tin Lành chịu ảnh hưởng của lối sống tự do, bình dân nên rất đơn giản, gọn nhẹ, kết hợp thực hiện các nghi lễ với việc đọc giảng và suy ngẫm Kinh Thánh.

Nơi sinh hoạt tôn giáo: Nhà thờ (thánh đường) của đạo Công giáo được xây dựng tốn kém, kiến trúc đồ sộ theo lối cổ, bài trí công phu, cầu kỳ và cho rằng đó là Nhà Chúa - nơi Chúa ngự một cách linh thiêng. Đặc biệt, trong và ngoài nhà thờ của đạo Công giáo treo nhiều ảnh, tượng. Trái lại, nhà thờ đạo Tin lành thường có kiến trúc hiện đại, đơn giản, bên trong không thờ bất kỳ tượng, ảnh nào, chỉ có cây thập giá - biểu tượng Chúa Giêsu chịu nạn. Trong nhiều trường hợp, đạo Tin lành chỉ cần sử dụng những phòng họp, hội trường, đôi khi là ngôi nhà tạm của tín đồ để làm nơi nhóm lễ, chia sẻ lời Chúa trong Kinh Thánh…

(Theo tác giả Phan Thanh Nam, Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc) 

Vì có sự khác biệt giữa đạo Tin lành và đạo Công giáo, là giáo dân của đạo Công giáo phải đến nhà thờ. Còn tín đồ của đạo Tin lành có thể sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng hoặc tại các điểm, nhóm, mà không phải đến nhà thờ. Bọn phản động đã triệt để lợi dụng đặc điểm này của đạo Tin lành để thông qua các hoạt động sinh hoạt tôn giáo, bí mật đến từng nhà, gặp từng người dụ dỗ, lừa gạt, lôi kéo, xúi giục, kích động… mà không bị phát hiện.

Với những thủ đoạn như vậy, bọn phản động, với lực lượng trực tiếp là FULRO đã lừa mị được khá đông tín đồ, chúng vẽ ra cái gọi là “Nhà nước Đề ga” với hệ tư tưởng niềm tin tôn giáo méo mó là tà đạo “Tin lành Đề ga”, bọn chúng đã chính trị hoá tôn giáo nhằm mục đích đòi tự trị cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Đáng buồn là có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã nhẹ dạ, cả tin đi theo cái gọi là “Nhà nước Đề ga” và tà đạo “Tin lành Đề ga”.

Nguy hiểm hơn, bọn chúng đã xây dựng lực lượng và kích động khá đông tín đồ nhẹ dạ, cả tin đi biểu tình gây mất an ninh trật tự xã hội, vi phạm pháp luật. Đặc biệt nguy hiểm hơn nữa là nhiều kẻ đã manh động, tấn công lại chính quyền, quân đội, công an, giết hại cán bộ và người dân, gây ra nhiều tội ác. Theo báo cáo của lực lượng chức năng Việt Nam: FULRO đã lợi dụng đạo Tin lành là hoạt động xuyên suốt để tập hợp lực lượng, dưới vỏ bọc “Tin lành Đề ga”, từ đó lôi kéo được đông đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động bạo loạn. Sau khi đồng bào bị lôi kéo, lừa phỉnh tham gia “Tin lành Đề ga” thì việc FULRO lôi kéo, tổ chức cho họ tham gia vào vụ bạo loạn là việc làm tiếp theo dễ dàng, có tổ chức chặt chẽ (số đối tượng cầm đầu các bộ khung, điểm nhóm). Vụ bạo loạn tháng 02/2001, trong số trên 10.500 người tham gia thì có gần 8.000 người theo “Tin lành Đề ga” (chiếm gần 75%). Vụ bạo loạn tháng 4/2004, có khoảng 11.977 người ở 52 xã/12 huyện thuộc 3 tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông tham gia, riêng Gia Lai có 5.567/6.838 người tham gia là “Tin lành Đề ga” (chiếm 81,41%); Vụ gây rối an ninh tháng 4/2008 có gần 1.000 người của 3 tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Phú Yên tham gia thì “Tin lành Đề ga” chiếm 100%. Về phía đồng bào bị lôi kéo tham gia bạo loạn, do được tổ chức chặt chẽ, bị kích động bởi số cầm đầu, bởi áp lực của cộng đồng và đám đông cùng với nhận thức mơ hồ về chính trị, “niềm tin” việc đi biểu tình là để có được “tôn giáo riêng”, có “Nhà nước riêng”, có nhà cửa, đất đai… nên hăng hái tham gia, thậm chí sẵn sàng hành động chống đối manh động, quyết liệt.

Thời gian qua, các tổ chức FULRO lưu vong tiếp tục phân hóa, mâu thuẫn nội bộ sâu sắc; âm mưu, ý đồ lợi dụng danh xưng tôn giáo riêng của người dân tộc thiểu số để tập hợp lực lượng thành lập “Nhà nước ly khai” tại Tây Nguyên. Các tổ chức, hội nhóm có xu hướng liên kết, tăng cường móc nối, chỉ đạo vào bên trong; sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, củng cố niềm tin, duy trì phát triển lực lượng; Tăng cường các hoạt động hỗ trợ, kêu gọi các nước khác ủng hộ, tác động gây phức tạp tình hình an ninh chính trị của Việt Nam. Sau vụ việc khủng bố xảy ra ngày 11/6/2023 tại Đăk Lăk, tổ chức FULRO lưu vong tổ chức hoạt động biểu tình, phản đối Việt Nam tại Mỹ nhằm khuếch trương thanh thế và kêu gọi Chính phủ Mỹ can thiệp giúp đỡ. Năm 2023, phát hiện 87 lượt/48 đối tượng FULRO bên ngoài có hoạt động chỉ đạo bên trong với nội dung đáng chú ý như: động viên bên trong giữ vững niềm tin vào “Nhà nước Đề ga” và “Tin lành Đề ga”, tiếp tục lợi dụng danh xưng tôn giáo “Sang Pơpũ Ana Cữ”, “Sang ơi Adai Lom Kist” để nhóm họp; tuyên tuyền, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo; thông qua tài khoản Facebook, kênh Youtube để đăng tải video nhằm khuếch trương thanh thế, tập hợp lực lượng, tuyên truyền hoạt động FULRO, “Tin lành Đề ga”, lôi kéo người dân tộc thiểu số trốn ra nước ngoài; lợi dụng chủ trương, chính sách hỗ trợ giúp đỡ, tiếp nhận người nhập cư của UNHCR (Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn) và của một số nước, cùng với sự can thiệp của các tổ chức phản động, các tổ chức quốc tế để móc nối, tổ chức cho người dân tộc thiểu số xuất cảnh trái phép ra nước ngoài; tuyên truyền luận điệu xuyên tạc vụ việc xảy ra ngày 11/6/2023 tại Đăk Lăk và cuộc biểu tình của các đối tượng FULRO lưu vong tại Washington, Mỹ…

Trở về với đức tin, trở về với lẽ phải không bao giờ muộn

Để ổn định an ninh chính trị trên địa bàn, tháng 3 năm 2023, Công an tỉnh Gia Lai đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai triển khai mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên buôn làng” tại 4 huyện trọng điểm: Chư Sê, Phú Thiện, Đăk Đoa, Ia Grai. Phương châm: “Dùng tôn giáo để giải quyết vấn đề tôn giáo”. Phương pháp thực hiện: Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác vận động, ổn định đám đông, phản bác lại các luận điệu tuyên truyền phản động của FULRO. Song song với đó là bình thường hóa hoạt động của đạo Tin lành chính thống, từ đó kịp thời giải quyết được nhu cầu chính đáng của một bộ phận quần chúng tín đồ. Đồng thời vận động đồng bào đã chót theo đạo “Tin lành Đề ga” thì bỏ đạo “Tin lành Đề ga” để quay trở về với đạo Tin lành chính thống được pháp luật của Nhà nước Việt Nam công nhận (Hội thánh Tin lành Việt Nam, trong đó chia ra thành Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Nam và Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Bắc). Đồng bào bỏ đạo “Tin lành Đề ga” cũng có thể chuyển sang đạo Công giáo hoặc các tôn giáo khác được pháp luật Nhà nước Việt Nam công nhận.

 

Theo báo cáo của Công an tỉnh Gia Lai, kết quả chỉ sau hơn 1 năm (từ 3/2022 - 12/2023) thực hiện mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên buôn làng” trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 2.153 người bỏ “Tin lành Đề ga” chuyển sang Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Nam; 240 người bỏ “Tin lành Đề ga” chuyển sang theo Công giáo; 349 người chuyển sang các tôn giáo khác được pháp luật Nhà nước Việt Nam công nhận; 9.794 người bỏ “Tin lành Đề ga” sau đó không theo tôn giáo nào.

Tiếp theo, trong năm 2023 và 2024, Công an tỉnh Gia Lai và các ngành chức năng, các huyện thị trong tỉnh duy trì kết quả đã đạt được; đồng thời tiếp tục vận động thêm đồng bào từ bỏ tà đạo “Tin lành Đề ga” để quay về với các tôn giáo chính thống được pháp luật Nhà nước Việt Nam công nhận.

Thiếu tướng Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai khẳng định: “Việc thực hiện mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên buôn làng” chính là nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, trong đó có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Người được vận động từ bỏ đạo “Tin lành Đề ga” có quyền được tự do lựa chọn tham gia bất kỳ tôn giáo nào được pháp luật Nhà nước Việt Nam công nhận; hoặc cũng có thể không theo bất kỳ tôn giáo nào”.

Một trong những giải pháp hiệu quả là vận động, cảm hoá, giáo dục những người có vai vế cao trong cái gọi là đạo “Tin lành Đề ga” và những người được tổ chức FULRO chọn làm khung chính quyền cấp tỉnh, cấp khu vực của cái gọi là “Nhà nước Đề ga” tự xưng quay về với Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Nam. Khi những người này giác ngộ và tự nguyện từ bỏ đạo “Tin lành Đề ga” đã có tác dụng làm gương để nhiều tín đồ khác làm theo.

Ông Rmah Thuk, sinh năm 1963, thôn Soma hang A, xã Iapeng, huyện Phú Thiện trước năm 2001 là một tín đồ có vai vế và có ảnh hưởng trong Hội thánh Tin lành của huyện Ayun Pa cũ (sau tách ra thành thị xã Ayun Pa và huyện Phú Thiện như ngày nay). Vì thấy Rmah Thuk có sức ảnh hưởng như vậy nên FULRO đã móc nối, lôi kéo, dụ dỗ Rmah Thuk tham gia “Tin lành Đề ga”. Rồi Rmah Thuk qua thuyết giảng đạo đã tiếp tục lôi kéo rất nhiều người tham gia “Tin lành Đề ga”, thậm chí còn xúi giục họ đi biểu tình, bạo loạn hồi năm 2001. Ngay sau vụ bạo loạn, Rmah Thuk bị bắt, bị xử phạt tù hơn 10 năm. Ông Rmah Thuk tâm sự: “Sau khi ra tù đã nhận rõ sai phạm của mình. Đồng thời được cán bộ phân tích, giáo dục, hướng dẫn quay trở về với đức tin của Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Nam, nên giờ đã vững tâm, yên ổn làm ăn, chấp hành pháp luật của Nhà nước, phụng sự Thiên chúa, tuyệt đối không nghe theo kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo”.

 

Còn ông Ksor Kroih, sinh năm 1962, ở làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, trước đây là y tá kiêm thầy lang ở xã. Năm 2001, bị FULRO và Ksor Kơk (một kẻ cầm đầu FULRO phản động lưu vong âm mưu thành lập “Nhà nước Đề ga” tự trị ở Tây Nguyên) móc nối, lôi kéo và trang bị cho máy FAX, điện thoại để thu thập tài liệu của chính quyền cơ sở ở Việt Nam bí mật gửi qua cho FULRO ở Mỹ. Ksor Kroih đã được FULRO hứa hẹn sẽ cho làm phụ trách Thông tin (Bộ trưởng Bộ Thông tin) nếu thành lập được “Nhà nước Đề ga”. Sau vụ bạo loạn, Ksor Kroih cũng bị bắt và bị xử phạt tù hơn 10 năm. Ông Ksor Kroih tâm sự: “Trải qua tù tội mới thấy rõ bản chất dối trá của FULRO và Ksor Kơk, cũng như ảo tưởng của đạo “Tin lành Đề ga” và “Nhà nước Đề ga”. Bản thân và gia đình đã mất mát quá lớn vì chót tin và làm cho bọn chúng. Giờ thì chỉ một lòng kính Chúa và gửi gắm đức tin vào Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Nam”.

 

Còn riêng với ông Y Bome hơn 70 tuổi ở làng Ring Rai, xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai là một trường hợp đặc biệt. Năm 1975 - 1976, ông Y Bome đi theo FULRO. Sau đó, Y Bome bị bắt, đưa đi cải tạo tại huyện Mang Yang, rồi chuyển qua một số trại khác. Năm 1978 - 1991, Y Bome trốn trại và tiếp tục hoạt động FULRO trong rừng. Từ 1991 - 2000, là Đại uý, Tham mưu trưởng Quân khu I của FULRO. Là người có khả năng lôi kéo, thuyết phục và tổ chức, nên năm 2000, Y Bome được FULRO lưu vong giao làm đặc phái viên ở Tây Nguyên và trực tiếp làm “Tỉnh trưởng tỉnh Pleiku” trong cái gọi là “Nhà nước Đề ga”. Theo sự chỉ đạo của Ksor Kơk, Y Bome tổ chức buổi lễ ra mắt tổ chức FULRO ở Gia Lai vào ngày 22/9/2000 tại làng Phung I, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, thành lập bộ khung của cái gọi là “Nhà nước Đề ga”, “Tin lành Đề ga”; chỉ đạo cho các đối tượng cốt cán tuyên truyền, lôi kéo người tham gia FULRO, thu thập các tài liệu gửi sang Mỹ cho FULRO lưu vong; chỉ đạo và tổ chức cuộc biểu tình của FULRO ngày 2/2/2001 tại Pleiku, Gia Lai. Ngày 6/2/2001, Y Bome bị bắt vì tội gây rối an ninh, chịu án phạt tù 12 năm. Chấp hành án  tại trại giam số 5, Thanh Hóa, Y Bome được giảm án 5 lần, thời gian giảm án tổng cộng 11 tháng, tới ngày 6/3/2012, chấp hành án xong, trở về địa phương.

Sau những mất mát, trả giá đã quá nhiều và quá thấm hiểu sự đời, ông Y Bome tâm sự: “Hơn chục năm trôi qua kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù đã giúp tôi hiểu ra sai lầm lớn nhất của cuộc đời là nghe lời dụ dỗ, lôi kéo của Ksor Kơk và FULRO tự xưng “Nhà nước Đề ga” hay “Tin lành Đề ga” đòi ly khai, tách Tây Nguyên khỏi Nhà nước Việt Nam, ngộ nhận đó là con đường mang đến no ấm cho buôn làng. Tham gia rồi mới thấy không phải như như bọn chúng nói, mà hóa ra toàn xúi bẩy dân bạo loạn, biểu tình đòi quyền tự trị”.

 

Ông Y Bome khẳng định: “Giờ được giáo dục, giải thích, hướng dẫn nên đã hiểu ra rồi thì dứt khoát không bao giờ mắc lại sai lầm nữa. Chỉ một lòng đức tin vào Chúa và Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Nam”.

Giờ đây, chính ông Y Bome là người nhiệt tình và có trách nhiệm xã hội, trở thành cầu nối tham gia vận động được nhiều người bỏ đạo “Tin lành Đề ga” để quay về với tôn giáo chính thống. Ông đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận và khen thưởng.

Những năm qua, không chỉ tích cực vận động tín đồ từ bỏ đạo “Tin lành Đề ga” để quay về với đức tin Hội thánh Tin lành Việt Nam, mà tỉnh Gia Lai luôn quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong khuổn của pháp luật. Nơi nào đủ điều kiện thì cấp phép sinh hoạt tôn giáo, tạo điều kiện cho xây dựng điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo. Nơi vào chưa đủ điều kiện, nhưng tín đồ có nguyện vọng thì vẫn hỗ trợ bà con được sinh hoạt tôn giáo tập trung. Chú ý vận động tín đồ không nên tự cầu nguyện tại nhà riêng mà cần đến điểm nhóm hoặc nhà thờ để cầu nguyện, vừa giao lưu, tương trợ lẫn nhau, vừa xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc theo tinh thần “Kính chúa - Yêu nước”, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”.

Đánh giá về mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên buôn làng”, đồng chí Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhận định: “Đây là một mô hình được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đánh giá rất cao về tính hiệu quả, sự thiết thực. Mô hình này cũng đã được Bộ Công an xác định có thể nhân rộng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Đặc điểm chung của mô hình này là việc huy động sức mạnh của các tầng lớp Nhân dân, của cả hệ thống chính trị, nhất là những người có uy tín, những chức sắc tôn giáo trở thành cầu nối để thuyết phục, vận động những người lầm lỡ, nghe và theo “Tin lành Đề ga” trở về sinh hoạt tôn giáo chính thống. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Gia Lai thời gian qua cơ bản được ổn định”.

 

Có thể nói, thành công của mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên buôn làng” đã vận động các đối tượng FULRO, “Tin lành Đề ga” trong đó có cả đối tượng cầm đầu quay về tôn giáo hợp pháp đã làm thất bại âm mưu của tổ chức FULRO cả bên trong và bên ngoài không thể duy trì, tập hợp được lực lượng, từ đó dẫn đến thất bại âm mưu chia sẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đòi thành lập nhà nước tự trị ở Tây Nguyên.

Nếu mô hình này tiếp tục được duy trì, tăng cường nội dung, phương pháp bài bản, có hệ thống hơn nữa sẽ góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động phục hồi FULRO, “Tin lành Đề ga” trong thời gian tới đúng như tên gọi và cũng là mục đích, ý nghĩa của mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên buôn làng”, từ đó bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, làm cho cả vùng Tây Nguyên ngày càng ổn định, ấm no và hạnh phúc./.

Trần Quỳnh - Hoàng Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực