Thời gian gần đây, với động cơ chính trị đen tối, các thế lực thù địch đã không ngừng chống phá, đưa ra các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận đường lối đối ngoại của Đảng ta. Cụ thể, chúng cho rằng, đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam là “bảo thủ” “lạc hậu”, “không còn phù hợp” và đã trở thành “lực cản” đối sự phát triển của đất nước. Luận điệu này được đưa ra bởi các tổ chức phi chính phủ có định kiến với Việt Nam, các tổ chức phản động người Việt lưu vong tại nước ngoài, điển hình là Việt Tân, các tổ chức xã hội dân sự, các đài quốc tế BBC, RFA, RFI, VOA… chúng tự xưng là “người yêu nước”, “tâm huyết” với “vận mệnh quốc gia dân tộc”, “luật sư độc lập”, “nhà báo tự do”, “nhà dân chủ”, “nhà nghiên cứu”, “người Việt yêu nước”... Theo họ, hiện đang là thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, các quốc gia, dân tộc có mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau. Vì thế, đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam là “bảo thủ”, “tự mình cô lập mình”, là “tự tách ra khỏi dòng chảy” của thế giới bên ngoài, đã thực sự “lỗi thời”, “không còn phù hợp”, và đã trở thành “lực cản” đối với sự phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, chúng ra sức phủ nhận đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cố tình phủ nhận đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, cân bằng quan hệ với các nước lớn của Việt Nam, cho rằng đó là “đường lối trung dung”, là “đi dây” trong quan hệ với các nước lớn, như thế là “tự cô lập” mình và “tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Lợi dụng một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là khi Việt Nam đẩy mạnh quan hệ với Mỹ và khi Việt Nam và Mỹ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, trên một số trang mạng phản động: “Daploisongnui”, “Đài Á Châu tự do”, “Thongluan”, “Baotiengdan”... các thế lực thù địch, phản động lại ra sức đưa ra những luận điệu phiến diện, một chiều, “Việt Nam đang ngấm ngầm “theo chân” nước này để chống nước kia”; “Việt Nam đang ngả về phương Tây”; Việt Nam đã “từ bỏ” chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của mình.
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Đặc biệt, chúng ra sức xuyên tạc trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” của Đảng ta. Các thế lực thù địch cho rằng, “Ngoại giao cây tre dẫn Việt Nam vào ngõ cụt”; “Đảng Cộng sản Việt Nam nghĩ ra từ “ngoại giao cây tre” thực chất chỉ là để lòe dân. Từ đó, chúng ra sức kêu gọi “thay đổi” thể chế chính trị, xóa bỏ sự “độc đảng” ở Việt Nam để có đường lối đối ngoại đúng đắn. Kích động tâm lý phản kháng, cổ súy cho các hành động chống đối, gây chia rẽ, kỳ thị trong ngoại giao, làm cho các quốc gia hiểu sai về đất nước, con người Việt Nam; nhằm hạ bệ vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam; xuyên tạc nhằm làm cho các đối tác thiếu niềm tin, e ngại trong xúc tiến hợp tác kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với Việt Nam; từ đó cô lập Việt Nam với thế giới.
Không khó để nhận thấy sự phi lý, thiếu căn cứ ở những luận điệu nói trên của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Phía sau các luận điệu đó chính là âm mưu xuyên tạc, phủ nhận đường lối đối ngoại của Đảng ta. Bởi trong mọi giai đoạn lịch sử, dân tộc ta luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đem sức ta để giải phóng cho ta và bảo vệ Tổ quốc. Xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc: “Bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, ông cha ta luôn chú trọng bang giao hòa hiếu với các quốc gia láng giềng, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của ngoại giao Việt Nam: Đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hoà hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa”(1). Đồng thời, luôn nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc là nguyên tắc bất biến, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quan hệ đối ngoại của mình.
Thực tiễn cũng cho thấy, đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp hoàn cảnh lịch sử. Tiếp nối những thắng lợi của mặt trận ngoại giao trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là từ đổi mới đến nay, chính đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đã trở thành mặt trận tiên phong trong phá thế bị bao vây, cấm vận, khơi thông quan hệ quốc tế, mở ra cục diện mới cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
|
Tổng Bí thư Tô Lâm và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: VGP). |
Xuyên suốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc cũng như đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng của thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước ta đều khẳng định nhất quán quan điểm: Chúng ta bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, của chế độ chính trị, nền kinh tế và tiềm lực quốc gia là nhân tố quyết định. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII), về Chiến lược quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh: Xây dựng, củng cố quan hệ, lòng tin chiến lược với các nước, nhất là các đối tác chiến lược, tạo thế để bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu xảy ra; tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các vấn đề liên quan của cộng đồng quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, xây dựng lòng tin, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ và đối phó với chiến tranh xâm lược; giúp đỡ nước khác khi được yêu cầu bằng khả năng của mình, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị và trình độ phát triển.
Một điểm nhấn quan trọng mà dù muốn, các thế lực thù địch, phản động cũng không thể phủ nhận được đó là hoạt động đối ngoại trong thời kỳ đổi mới đã “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước”(2). Đến nay, Việt Nam đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó 3 nước quan hệ đối tác hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện (Cuba, Lào, Campuchia); 8 nước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp); 12 nước quan hệ đối tác chiến lược; 12 nước quan hệ đối tác hợp tác toàn diện. Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Từ một nước có nền kinh tế chậm phát triển, bị bao vây, cấm vận, đến nay nước ta đã trở thành một nước có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được 72 quốc gia công nhận; đã ký kết hơn 500 hiệp định song phương và đa phương, 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) (tổng cộng với 53 nước), trong đó có 3 FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao và mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới, góp phần quan trọng để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Về đối ngoại quốc phòng đa phương, Việt Nam đã tích cực tham gia có trách nhiệm và chủ động đóng góp xây dựng, đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực tại các cơ chế hợp tác về quốc phòng, an ninh của khu vực và quốc tế, như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La, Hội nghị an ninh quốc tế Moscow, Diễn đàn Hương Sơn - Bắc Kinh, Đối thoại Quốc phòng Seoul,... Đến nay, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, liên tục tất cả các cơ chế hợp tác quân sự, quốc phòng do ASEAN dẫn dắt; tham gia đầy đủ, có trách nhiệm vào các diễn đàn an ninh quốc tế và khu vực.
|
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương. (Ảnh: TTXVN). |
Mới đây, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương (1/11/1949 - 1/11/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, công tác đối ngoại phải gắn kết đất nước với thế giới, dân tộc với thời đại; đưa đất nước chủ động tham gia giải quyết các vấn đề chung của thế giới; gìn giữ và không ngừng vun đắp tình cảm tốt đẹp của nhân dân thế giới với nhân dân, đất nước Việt Nam; tạo thế và lực mới, tạo dựng môi trường quốc tế có lợi cho cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, "trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đối ngoại phải phát huy cao độ truyền thống vẻ vang, vươn lên những tầm cao mới để hoàn thành những trọng trách vinh quang mới, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa"(3).
Rõ ràng, cả lịch sử và hiện tại, cả lý luận và thực tiễn đều chứng minh, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và quan điểm nhất quán “chọn chính nghĩa, lẽ phải; không chọn bên, chọn phe” của Đảng ta đã phát huy vai trò của đối ngoại trong việc “tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”(4). Đồng thời, là minh chứng khách quan, thuyết phục nhất đập tan mọi âm mưu xuyên tạc, phủ định quan điểm của Đảng ta về đối ngoại trong thời gian qua./.
----------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
(1). Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, 14/12/2021.
(2). Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Hà Nội, ngày 19/12/2023.
(3). Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương, Báo điện tử Chính phủ, ngày 28/10/2024.
(4). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.162