Tổ chức chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết nhằm phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Thứ tư, 29/01/2020 16:20
(ĐCSVN) - Năm 2019 là năm đánh dấu dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại nước ta và sau đó lan rộng ra khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn.

Nhằm tìm hiểu về giải pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi và triển khai kế hoạch tái đàn trong năm 2020, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

leftcenterrightdel
 Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Thưa ông, năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại nước ta và lan rộng ra khắp 63 tỉnh, thành. Ông có đánh giá như thế nào về tình hình cũng như tác động của dịch tả lợn Châu Phi lên ngành chăn nuôi lợn nước ta trong năm qua?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Rõ ràng dịch tả lợn Châu Phi là đại dịch, chưa bao giờ ngành chăn nuôi gặp khó khăn về dịch bệnh như dịch tả lợn Châu Phi. Trước hết, dịch gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và cho cả ngân sách nhà nước và ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành. Nếu không có dịch tả lợn Châu Phi thì sự phát triển chăn nuôi của chúng ta sẽ có những tăng trưởng tốt hơn.

Về mặt tiêu cực, dịch tả lợn Châu Phi đã làm cho một bộ phận người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ đã không theo được nghề, phải bỏ cuộc. Còn các hộ chăn nuôi lớn, hộ trang trại còn theo được nghề, bây giờ có cơ hội lấy lại những gì đã mất.

PV: Trong năm 2020, chúng ta sẽ có những giải pháp gì để kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Tất cả các biện pháp có thể kiểm tra để giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng của dịch này, Việt Nam đã làm và tôi cho rằng rất hiệu quả. Rõ ràng, đối với chăn nuôi của chúng ta, chúng ta giảm thiểu rồi, chúng ta muốn khôi phục lại ngành chăn nuôi lợn, mà nhất định chúng ta phải khôi phục vì chúng ta không thể không chăn nuôi vì nước nông nghiệp không thể không trồng trọt, chăn nuôi. Ít nhất chúng ta phải đủ thực phẩm cho người Việt, mà chúng ta còn hướng tới xuất khẩu, do vậy phát triển chăn nuôi là một đòi hỏi tất yếu.

Vậy bây giờ phát triển thế nào? Chúng ta phải tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết, ở đó có vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp, các hiệp hội, hợp tác xã rồi đến nông hộ. Chúng ta không để nông hộ ra khỏi “cuộc chơi” này, mà dẫn dắt, kéo họ vào “cuộc chơi” bằng các chuỗi liên kết.

Chuỗi liên kết giúp chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, kiểm soát được an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc. Chuỗi liên kết giúp chúng ta phát triển bền vững, chia đều trách nhiệm của các tác nhân tham gia và cùng có quyền lợi, tránh thương lái ép giá,…

Vấn đề thứ hai là chúng ta phải cơ cấu lại, giảm áp lực cho con lợn, trước chiếm từ 70-75%. Chúng ta sẽ thực hiện chiến lược trong chăn nuôi, trong đó có nội dung tái cơ cấu lại các loại vật nuôi, giảm tương đối đàn lợn, tăng tương đối đàn gia cầm, tăng tương đối đàn gia súc ăn cỏ lên để tạo ra khả năng phát triển bền vững.

Đặc biệt nhất là áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Chúng ta chưa thể mong ngày một ngày hai có được vắc xin nhưng chúng ta vẫn phải chăn nuôi lợn, bởi vì có những nước chưa công bố hết dịch tả lợn Châu Phi nhưng vẫn là cường quốc về chăn nuôi lợn. Chúng ta cũng phải xác định sẽ phải chung sống với dịch nghĩa là phải chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt dịch bệnh, nuôi trong điều kiện vẫn còn tồn lưu mầm bệnh ở ngoài môi trường nhưng trong chuồng lợn không có mầm bệnh. Đây là vấn đề tái đàn nhiều địa phương đang làm thành công, cho thấy chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp vô cùng quan trọng.

PV: Trong năm 2020, Cục Chăn nuôi sẽ có những biện pháp như thế nào để tái đàn, tăng đàn lợn?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Bây giờ chúng ta tái đàn có kiểm soát, chúng ta có chủ trương từ tháng 10/2019, nơi nào có đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học mà đã qua 30 ngày không có dịch, lấy mẫu âm tính, có nguồn con giống rõ ràng sạch bệnh, chúng ta sẽ cho tái đàn. Lúc đầu thử nghiệm 10%, nuôi sau 1 tháng chúng ta lấy mẫu máu, nếu không có vấn đề, sẽ nuôi 90% còn lại. Còn những cơ sở chưa có dịch chúng ta mở rộng quy mô nuôi để bù đắp phần lợn thiếu hụt, vì lợn còn thiếu hụt trong năm 2020.

Không gian chăn nuôi lợn còn rất rộng. Nếu chúng ta có đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, có con giống tốt chúng ta có thể tái đàn, mở rộng quy mô vì thị trường còn rất tốt.

PV: Cục Chăn nuôi có khuyến cáo gì cho người chăn nuôi khi tái đàn?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Một là chúng ta không được vội vàng, thận trọng nhưng phải khẩn trương. Với các hộ chăn nuôi đã có chuồng trại dịch qua 30 ngày, chúng ta báo cáo với cơ quan thú y cơ sở, địa phương để đến lấy mẫu kiểm tra, phân tích, kết quả cho âm tính. Nếu chúng ta đủ điều kiện thì bắt đầu tái đàn, sử dụng đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt sử dụng hiệu quả thuốc sát trùng, hiệu quả nhất vẫn là vôi tôi.

Chuồng lợn không để người tùy tiện ra vào, đồng thời, tất cả các loại thức ăn không được kiểm soát không cho lợn ăn, nếu có thì phải xử lý qua nhiệt. Hiện nay, đã có nhiều hộ chăn nuôi trong nước đang tái đàn và tái đàn rất tốt và bây giờ rất giàu có thì tôi nghĩ đó là cơ hội cho người chăn nuôi lợn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bùi Thủy (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực