Ấn Độ: Quyền được thông tin - Vũ khí chống tham nhũng

Chủ nhật, 23/05/2010 15:25

 

Chỉ với một tờ giấy trắng và một con tem trị giá 10 rupi, người dân Ấn Độ đã có thể tiếp cận không ít thông tin

Là đất nước có dân số lớn thứ 2 thế giới, Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có nạn tham nhũng. Với quyết tâm đẩy lùi vấn nạn này để không cản trở quá trình phát triển, Ấn Độ đã ban hành Bộ luật Quyền được thông tin.

Theo đánh giá của tờ La Croix (Pháp), đây chính là một trong những thứ vũ khí hữu hiệu để chống lại nạn tham nhũng đang diễn ra ở nhiều nơi trên khắp đất nước.

Bộ luật Quyền được thông tin được đưa vào áp dụng từ năm 2005 sau những nỗ lực không nhỏ của Đảng Quốc đại của cố Thủ tướng Sonia Grandi. Đây còn là kết quả đáng giá nhất của phong trào đòi minh bạch hóa hoạt động của chính quyền. Với Bộ luật này, bất kể người dân Ấn Độ nào đều có thể tiếp cận các thông tin sổ sách của nhà cầm quyền hoặc được biết về những chi tiêu công cộng hay hồ sơ một vụ tranh chấp nào đó. Có thể nói, về nguyên tắc, tất cả các hồ sơ đều có thể được mở, được công khai, trừ những nội dung liên quan đến an ninh quốc gia.

Tất nhiên, với sự cho phép của pháp luật, nhiều người dân Ấn Độ đã và đang sử dụng hiệu quả các quyền công dân của mình. Tại Bhamravan, một làng quê nhỏ ở tiểu bang Utar Pradesh, người dân vẫn thường tập trung dưới một gốc cây đa để viết những kiến nghị gửi lên chính quyền địa phương về đủ mọi chuyện liên quan đến đời sống của họ. Đó là người dân đang áp dụng Bộ luật Quyền được thông tin với hy vọng ngăn chặn, chấm dứt các bất công trong cuộc sống của họ.

La Croix cho biết, cũng tại làng này, vào năm 2003, khi chưa có Bộ luật Quyền được thông tin, một người dân ở đây đã phải tuyệt thực 11 ngày dưới gốc đa để đòi được biết những chi tiêu của lãnh đạo làng. Và, khi chính quyền nhượng bộ, người dân này đã phát hiện ra là, ngân sách của làng đã bị xà xẻo, bị chia chác cho một số quan chức địa phương. “Giờ đây, nhờ có Bộ luật Quyền được thông tin mà người ta không thể giấu diếm được gì nữa. Quyền dân chủ của người dân Ấn Độ được thể hiện qua một tờ giấy trắng và một con tem trị giá 10 rupi. Chỉ thế thôi, nhưng nó giúp người dân có thể tin tưởng vào quyền của họ”, RFI nhấn mạnh.

Được biết, hàng năm ở Ấn Độ có khoảng 2 triệu đơn đòi “quyền được thông tin”. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/3 đơn được đáp ứng. Dẫn lời một người dân, La Croix cho biết, những thông tin liên quan đến cảnh sát hầu như không thu được kết quả. Đôi khi phải đợi đến một năm, trong khi thời gian chờ trả lời theo quy định là 30 ngày! Vì thế, theo một luật sư có uy tín, thách thức lớn nhất của Bộ luật Quyền được thông tin là tìm được đường đến với nông dân và người nghèo - những đối tượng ít phương tiện nhưng phải chịu nhiều bất công xã hội hơn cả.

Dù vậy, nhờ có Bộ luật Quyền được thông tin, đã có không ít quan chức, bộ trưởng và cả các vị quan tòa bị phát hiện tham nhũng, nhận hối lộ. Theo đó, nhiều vị đã phải nhận những bản án thích đáng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực