Bộ Giao thông Vận tải tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ ba, 28/11/2023 19:10
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Ngày 28/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng có văn bản số 13377 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra trong việc triển khai Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông Vận tải”.
 Công nhân bảo trì, nâng cấp đường. (Ảnh: KC)

Nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kịp thời nhận diện, kiểm tra, ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm, từ xa những hành vi vi phạm; đồng thời tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung, đối tượng, thời gian giữa các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và không làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các Vụ, các Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ GTVT khi tham mưu và tiến hành kiểm tra cần lưu ý, thực hiện một số nội dung:

Cụ thể, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý; việc chấp hành chính sách, pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực do đơn vị mình phụ trách để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Việc tiến hành kiểm tra được thực hiện theo Quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền theo quy định pháp luật; bảo đảm khẩn trương, kịp thời, có mục đích phòng ngừa từ sớm, từ xa nhằm tránh dẫn đến các sai sót, vi phạm pháp luật; khi thực hiện phải khách quan, minh bạch, chính xác.

Công tác kiểm tra phải được chuẩn bị kỹ lưỡng về chương trình, phương pháp và nội dung kiểm tra; kết thúc kiểm tra phải chỉ ra được những ưu điểm, tồn tại, hạn chế (nếu có), kiến nghị giải pháp khắc phục. Nghiêm cấm lợi dụng việc kiểm tra để gây sách nhiễu, cản trở hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Khi có thông tin, phản ánh về những vấn đề tiêu cực, vi phạm, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao (hoặc được phân công, phân cấp, ủy quyền) phải chủ động, kịp thời tiến hành kiểm tra ngay. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, Đoàn kiểm tra áp dụng theo thẩm quyền; tham mưu trình người ký Quyết định kiểm tra áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp để xử lý kịp thời hành vi vi phạm; nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra để xem xét, xử lý; trường hợp cần thiết thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiến hành thanh tra theo quy định pháp luật.

Các Cục thuộc Bộ GTVT có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành, được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải thực hiện thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Việc kiểm tra phải tuân thủ các yêu cầu tại văn bản này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Về thời hạn kiểm tra, không quá 10 ngày làm việc đối với các Đoàn kiểm tra do Cục thuộc Bộ thành lập; không quá 15 ngày đối với các Đoàn kiểm tra do Bộ GTVT thành lập (trừ trường hợp phạm vi kiểm tra rộng, liên quan đến nhiều đối tượng hoặc vấn đề phức tạp).

Việc kiểm tra được thực hiện theo Kế hoạch tiến hành kiểm tra được phê duyệt. Sau khi thu nhận báo cáo của đối tượng kiểm tra và các hồ sơ tài liệu có liên quan, Đoàn kiểm tra tổ chức nghiên cứu, phân tích, nhận xét, đánh giá những thông tin thu thập được, yêu cầu đối tượng kiểm tra giải trình, báo cáo bổ sung để làm rõ những vấn đề liên quan nếu cần thiết.

Kết thúc kiểm tra tại đơn vị, Đoàn kiểm tra lập biên bản để ghi nhận kết quả kiểm tra. Trưởng đoàn kiểm tra chủ trì xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra gửi người ký Quyết định kiểm tra trong thời hạn là 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra tại đơn vị (trừ trường hợp phạm vi kiểm tra rộng, liên quan đến nhiều đối tượng hoặc vấn đề phức tạp cần giải trình, cung cấp hồ sơ làm rõ).

Báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra phải đánh giá được ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành quy định pháp luật liên quan đến nội dung kiểm tra; các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã được áp dụng trong quá trình kiểm tra; kiến nghị các biện pháp xử lý để khắc phục những tồn tại, hạn chế được phát hiện trong quá trình kiểm tra.

Trên cơ sở báo cáo kết quả kiểm tra, ý kiến của người ra Quyết định kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra tổ chức xây dựng dự thảo Thông báo kết quả kiểm tra (hoặc Văn bản chỉ đạo) trình người ra Quyết định kiểm tra duyệt, ký ban hành theo quy định để khắc phục, xử lý các tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành quy định pháp luật được phát hiện qua công tác kiểm tra. Theo chỉ đạo của người ký Quyết định kiểm tra hoặc trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn kiểm tra tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan đối với nội dung dự thảo Thông báo kết quả kiểm tra (hoặc Văn bản chỉ đạo) trước khi trình cấp có thẩm quyền.

Cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tham mưu và tiến hành kiểm tra có trách nhiệm lưu trữ toàn bộ Hồ sơ kiểm tra (Tờ trình, Quyết định kiểm tra, Kế hoạch tiến hành kiểm tra, đề cương yêu cầu báo cáo, các biên bản, báo cáo của cơ quan, đơn vị liên quan đến nội dung kiểm tra, báo cáo giải trình, Kết quả kiểm tra hoặc Thông báo kiểm tra hoặc văn bản chỉ đạo và các tài liệu cần thiết khác) theo quy định hiện hành.

Các nội dung yêu cầu khắc phục, xử lý các tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành quy định pháp luật được phát hiện qua công tác kiểm tra được nêu trong Thông báo kết quả kiểm tra (hoặc văn bản chỉ đạo) của cấp có thẩm quyền phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo đúng thời hạn, tiến độ theo yêu cầu. Cơ quan tiến hành kiểm tra có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của đối tượng kiểm tra; tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ theo quy định. Các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ, khi báo cáo lãnh đạo Bộ, cần đồng thời gửi báo cáo về Thanh tra Bộ để theo dõi, tổng hợp.

Uông Việt Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực