Năm 2015, ước tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%

Thứ ba, 27/10/2015 15:45
 

Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ
nghèo trong cả nước. Ảnh: dienbientv.vn

(ĐCSVN) – Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 14,2%. Các năm sau đó, tỷ lệ này đều giảm dần: năm 2011 giảm còn 11,76%; năm 2012 giảm còn 9,6%; năm 2013 giảm còn 7,8%; năm 2014 giảm còn 5,97%. Năm 2015, ước tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015.

Đó là một trong những kết quả đạt được của Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững vừa được nêu ra tại Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2011-2015 và định hướng xây dựng các chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020.

Cũng theo Báo cáo này, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo đã giảm từ 50,97% cuối năm 2011 xuống còn 38,2% cuối năm 2013; 32,59% cuối năm 2014; bình quân giảm trên 5%/năm. Như vậy, bình quân tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước giảm 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 - 2020 và Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 phê duyệt chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015.

Được biết, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 30.451 tỷ đồng, đạt 109% tổng kinh phí được phê duyệt của Chương trình. Trong đó, Chương trình đã đầu tư 4.459 công trình cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất và phục vụ nhu cầu dân sinh tại các huyện nghèo. Xây dựng và đưa vào sử dụng trên 1.600 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Trong 2 năm (2012 - 2013), Chương trình 135 đã đầu tư xây dựng được 8.959 công trình bao gồm giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhà sinh hoạt cộng đồng... Năm 2014, đã đầu tư xây dựng 6.221 công trình, năm 2015 là 2.069 công trình, tập trung chủ yếu vào đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học, công trình nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học...

Các địa phương cũng đã tổ chức hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các hộ gia đình; giao khoán bảo vệ rừng với diện tích trên 2 triệu ha cho trên 155.000 hộ; thực hiện đào tạo, đưa khoảng 9.500 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Thông qua thực hiện mô hình giảm nghèo, số hộ thoát nghèo đạt khoảng 15 - 20%, thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng khoảng 15%; tạo việc làm cho 25% lao động nông thôn. Tổ chức tập huấn cho khoảng 140 nghìn lượt cán bộ giảm nghèo ở cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra một số khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2015 như: kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực