BOT: Cần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

Thứ tư, 13/09/2017 09:06
(ĐCSVN) – Để giải quyết những bất cập của các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT hiện nay, cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới, đòi hỏi phải có những giải pháp xử lý dứt điểm, hiệu quả.
Nhờ BOT, hạ tầng giao thông được nâng cao chất lượng đáng kể (Ảnh: P.V)

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cũng thẳng thắn thừa nhận, Bộ GTVT đã thấy rõ một số hạn chế của các dự án BOT và đang xem xét, đưa ra các chính sách chung.

Không thể phủ nhận những lợi ích nhờ BOT…

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đưa ra giải pháp: “Thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư; mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm…; có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng”. Trong các năm 2013, 2014 và 2015, Chính phủ đã chỉ đạo bằng các Nghị quyết của phiên họp Chính phủ đầu năm: “Phải đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, các hình thức đầu tư; đẩy mạnh hợp tác theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội”.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Kết quả, giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức PPP, gồm: 58 dự án BOT (TMĐT: 170.355 tỷ đồng) và 4 dự án BT (TMĐT: 16.305 tỷ đồng); trong đó, lĩnh vực đường bộ có 58 dự án (TMĐT: 185.070 tỷ đồng), đường thủy nội địa 1 dự án (TMĐT: 1.303 tỷ đồng), hàng hải 2 dự án (TMĐT: 230 tỷ đồng) và một dự án thuộc lĩnh vực đào tạo (TMĐT: 57 tỷ đồng). Các dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ nguồn vốn ngoài ngân sách đã phát huy hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm áp lực nợ công, kích cầu sản xuất trong nước, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong đánh giá về BOT đã nhận định, các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trong thời gian qua cơ bản phù hợp với Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam, giúp thay đổi diện mạo về hệ thống giao thông Việt Nam, nâng cấp hạ tầng giao thông; huy động sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tạo ra hàng vạn việc làm cho người lao động, đồng thời đưa vào nền kinh tế hàng trăm ngàn tỷ động vốn tín dụng ngân hàng, giúp các doanh nghiệp tham gia BOT từng bước trưởng thành, tăng năng lực cạnh tranh…

Vẫn còn những hạn chế, bất cập

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã chỉ ra, những tồn tại, khó khăn của các dự án BOT tập trung vào: Nguồn vốn đầu tư huy động tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ nên chưa tác động tích cực đến việc tái cơ cấu thị phần vận tải; một số trạm thu phí bố trí chưa hợp lý dẫn tới người dân không có sự lựa chọn; thông tin về dự án chưa được công bố rộng rãi tạo điều kiện cho người sử dụng giám sát; các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư nên tính cạnh tranh chưa cao; hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện; chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài…

Bởi thế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu, thời gian tới, khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống luật, văn bản quy phạm pháp luật về hình thức đầu tư theo BOT. Ủy ban cũng đánh giá cao qua kết quả thanh, kiểm tra của Bộ GTVT, các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Bộ GTVT đã xác định rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhận, kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc. Cụ thể, Bộ GTVT cũng đã nghiên cứu, xem xét để đưa ra chính sách đồng nhất nhằm giải quyết tồn tại của các dự án BOT toàn quốc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Cần nhìn thẳng vào hạn chế, bất cập để xử lý hiệu quả BOT (Ảnh: P.V)

Cần sớm triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục hạn chế

Trước mắt, Bộ GTVT chủ trương dừng thực hiện các dự án BOT trên các tuyến đường hiện có và chỉ kêu gọi đầu tư BOT với các tuyến mới để có sự lựa chọn cho người dân và các phương tiện. Trường hợp cấp bách, Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn, phải kêu gọi đầu tư BOT các dự án hiện hữu, độc đạo phải tham vấn đầy đủ các ý kiến của địa phương qua các cơ quan đại diện là HĐND, Đoàn ĐBQH, các hiệp hội vận tải, các cơ quan chức năng, có thể xem xét xin ý kiến Quốc hội…

Đối với bất cập của các trạm thu giá (trước đây là thu phí), thực hiện Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá sử dụng đường bộ tại các trạm thu giá BOT trên nguyên tắc vẫn đảm bảo khả thi phương án tài chính của các dự án.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, ngành GTVT đã thực hiện một loạt các công việc một cách hệ thống, phù hợp với quy định của pháp luật để làm cho các dự án BOT trở nên minh bạch hơn, trong tất cả các khâu từ giai đoạn chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, đến quá trình xây dựng và khai thác (thu phí) dự án, thể hiện ở việc đề xuất với cơ quan kiểm toán tiến hành kiểm toán đối với tất cả các dự án BOT, trên cơ sở đó đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án, đồng thời với việc giám sát chặt chẽ hơn quá trình thu phí.

Cụ thể, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt các Ban QLDA, nhà đầu tư, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án BOT, BT hoàn thành nhằm xác định chi phí thực tế đầu tư và thời gian thu phí hoàn vốn của công trình để công khai cho người dân giám sát.

Trong quá trình triển khai thu giá dịch vụ các dự án BOT, hình thức thu phí lượt trên các tuyến quốc lộ còn tồn tại, hạn chế do chưa đảm bảo tuyệt đối công bằng đối với người dân. Qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp và ý kiến của Đoàn giám sát Quốc hội, Bộ GTVT đã xử lý những bất cập về giá sử dụng đường bộ tại 7 trạm gồm: Trạm QL6 Xuân Mai - Hòa Bình, trạm QL32 (Phú Thọ), trạm cầu Hạc Trì (Phú Thọ), trạm QL3 (Thái Nguyên), trạm Bến Thủy (Nghệ An), trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh), trạm Km1064, QL1 (Quảng Ngãi).

Bộ GTVT cũng nhìn nhận hạn chế trong giai đoạn vừa qua, mặc dù thực hiện đúng theo quy định của Nghị định 108/2009/NĐ-CP, nhưng còn nhiều dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, thông tin chưa đến được với người dân và các tổ chức - xã hội do hình thức tuyên truyền, công bố thông tin chưa thích hợp nên còn có nhiều quan điểm khác nhau về tính công khai, minh bạch. Các hạn chế này đã được Bộ GTVT khắc phục ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 30/2015/NĐ-CP.

Có thể thấy, đối với các bất cập liên quan tới BOT, Chính phủ đã chỉ đạo, bản thân Bộ GTVT đã và đang tập trung xử lý từng bước một cách quyết liệt. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, mặc dù đã có những khắc phục nhưng vẫn chưa triệt để. Thiết nghĩ, cần phải thẳng thắn xử lý, nghiêm túc triển khai theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên./.

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực