Mối quan hệ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong nhiều thập kỷ qua giữa Iran và Israel lại trở nên căng thẳng hơn khi Iran tiến hành cuộc tập kích quy mô chưa từng có vào lãnh thổ Israel nhằm trả đũa vụ Israel tấn công tòa lãnh sự quán Iran ở Syria hôm 1/4. Điều này một lần nữa khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về sự bùng nổ những bất đồng vốn được ví von như “thùng thuốc súng” ở Trung Đông.
Cụ thể, đêm 13/4, Iran đã phóng hơn 300 thiết bị bay không người lái và tên lửa vào Israel để trả đũa cuộc không kích mà Tehran cho là Israel tấn công tòa nhà lãnh sự thuộc Đại sứ quán Iran ở Syria khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có 2 tướng lĩnh của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran. Các lực lượng của Israel và đồng minh đã bắn hạ phần lớn vũ khí và cuộc tấn công chỉ gây ra thiệt hại nhỏ. Tuy nhiên vẫn có nhiều quan ngại về khả năng Israel có thể trả đũa và gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực.
|
Tên lửa được phóng từ Iran về phía Israel tối 13/4. (Ảnh: IRNA/TTXVN) |
Trước những diễn biến căng thẳng giữa Iran và Israel, nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, các quốc gia, tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra lời kêu gọi các bên kiềm chế.
Trong đó, ngày 16/4, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa bày tỏ quan ngại về cuộc tấn công của Iran và lo ngại căng thẳng có thể lan rộng ở khu vực. Trước đó, ngày 15/4, Tổng thống Joe Biden kêu gọi Israel “cân nhắc thận trọng và có chiến lược” trước khi đưa ra phản ứng vì có thể khiến xung đột lan rộng. Trong khi đó, Quốc vương Abdullah II của Jordan bày tỏ quan ngại rằng những diễn biến hiện nay ở Trung Đông có thể khiến xung đột leo thang, gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định khu vực.
Ngày 15/4, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Amir-Abdollahian cho biết, Trung Quốc ghi nhận tuyên bố của Iran rằng hành động của họ được thực hiện có giới hạn và là hành động tự vệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng hy vọng Tehran có thể xử lý tốt tình hình và tránh cho khu vực thêm bất ổn.
Về những căng thẳng giữa Iran và Israel, ngày 14/4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước những diễn biến leo thang căng thẳng hiện nay tại khu vực Trung Đông, nhất là các hành động vũ lực vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và gây tổn thất cho người dân”. Theo đó, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, Hiến chương và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc, chấm dứt ngay các hành động vũ lực làm leo thang căng thẳng, vì an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã tổ chức phiên họp khẩn về tình hình Trung Đông. Tại cuộc họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng Trung Đông đang ở bên bờ vực nguy hiểm. Người dân trong khu vực đang phải đối mặt với nguy cơ xung đột toàn diện và hiện giờ là thời điểm để xuống thang, giảm căng thẳng và kiềm chế tối đa.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng vấn đề cấp thiết trong thời điểm hiện nay là tránh mọi hành động có thể dẫn tới đối đầu quân sự quy mô lớn, trên nhiều mặt trận khác nhau ở Trung Đông. Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm, nghĩa vụ chung trong tiến trình can dự chủ động với tất cả các bên liên quan để ngăn chặn căng thẳng leo thang.
Có thể thấy, giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Gaza hiện đã bước sang tháng thứ 7, mối quan hệ "bên miệng hố chiến tranh" giữa Iran và Israel có nguy cơ biến “cuộc chiến giữa các cuộc chiến” thành một cuộc đối đầu trực tiếp. Do đó, điều cần thiết là cả hai bên phải tránh căng thẳng leo thang hoặc ít nhất là kiềm chế các hành động thiếu tính toán, để giảm thiểu những nguy cơ đối với an ninh khu vực.
Điều mà cộng đồng quốc tế mong muốn là những leo thang căng thẳng sẽ được hạ nhiệt ở Trung Đông, nguy cơ về một cuộc xung đột lớn sẽ không xảy ra… Bởi khi có bất kì cuộc đối đầu quân sự nào, người dân vẫn sẽ luôn là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Khi ấy, sẽ không có bên thắng – bên thua, mà tất cả sẽ đều là bên thua cuộc!./.