Làm gì với "mê tín online"?

Thứ hai, 25/11/2024 11:11
(ĐCSVN) - Cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, các biểu hiện mê tín dị đoan đang ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi hơn, từ các hình thức như bói toán, xem tuổi, tử vi, đến những hoạt động lừa đảo tinh vi qua các dịch vụ tâm linh… Vấn nạn này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và văn hóa, đạo đức xã hội.

Các mạng xã hội như Facebook, TikTok và YouTube hiện nay đã trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho sự phát triển của những hành vi mê tín dị đoan. Các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, tâm lý lo lắng và tìm kiếm sự an ủi của người dân để phát tán các thông tin không có căn cứ, từ đó trục lợi bất chính. Những hình thức như bói chỉ tay, bói bài, bói bổ cau, xem tử vi, xem phong thủy, cho số lô, số đề… đều xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội.

Chỉ cần một vài cú click chuột, người dùng sẽ dễ dàng tiếp cận các "thầy bói online" hoặc các "cô đồng, cậu đồng" tự xưng. Những người này sẵn sàng đưa ra những dự đoán mơ hồ về tương lai của người khác theo kiểu "đọc nguội", tức là phỏng đoán dựa trên những thông tin chung chung nhưng khiến người nghe cảm thấy chúng rất chính xác. Sau đó, các đối tượng này mời gọi nạn nhân mua các vật phẩm phong thủy, bùa chú, hoặc thậm chí tham gia các nghi lễ tâm linh với chi phí rất cao, thường từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Ngày 28/10 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt tạm giam Phan Thị Thu Trang (34 tuổi, ngụ quận 5) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng chục tỷ đồng từ những nạn nhân tin tưởng vào các dịch vụ bói toán và tâm linh với thủ đoạn lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi. Trong vụ việc này, một nạn nhân đã bị lừa hơn 2,9 tỷ đồng chỉ trong vòng 15 ngày qua các nghi lễ "giải hạn" và "đuổi vong". Chưa kể, vụ việc còn kéo dài với hơn 40 nạn nhân bị Trang lừa đảo tổng cộng hơn 28 tỷ đồng.

 "Cô đồng bổ cau" Trương Thị Hương tại tòa. (Ảnh: Lê Tân)

Trước đó, ngày 12/9, sau hơn một ngày xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử TAND thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã tuyên phạt bị cáo Trương Thị Hương (còn gọi là “Cô đồng bổ cau”) 7 năm 3 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm 2023, Hương nổi tiếng trên mạng xã hội với các clip bói toán không có cơ sở. Khi bói toán, Hương thường xưng “cô”, vừa nói chuyện bổ cau, vừa nhận xét về căn quả của người khác với câu nói cửa miệng “đúng nhận, sai cãi”.

Trước khi bị khởi tố, Hương đã bị Công an thị xã Kinh Môn xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng do có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan.

Bên cạnh các vụ lừa đảo qua những nghi lễ tâm linh, một trong những hình thức phổ biến và ngày càng tinh vi là hoạt động kinh doanh vật phẩm phong thủy. Những sản phẩm như vòng đá phong thủy, bùa may mắn, hay các "hũ tài lộc" được rao bán với lời quảng cáo hoa mỹ, hứa hẹn mang lại sự giàu sang, sức khỏe, hoặc tình duyên thuận lợi. Các dịch vụ này, tuy không có cơ sở khoa học, lại được nhiều người tin tưởng và sẵn sàng bỏ tiền mua với hi vọng thay đổi vận mệnh của mình.

Thực tế cho thấy, mê tín dị đoan trên mạng xã hội không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng về mặt tinh thần, đạo đức và xã hội. Những người tham gia vào các hoạt động này, đặc biệt là những nạn nhân của các trò lừa đảo, thường rơi vào trạng thái lo lắng, hoang mang và thậm chí bị trầm cảm. Nhiều người mất thời gian, công sức để theo đuổi những hoạt động vô ích và trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

 Tràn lan các nhóm, hội liên quan đến hành vi mê tín dị đoan trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình: TL)

Bên cạnh đó, mê tín dị đoan còn ảnh hưởng đến tính minh bạch và văn minh trong xã hội. Những hành vi này không chỉ phản khoa khoa học mà còn cản trở sự phát triển của giáo dục và xã hội. Phía sau những hành vi mê tín dị đoan là việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết và sự hoang mang của người dân, đặc biệt là những người yếu thế hoặc đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Những nạn nhân này thường không có khả năng nhận diện rõ ràng các chiêu trò lừa đảo và dễ dàng trở thành đối tượng bị lợi dụng.

Một vấn đề nghiêm trọng khác là việc mê tín dị đoan còn có thể dẫn đến việc tiết lộ thông tin cá nhân, gây ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của người dân. Nhiều clip hoặc livestream về các nghi lễ tâm linh trực tuyến trên mạng xã hội đã lộ rõ mặt những người tham gia, đồng thời tiết lộ thông tin cá nhân như tên tuổi, hoàn cảnh gia đình, số điện thoại… Điều này tạo ra những nguy cơ mất an toàn cho các nạn nhân, khi thông tin cá nhân bị lạm dụng vào mục đích xấu hoặc lừa đảo.

Theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, việc xử lý các hành vi mê tín dị đoan đã được pháp luật quy định rõ ràng. Cụ thể, Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi lợi dụng mạng xã hội để truyền bá thông tin mê tín, dị đoan có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức và từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân. Ngoài ra, các đối tượng này còn phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả như buộc gỡ bỏ các thông tin sai sự thật hoặc vi phạm pháp luật.

Song song với những quy định về xử lý hành chính, các đối tượng tái phạm hoặc hành nghề mê tín dị đoan có tính chất nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 320 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, những người này có thể bị phạt tù lên đến 10 năm và bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng. “Điều này thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong việc triệt tiêu các hành vi mê tín dị đoan”, Luật sư Nguyễn Phú Thắng nhìn nhận.

Liên quan đến việc gia tăng các hành vi mê tín dị đoan trên không gian mạng, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, cần xây dựng, hoàn thiện những công cụ kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng mạng xã hội. Cần có một hệ thống giám sát hiệu quả để nhanh chóng phát hiện và xử lý các tài khoản, trang web, kênh video có hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan.

Các mạng xã hội cần có trách nhiệm trong việc kiểm soát và xử lý các tài khoản, nội dung vi phạm. Đặc biệt, cần áp dụng công nghệ hiện đại để phát hiện và ngăn chặn việc phát tán thông tin mê tín dị đoan. Khi một tài khoản hoặc trang web có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật, các nền tảng này cần hợp tác với các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

Đặc biệt, để giải quyết vấn nạn mê tín dị đoan, không chỉ cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan nhà nước mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ từ người dân và các nền tảng mạng xã hội. Trước hết, người dân cần nâng cao nhận thức về các nguy cơ từ các hành vi mê tín dị đoan và biết cách phòng tránh các chiêu trò lừa đảo. Mỗi người cần cảnh giác và không tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan, đồng thời tuyên truyền cho người thân và cộng đồng xung quanh về tác hại của hành vi mê tín dị đoan.

Các hành vi mê tín dị đoan trên mạng xã hội luôn tiềm ẩn những hệ lụy nghiêm trọng đối với cá nhân và xã hội. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các nền tảng mạng xã hội và người dân là điều kiện quan trọng để từng bước giải quyết vấn nạn mê tín dị đoan trên mạng xã hội. Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu cần có những biện pháp mạnh mẽ để xử lý các đối tượng lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi; đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của hành vi mê tín dị đoan. Chỉ khi tất cả các bên cùng hành động, xã hội mới có thể xây dựng được môi trường mạng lành mạnh, văn minh và an toàn./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực