|
Các chuyên gia nhà quản lý chia sẻ về đề tài phim lịch sử. |
Tại Hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” diễn ra ngày 9/11 tại Hà Nội, trong khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội lần VII các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về vấn đề này.
Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 với nhiều quy định cởi mở đã tạo hành lang thông thoáng phát triển thị trường điện ảnh trong các lĩnh vực sản xuất, phát hành, phổ biến phim. Việc quy định mở rộng đề tài, thể loại phim và thực hiện việc đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (không qua đấu thầu) đã tạo thuận lợi cho việc sáng tạo tác phẩm điện ảnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, quảng bá truyền thống dân tộc, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam; khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nghệ sĩ và doanh nghiệp sản xuất phim…
Thế nhưng dường như những nút thắt về cơ chế đã được cởi nhưng từ đó cho tới nay chúng ta thấy có rất ít phim về đề tài lịch sử khi trình làng gây được hiệu ứng, thu hút được đông khán giả tới xem, mang lại doanh thu cao. Theo báo cáo hiện nay mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 40 phim nhưng chủ yếu vẫn là dòng phim tâm lý xã hội, hài…phim đề tài lịch sử vẫn rất thưa vắng.
Nhiều người lý giải rằng làm phim về đề tài lịch sử khô, khó, khổ nên ít nhà làm phim dám dấn thân, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng nên chất lượng vừa phải. Nhiều người lại đổ tại thị hiếu của công chúng hiện nay nhất là giới trẻ không mấy mặn mà dẫn tới tâm lý lo ngại và những rào cản cho các nhà làm phim…
|
Hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học”. |
Thế nhưng phải chăng đây chỉ là cái cớ. Nhìn lại lịch sử điện ảnh Việt Nam, dù cho những năm tháng còn khó khăn nhưng chúng ta đã có những bộ phim đề tài lịch sử sống mãi cùng thời gian, trở thành biểu tượng cho điện ảnh Việt Nam một thời như:Bao giờ cho tới Tháng Mười, Sao tháng 8, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Long Thành cầm giả ca. Thời gian gần đây dù ít nhưng cũng đã có những phim lịch sử bước đầu đem lại nhiều cảm xúc cho khán giá như: những người viết huyền thoại, Mùi cỏ cháy, Đào phở và piano…
Khảo sát lượt truy cập và tìm kiếm thị hiếu về phim của giới trẻ hiện nay cũng cho thấy họ rất thích xem phim dã sử, cổ trang của nước ngoài. Phải chăng chính sự công phu, trong sản xuất, hấp dẫn trong nội dung đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này? Vậy tại sao đối với phim lịch sử Việt Nam công chúng, nhất là giới trẻ lại không mấy mặn mà? Câu trả lời chỉ có thể là chúng ta chưa làm được những bộ phim đề tài lịch sử hất dẫn, công phu, chất lượng…thu hút khán giả như phim lịch sử nước ngoài mà thôi.
Chia sẻ về vấn đề này bà Đinh Thị Thanh Hương, Chủ tịch Điều hành Hội đồng Quản trị Galaxy Studio cho biết: Nhiều khảo sát cho thấy nhiều phim đề tài chuyển thể từ tác phẩm văn học, phim đề tài lịch sử rất được khán giả quan tâm. Tuy nhiên, đối với nhà làm phim Việt, đây vẫn là những mảng đề tài còn gặp nhiều khó khăn, thách thức…
Thực tế nhiều nhà làm phim vẫn luôn "ôm ấp" những dự án phim chuyển thể, phim về đề tài lịch sử, bởi đây là những đề tài hay, hấp dẫn, thế nhưng các nhà làm phim vẫn còn rất mơ hồ trong việc khai thác và chuyển thể những sự kiện lịch sử đưa vào phim sao cho không bị khô cứng…Một trong những nguyên nhân khiến các phim lịch sử thưa vắng hiện nay chính là so với các thể loại phim khác thì phim lịch sử khi trình làng thường bị “soi” kỹ hơn đã “bó tay, bó chân” nhà làm phim.
Bên cạnh đó các đạo diễn, nhà sản xuất cũng cho rằng những khó khăn trong việc đầu tư cho phim lịch sử, vừa tốn kém vừa mang tính rủi ro cao, là những rào cản cơ bản khiến phim lịch sử thiếu vắng trong nền điện ảnh Việt Nam hiện đại.
Để giải quyết được những trăn trở này theo các nhà làm phim, các đạo diễn cần phải có thêm những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để phim về đề tài lịch sử, có cơ hội phát triển. Theo đó, việc dự kiến tăng thuế VAT đối với sản phẩm văn hóa, thể thao đang là một trong những cản trở lớn đối với sự phát triển của điện ảnh.
Nhà sản xuất Trinh Hoan (HKFilm) cho rằng, đề xuất tăng thuế lên 10%, với điện ảnh là điều không hợp lý. Làm phim về đề tài lịch sử vốn dĩ đã vô vàn khó khăn. Khó đầu tiên là tạo dựng bối cảnh rất tốn kém. Khó thứ 2 là sự quan tâm của công chúng, làm sao để thu hút công chúng mà vẫn phải đảm bảo tính lịch sử, tính sáng tạo. Khó nữa là thuyết phục các nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền khi mà làm phim lịch sử vừa tốn kém, vừa khó khăn rủi ro cao hơn nhiều so với phim đề tài hiện đại, đầu tư ít hơn nhưng lại lấy lại vốn dễ hơn….
Chưa bao giờ chúng ta có được thị trường phim Việt sôi động như hiện nay. Theo thống kê hiện phim Việt chiếm 50% thị trường điện ảnh trong nước. Nền điện ảnh Việt Nam cũng là nền điện ảnh có sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid- 19 ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Thế nhưng làm thế nào để cân đối được giữa các đề tài đặc biệt là đề tài phim lịch sử vừa phong phú, vừa hấp dẫn công chúng? Câu trả lời phải chăng nằm ngay ở trong các nhà sản xuất phim? Liệu họ có dũng cảm vượt qua được nỗi sợ hãi mơ hồ của chính mình về dòng phim đầy triển vọng nhưng cũng đầy thách thức này?
Để Điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn như định hướng của Đảng và Nhà nước, phải chăng ngoài việc khắc phục những nguyên nhân trên chúng ta cần phải có những thay đổi về nhận thức, hội nhập và học tập kinh nghiệm các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là các nhà làm phim phải tự vượt qua nỗi sợ hãi, ngần ngại của chính mình, phải dũng cảm đương đầu với thử thách, tận hiến để hồi sinh và thắp sáng dòng phim đầy tính nhân văn và giáo dục này.