|
Người dân Mỹ đi bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. (Ảnh: AA) |
Người dân Mỹ không trực tiếp bỏ phiếu bầu Tổng thống
Dự kiến có khoảng 244 triệu cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu trong ngày 5/11. Tuy nhiên không phải ứng viên nào giành được hơn một nửa số phiếu bầu của số cử tri nói trên giành được chiến thắng.
Về bầu cử Tổng thống Mỹ, có hai khái niệm được nói đến là “phiếu phổ thông” và “phiếu đại cử tri”. Lá phiếu của cử tri gọi là lá phiếu phổ thông chỉ có nhiệm vụ chọn ra đại diện cử tri hay còn gọi là “đại cử tri”. Đại cử tri là các cá nhân được lựa chọn để đại diện cho từng bang bỏ phiếu bầu Tổng thống. Phiếu bầu của đại cử tri mới là lá phiếu trực tiếp bầu ra Tổng thống Mỹ.
Điều này đã được quy định trong Hiến pháp Mỹ và áp dụng từ năm 1787. Ứng viên đắc cử cần nhận được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri, để chiến thắng trong cuộc bầu cử, chiếm đa số trong tổng số 538 phiếu đại cử tri.
Mỗi bang ở Mỹ được phân chia số lượng đại cử tri dựa trên số lượng nghị sĩ của bang này trong quốc hội liên bang.
Cụ thể, mỗi bang được phân số đại cử tri bằng tổng số thượng nghị sĩ và dân biểu của bang đó. Trong khi số thượng nghị sĩ luôn cố định là 2 người đối với tất cả 50 bang và thủ đô Washington D.C thì số dân biểu mỗi bang lại thay đổi theo từng năm và phụ thuộc vào dân số bang.
Chẳng hạn, bang California (bang đông dân nhất nước Mỹ) có dân số gần 39 triệu người và được phân 52 dân biểu. Do đó, bang này được chia tổng cộng 54 phiếu đại cử tri. Trong khi đó, 6 bang ít dân cư nhất và thủ đô Washington chỉ có ba phiếu đại cử tri.
Do biến động dân số, số lượng đại cử tri phân bổ cho từng bang có thể thay đổi qua các mùa bầu cử. So với năm 2020, năm nay có 13 bang tăng hoặc giảm phiếu đại cử tri.
Tại mỗi bang, ứng cử viên nào giành được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn sẽ nghiễm nhiên sở hữu toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Chẳng hạn, bang Pennsylvania được phân bổ 19 phiếu đại cử tri, nếu ông Donald Trump hoặc bà Kamala Harris, ai giành được nhiều phiếu phổ thông nhất ở bang này sẽ giành toàn bộ 19 phiếu đại cử tri, trong khi người kia không được gì.
Các đại cử tri không được phép tự do bầu cho ứng viên mình yêu thích. Thay vào đó, toàn bộ đại cử tri của một bang phải bầu cho ứng viên đã nhận được đa số phiếu phổ thông tại bang đó. Nếu đi ngược lại nguyện vọng của cử tri phổ thông, đại cử tri đó được gọi là "bất tuân".
Quá trình bỏ phiếu, kiểm phiếu kéo dài nhiều ngày
Bầu cử Tổng thống Mỹ gồm hai loại phiếu là phiếu bầu trực tiếp tại các điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử và phiếu bầu vắng mặt hoặc được gửi qua đường bưu điện. Do vậy, việc thông báo kết quả có thể chậm hơn dự kiến tùy vào tiến độ kiểm phiếu tại từng tiểu bang.
Ở Mỹ, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm cũng khá cao. Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 chính thức diễn ra vào ngày 5/11/2024. Tuy nhiên, theo Phòng nghiên cứu bầu cử tại Đại học Florida, tính đến ngày 3/11/2024, hơn 75 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm để bầu Tổng thống. Trong đó, gần 41 triệu người trực tiếp đến các điểm bỏ phiếu và hơn 34 triệu người chọn gửi phiếu bầu qua thư.
Ngày 3/11, Hội đồng bầu cử bang North Carolina thông báo đã có hơn 4,2 triệu cử tri tại bang này đi bỏ phiếu sớm, đánh dấu kỷ lục mới và vượt qua con số ghi nhận năm 2020. Bầu cử sớm, kết thúc vào ngày 2/11 vừa qua, đã trở thành lựa chọn phổ biến trong nhiều chu kỳ bầu cử tại bang "chiến địa" này. Người dân có thể đồng thời đăng ký và bỏ phiếu tại các điểm bầu cử sớm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền công dân.
Trong khi đó, mỗi bang của Mỹ đều có những quy định khác nhau về cách thức kiểm phiếu, vì vậy việc công bố kết quả có thể chậm hơn vài ngày so với dự kiến. Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, nước Mỹ công bố chiến thắng của Tổng thống Joe Biden sau ngày bầu cử chính thức 5 ngày, đánh dấu lần tuyên bố kết quả lâu nhất kể từ năm 2000.
Việc bỏ phiếu qua thư rất phổ biến ở nhiều bang, trong đó có bang Arizona. Trong cuộc bầu cử năm 2020, gần 90% cử tri của bang này đã bỏ phiếu sớm và hầu hết là bỏ phiếu qua thư. Tại bang này, các quan chức phụ trách bầu cử thường bắt đầu kiểm phiếu bầu qua thư sau khi nhận, tuy nhiên chỉ công bố kết quả sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa khoảng một giờ đồng hồ.
Trong khi đó, tại bang Georgia, các nhân viên phải đợi đến ngày bầu cử mới được tiến hành kiểm phiếu. Tại bang Michigan, ở các khu vực có hơn 5.000 cử tri, việc bắt đầu xử lý và kiểm phiếu bầu qua thư được thực hiện trước ngày bầu cử 8 ngày. Phiếu bầu từ cử tri ở nước ngoài và quân đội sẽ được chấp nhận trong vòng ba ngày sau cuộc bầu cử nếu có dấu bưu điện trước ngày 5/11/2024.
Nếu không xảy ra tranh chấp trong quá trình kiểm phiếu, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ được xác định không lâu sau ngày bỏ phiếu. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp, người Mỹ sẽ phải đợi đến ngày kiểm phiếu đại cử tri (6/1/2025) mới biết chính xác ai đắc cử Tổng thống Mỹ.
Dự kiến ngày 17/12/2024, các đại cử tri sẽ họp tại các tiểu bang tương ứng của họ để bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống. Vào ngày 6/1/2025, Phó Tổng thống chủ trì cuộc kiểm phiếu đại cử tri tại phiên họp chung của Quốc hội, sau đó công bố kết quả và tuyên bố người trúng cử. Vào ngày 20/1/2025, lễ nhậm chức của tân Tổng thống và Phó Tổng thống sẽ diễn ra. Tại buổi lễ, Tổng thống và Phó tổng thống sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức./.