Để hàng Việt "cất cánh"

Thứ sáu, 22/11/2024 08:56
(ĐCSVN) - Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, với các hệ thống bán lẻ nội địa liên tục gia tăng, cùng việc mở rộng mô hình kinh doanh, với một lượng lớn sản phẩm Việt chiếm lĩnh các kệ hàng. Người tiêu dùng cũng ngày càng tin tưởng vào chất lượng và sự đa dạng của hàng Việt. Tuy nhiên, để hàng Việt thực sự "cất cánh", còn cần những yếu tố quyết định liên quan đến cải tiến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chiến lược phát triển bền vững.

Tạo dựng lòng tin đối với hàng Việt

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi và mức sống người dân ngày càng cải thiện, thị trường bán lẻ Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng tăng trưởng không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn trên thế giới. Theo các số liệu Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy sức mua của người dân vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định.

 Theo các số liệu Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023.

 Các doanh nghiệp bán lẻ lớn như BRG, Aeon, WinCommerce (chuỗi WinMart, WiN), đều đã mở rộng quy mô hệ thống của mình. Các điểm bán của FujiMart hay Aeon liên tục gia tăng, hướng đến các khu vực chưa được khai thác triệt để, đặc biệt là các tỉnh, thành phố ngoài các đô thị lớn. Cụ thể, Aeon Việt Nam đã khai trương trung tâm thương mại Aeon Tân An tại tỉnh Long An và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng các điểm bán trong năm 2024. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ nội địa còn nhiều dư địa để phát triển.

Để phát triển mạnh mẽ hơn, các hệ thống bán lẻ còn phải làm tốt hơn nữa trong việc cải tiến chất lượng dịch vụ và quản lý chuỗi cung ứng, từ đó đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mặt khác, với sự gia tăng thu nhập và mức chi tiêu tiêu dùng, các chuỗi bán lẻ có thể đẩy mạnh phát triển hàng Việt để đáp ứng nhu cầu nội địa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để hàng Việt "cất cánh".

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm nhập khẩu, việc xây dựng lòng tin đối với hàng Việt là yếu tố không thể thiếu. Một trong những chiến lược quan trọng giúp hàng Việt chiếm lĩnh thị trường là việc gia tăng tỷ lệ hàng Việt trên các kệ hàng tại các siêu thị và trung tâm thương mại.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trên các kệ hàng của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở thành thị và nông thôn, hàng Việt hiện chiếm khoảng 85-90%. Điều này phản ánh sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân, khi họ ngày càng tin tưởng vào chất lượng và giá trị của sản phẩm trong nước. Các hệ thống bán lẻ nội địa, như Co.opmart, WinMart, hay BRG Retail, đã nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi cho hàng Việt thông qua các chính sách ưu tiên và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Cũng trong chiến lược nâng cao giá trị hàng Việt, các doanh nghiệp cần tập trung cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã và giá cả. Thực tế, mặc dù hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng đón nhận, nhưng vẫn còn một số sản phẩm gặp phải vấn đề về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ chưa rõ ràng. Điều này yêu cầu các nhà sản xuất phải cải thiện quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, và đặc biệt là phát triển sản phẩm theo hướng xanh và bền vững. Các nhà bán lẻ cần chú trọng đến việc cung cấp thông tin minh bạch về sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Việc thúc đẩy hàng Việt phát triển bền vững cần có một chiến lược đồng bộ và dài hạn. Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân trong một buổi hội thảo về chiến lược phát triển ngành bán lẻ tổ chức vào tháng 10/2024 cho rằng: "Để hàng Việt vươn lên, cần có một chiến lược toàn diện, từ nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đến phát triển hệ thống phân phối hiện đại và đẩy mạnh chuyển đổi số. Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia và khuyến khích xuất khẩu."

Phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các phương thức truyền thống sang bán hàng trực tuyến. Các hệ thống bán lẻ lớn như Aeon, WinCommerce, đang chú trọng phát triển thương mại điện tử, với kỳ vọng rằng các kênh bán hàng trực tuyến sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu bán lẻ của các năm tới. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với khách hàng ở các khu vực xa xôi mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ nội địa gia tăng tỷ lệ hàng Việt trong kênh phân phối.

 Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling VN chia sẻ với báo chí tại Hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024 – Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu” do Amazon Global Selling Việt Nam phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức: "Điểm mạnh của doanh nghiệp Việt Nam khi bán hàng trên Amazon đó là sự năng động, sôi nổi hàng đầu trong khu vực. Chính điều này góp phần làm cho số lượng doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng tăng, cũng như có kỹ năng ban đầu nhất định để nhập cuộc nhanh.

 Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling VN chia sẻ với báo chí tại Hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024 – Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu” do Amazon Global Selling Việt Nam phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức.

Theo đại diện của WinCommerce chị Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc WinCommerce chia sẻ, công ty đang tập trung vào chiến lược cạnh tranh bằng cách giảm giá và gia tăng tỷ lệ sản phẩm mang nhãn hiệu riêng, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, và phát triển nền tảng thương mại điện tử là những yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp bán lẻ trong nước mở rộng thị trường và thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt.

Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, tối ưu hóa quy trình giao dịch và phát triển các kênh bán hàng trực tuyến hiệu quả. Mặt khác, người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi khi có thể dễ dàng tiếp cận hàng hóa trong nước với mức giá cạnh tranh và chất lượng tốt.

Kinh doanh bền vững và phát triển xanh

Trong bối cảnh thị trường ngày càng trở nên khắt khe, đặc biệt là khi người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các yếu tố bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng hóa cần chú trọng đến yếu tố bền vững và phát triển xanh. Được sự ủng hộ của người tiêu dùng, các doanh nghiệp Việt cần chú trọng đến việc áp dụng công nghệ xanh, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, và giảm thiểu lượng phát thải carbon.

Chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh và bền vững sẽ giúp hàng Việt không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra thế giới, đặc biệt là đến những thị trường khó tính như châu Âu và Nhật Bản. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất và bao bì sản phẩm sẽ giúp hàng Việt gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến sẵn và thủy sản.

Một yếu tố không thể thiếu trong quá trình phát triển của hàng Việt là sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức trong nước. Các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, như giảm thuế, hỗ trợ vốn vay, hay tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, sẽ giúp các doanh nghiệp nội địa có thêm cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hàng Việt cũng cần được triển khai mạnh mẽ để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về giá trị của hàng hóa trong nước.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để hàng Việt phát triển mạnh mẽ, ngoài việc gia tăng tiêu thụ trong nước, các doanh nghiệp cần chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu mạnh mẽ, tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm và dịch vụ. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần đi đôi với các sáng kiến từ doanh nghiệp để phát triển hệ thống phân phối, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước.

Để hàng Việt "cất cánh" và chiếm lĩnh thị trường nội địa và quốc tế, các yếu tố như phát triển hệ thống phân phối, tăng cường chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, và chiến lược phát triển bền vững là vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất, tận dụng các cơ hội từ thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh các sáng kiến phát triển xanh. Cùng với đó, sự hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ là nền tảng vững chắc giúp hàng Việt phát triển bền vững trong tương lai./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực