Chợ Hà Nội - góc nhìn dân sinh và kinh tế

Thứ hai, 19/11/2018 13:05
(ĐCSVN) – Cùng với nhịp sống phát triển hiện đại và hối hả, hàng loạt các khu trung tâm thương mại cao cấp, hệ thống siêu thị và các cửa hàng bách hóa, các siêu thị mini ra đời, những khu chợ dân sinh Hà Nội đang dần dần bị thu hẹp và khả năng bị thay thế rất cao.

Tuy nhiên, nhìn ở một góc nhìn khác, Hà Nội được biết đến là một thủ đô xen lẫn giữa nét cổ kính và hiện đại. Trong đó, góp phần vào việc làm nên sự đặc biệt của Thủ đô có một phần không nhỏ của các khu chợ dân sinh truyền thống.

Chợ truyền thống – nét văn hóa đặc trưng của người Việt

Chợ luôn gắn bó và gần gũi trong từng nhịp thở cuộc sống,
gợi nhớ không khí sinh hoạt cộng đồng thời xưa (Ảnh: P.V)

Chợ truyền thống hay thường được gọi là “chợ dân sinh” là nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống và đồ dùng dân dụng, đã quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Đây cũng thường là nơi đầu tiên người ta có thể tìm thấy các sản phẩm địa phương, cũng như có được bức tranh văn hoá sinh hoạt của người dân nơi đó.

Với người Việt Nam, đi chợ không chỉ là để mua bán, mà còn để giao lưu trao đổi câu chuyện và văn hoá giữa các nhóm khác nhau. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hoá chóng mặt, các chợ truyền thống này đang dần bị thay thế bởi các chuỗi cửa hàng tiện lợi và các siêu thị, khiến khu vực đô thị cũng mất dần những yếu tố văn hoá này.

Trao đổi với chúng tôi, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, chợ truyền thống từ xa xưa đã luôn được bố trí tại các địa điểm giao thông thuận tiện để thu hút khách hàng, thuận tiện cho mua bán. Giờ đây, trong thời kỳ kinh tế thị trường mở cửa, chợ đang kẹt ở giữa những mong muốn của các nhà đầu tư nhưng lại hờ hững với việc đầu tư thực sự. Do đó, nhiều chợ hoạt động cầm chừng.

“May mắn là thành phố đã nhận ra thực trạng trên và đồng ý tiếp tục duy trì chợ dân sinh. Nhưng những chợ được giữ lại cũng đang đứng trước thách thức không biết là nên hiện đại hóa bằng cách nào?”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho hay.

Mô hình nào cho chợ dân sinh trong bối cảnh mới?

Tìm kiếm mô hình mới cho chợ truyền thống trong bối cảnh hiện đại là phù hợp với xu thế phát triển
(Ảnh: P.V)

Một mô hình mới đang là câu hỏi khó do chưa được nghiên cứu bài bản. Bản thân các kiến trúc sư cũng như các chuyên gia nước ngoài quan tâm tới chợ dân sinh, chợ truyền thống của Việt Nam cũng đang tìm mọi cách để giải quyết vấn đề này.

Nhiều ý kiến đồng tình rằng, với vấn đề này, cần những cách tiếp cận có tính nhân văn, chú ý thật sâu sát đến nhu cầu mua bán của người dân cũng như sự sáng tạo của các nhà nghiên cứu hay các kiến trúc sư, từ đó giúp cải thiện được không gian chợ với chi phí thấp mà vẫn duy trì được hoạt động, không bị gián đoạn, nhưng có thể nâng cấp từng bước một, chuyển đổi mô hình thương mại phù hợp với những điều kiện kinh doanh cũng như sản xuất, sinh hoạt của người dân không ngừng nâng cao.

Chợ không đơn thuần chỉ là nơi mua bán mà khi nghiên cứu nó phải để ý đến nhiều vấn đề như giao thông, làm thế nào để đi đến an toàn, tăng cường việc đi bộ, tránh xung đột giữa giao thông cơ giới với đi bộ hay xe đạp ngay trong chợ… Mỗi chợ đều gắn với nơi chốn của một khu dân cư có tính văn hóa, cộng đồng.

Chợ, ngoài chức năng phát triển kinh tế dân sinh thì cũng phải là địa điểm trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng thu hút được lối sống mới trong đô thị trong quá trình đô thị hóa, có văn minh thương mại và văn hóa ứng xử trong sinh sống và kinh doanh, tạo nên một nét “văn hóa kẻ chợ” trong thế kỷ 21.

Khi đi tìm hiểu về đề tài chợ Hà Nội, chúng tôi có dịp gặp gỡ một số chuyên gia quốc tế, trong đó có ông Steve Davies, đồng sáng lập và Phó Chủ tịch điều hành Tổ chức Project for Public Spaces (PPS – Hoa Kỳ). Đồng quan điểm với việc cần phải bảo tồn chợ nhưng phát triển phù hợp với thực tiễn hiện tại, ông Steve Davies đã chia sẻ kinh nghiệm tại nước Mỹ, hệ thống chợ truyền thống đã bị khai tử từ những năm 1950 và thay thế hoàn toàn bằng các siêu thị hiện đại và tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, hiện nay, chính người Mỹ lại đang cố gắng để mở lại các khu chợ ngày xưa, vì những lợi ích mà họ đã bị bỏ qua. Theo thời gian, họ đã nhận ra việc quan trọng của những khu chợ như là một không gian công cộng, một nơi quảng bá sản phẩm địa phương, hay đơn giản là một không gian mang lại sinh khí cho những khu dân cư xung quanh thông qua các hoạt động và sự kiện cộng đồng. Không những thế, những khu chợ có thể tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm tiểu thương và những người làm việc liên quan, góp phần thúc đẩy các mô hình kinh tế nhỏ lẻ của vùng.

Với những bài học quý giá từ quốc tế, để bảo tồn, duy trì cũng như phát triển những nét văn hoá chợ rất riêng của Việt Nam, mới đây, tổ chức Health Bridge phối hợp cùng Hội kiến trúc sư Hà Nội và tổ hợp sáng tạo kiến trúc - xây dựng - nghệ thuật AGOhub tổ chức dự án nghiên cứu “Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội”.

Theo đó, dự án nghiên cứu chuyên sâu về 03 khu chợ đang sắp được nâng cấp của thành phố Hà Nội, với nhiều tiềm năng phát triển không chỉ về kinh tế, mà còn hướng đến các tiềm năng về việc phát triển thêm các không gian công cộng, cũng như tiềm năng kết nối du lịch cho khu vực gồm: Chợ Châu Long có vị trí đắc địa giữa quận Ba Đình, dễ tiếp cận đến các địa điểm du lịch và các khu cư trú của khách du lịch. Chợ Châu Long còn có một mặt hướng ra hồ Trúc Bạch và chưa được phát huy tiềm năng này; chợ Ngọc Lâm nằm ngay phía dưới chân cầu Long Biên, kết nối với chợ ẩm thực Ngọc Lâm ven sông Hồng. Chợ Ngọc Lâm hoàn toàn có điều kiện để phát huy hơn nữa ngoài chức năng chính là phục vụ nhu cầu dân sinh trong khu vực; Chợ Hạ - Mê Linh nằm trên trục di chuyển từ sân bay về trung tâm thành phố Hà Nội, kết nối chặt chẽ với Đền thờ Hai Bà Trưng - khu vực chợ Hạ với nhiều dấu ấn đậm nét về một khu chợ quê truyền thống là niềm cảm hứng để thiết kế và quy hoạch một điểm đến thú vị cho người dân Hà Nội, cũng như khách du lịch.

Trong suốt dự án, các kiến trúc sư không chỉ được làm việc về đưa ra những thiết kế giúp khu chợ trở nên hấp dẫn hơn, mà còn được đi sâu nghiên cứu về mối liên hệ của cộng đồng xung quanh đối với khu chợ, như: việc dễ dàng tiếp cận dành cho người tàn tật và người già, cũng như đưa ra các đề xuất để giúp các tiểu thương dễ dàng giữ vệ sinh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như vận hành gian hàng được hiệu quả. 

Thực tế hiện nay, các chợ thực phẩm này đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề: sự hiện đại hóa ở một đất nước là một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới; sự thiếu hiểu biết về những giá trị mà chợ mang lại cho thành phố, và tại sao đó sẽ là sự đầu tư rất đáng giá; sự phát triển mới tràn lan có thể thấy ở khắp nơi trên thế giới; việc bảo trì kém và vệ sinh an toàn thực phẩm, và thực tế là người dân có quá nhiều sự lựa chọn từ những người bán hàng rong đứng trên khắp các góc phố lớn nhỏ cho đến những siêu thị và đại siêu thị đang ngày càng phát triển về số lượng.

“Các khảo sát về nhu cầu tiêu dùng của người dân ở chợ và siêu thị cho thấy, chợ có thể cạnh tranh với siêu thị, nhưng cần phải cải tạo chợ. Phần lớn những cải tạo này là những vòm mái chợ đẹp để bảo vệ người bán và người mua trước điều kiện thời tiết, sàn chợ phải dễ làm sạch, những quầy hàng có nhiều chức năng hơn cho người bán và cơ sở hạ tầng và tiện ích tốt hơn. Phần nhiều những điều cần phải làm thuộc về bảo trì đang bị “chậm trễ”, khiến các khu chợ dần bị xuống cấp. Đã đến lúc cần những cam kết nghiêm túc tái đầu tư cho các khu chợ” - chuyên gia Steve Davies đề xuất.

Ông Steve Davies tâm sự: "Khi bước xuống bất cứ con phố lớn nào ở Hà Nội, tôi đều có cảm giác dường như đó là một cái chợ. Về những chợ thực phẩm chính thức, tôi đã đến thăm khoảng trên 12 chợ, có thể hơn. Mới đầu, tôi chỉ cố gắng nắm bắt được cảm giác về chợ, đánh giá điều kiện của các khu chợ, nói chuyện với người bán hàng và những người quản lý, tìm hiểu các khu chợ hoạt động như thế nào. Sau đó tôi đến thăm những chợ đã được cải tạo một phần. Tôi cảm thấy có thể học được điều gì đó từ mỗi khu chợ. Tôi đến thăm chợ Hàng Da, là một ví dụ rõ ràng về sự thất bại và thật ngạc nhiên là chợ vẫn còn mở. Các chợ thực phẩm cần được hiện đại hóa, nhưng điều đó không có nghĩa là phải bị biến thành các trung tâm thương mại hoặc đưa xuống tầng hầm của một trung tâm thương mại. Trên thế giới, người ta hiện đại hóa các khu chợ với những kết cấu, hạ tầng, tiện ích điện nước, quầy hàng và tiện ích cho khách hàng. Nhưng đó vẫn phải là những khu chợ và giữ được các chức năng hoạt động cơ bản và bản sắc. Đó chính là sự hiện đại hóa đã bắt đầu xuất hiện ở thành phố này, nhưng cần phải nhiều hơn nữa".

Thiết nghĩ, cùng với sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng hiện đại, vẫn cần giữ lại một số chợ truyền thống điển hình nhưng có cải tiến cho phù hợp với yêu cầu của nhịp sống hiện đại, đó vừa là cách bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc sắc vừa là cách để thích nghi phát triển bền vững mô hình chợ trong bối cảnh hiện nay./.

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực