Mạn đàm về vụ clip nữ sinh Hà Nội đánh nhau

Thứ năm, 18/03/2010 00:18

(ĐCSVN) – Vụ clip nữ sinh Hà Nội đánh nhau trước sự chứng kiến của nhiều nữ sinh khác đã gây xôn xao trong dư luận những ngày qua. Đến nay, những nhân vật chính trong video clip này đã “hiện diện” trước cơ quan điều tra…

 

 Các nữ sinh đánh nhau 
đã gây xôn xao trong xã hội thời gian qua.
Ảnh chụp từ video clip

Tại cơ quan điều tra, Tường Vi – cô gái đã đánh bạn trước sự chứng kiến của nhiều người tỏ ra khá dạn dĩ, thậm chí cô còn cho biết: “Đánh thế chưa ăn thua gì so với đánh ở ngoài đời” và “Tội của em đến đâu thì em chịu đến đấy, cùng lắm là đi tù”.

Tường Vi có hoàn cảnh bố mẹ bỏ nhau, cô học võ từ bé và thường chơi với con trai nên thấy chuyện đánh đấm là bình thường. Còn Quỳnh Anh, nhân vật bị đánh trong video clip đã giấu gia đình về sự việc kể trên. Chỉ đến khi công an đến nhà, bố mẹ Quỳnh Anh với biết sự việc.

Trong khi đó, người post đoạn video này lên mạng lại là một cô bé, con của một cán bộ công an.

Vào trang web Google đánh chữ: “nữ sinh đánh nhau” trong vòng 0,15 giây cho kết quả: 3.130.000 bài viết, ảnh hoặc video clip có cùng chủ đề. Con số này thể hiện điều gì ? Phải chăng các vụ việc “nữ sinh đánh nhau” không phải là chuyện lạ trên mạng, việc này phải chăng đã quá đỗi bình thường với cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ. Thậm chí nhiều em học sinh còn bắt chước làm theo như là một thú vui để thể hiện mình...

Có thể, chính vì thế mà rất nhiều nữ sinh đã “hồn nhiên” chứng kiến cảnh bạn mình bị đánh và người khác đánh bạn mình mà không hề có bất cứ sự can thiệp nào. Trong khi đó lại có kẻ đem hết công phu để quay lại những hình ảnh đó nhằm đưa lên mạng.

Sự việc đến đây đã kết thúc khi cơ quan điều tra xác định được danh tính của những nữ sinh có liên quan. Nhưng dư luận vẫn còn lo lắng khi những hành vi như thế này đã từng và vẫn có nguy cơ còn xảy ra. Câu hỏi về giáo dục đạo đức trong học đường một lần nữa vẫn còn nguyên tính thời sự. Sự việc vốn chỉ xảy ra ở một tập thể của một trường trung học, nhưng khi nó đã xảy ra thì hậu quả và dư âm không chỉ giới hạn ở một địa phương, một khu vực.

Trong sự việc này, cái mà người lớn cần nhìn nhận, cái mà các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục và những người làm công tác xã hội đều có thể nhìn ra một thực tế: Tại sao những đứa trẻ lại ưa bạo lực và chấp nhận việc bạo lực như một điều hiển nhiên ? Có lẽ câu trả lời nằm chính ở người lớn khi các trò chơi điện tử đầy tính bạo lực ngày đêm lôi cuốn các em; việc gia đình ly tán, bố mẹ mải mê làm ăn buôn bán mà chưa dành thời gian quan tâm đúng mức cho con trẻ và một phần trách nhiệm nằm ở chính sự giáo dục của nhà trường.

Đến đây, câu chuyện có thể tạm thời lắng xuống, nhưng khi đã tìm ra thủ phạm và các nhân chứng, liệu nhà trường và các cơ quan chức năng có thể đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng hay không ? Chúng ta sẽ giáo dục các em như thế nào, và chúng ta sẽ làm gì để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường tiếp diễn ?

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực