Thị trường nông thôn đang khát hàng Việt

Thứ ba, 09/03/2010 14:41

 
Ảnh minh họa

(ĐCSVN)
- Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã được tổ chức ở hàng chục điểm, nhất là ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia, ở đâu cũng được hoan nghênh.

Các “hội chợ” nhằm giới thiệu và tiêu thụ hàng Việt Nam chất lượng cao này không có qui mô thật hoành tráng, không có các chiêu quảng cáo hấp dẫn nhưng vẫn thu hút được khách mua, chủ yếu là khách nông dân trước hết là vì có hàng thật và rẻ. Đã từ lâu, nông thôn nước ta trở thành nơi tiêu thụ gần như bắt buộc các loại hàng hoá Trung Quốc kém chất lượng, có nhiều chất độc hại, lỗi mốt hoặc đã quá thời hạn sử dụng. Các loại hàng hoá này thường không rõ nguồn gốc, phần nhiều là hàng công nghiệp địa phương, nhập lậu vào nước ta vì vậy giá rẻ hơn rất nhiều những hàng hoá cùng loại nhưng do chất lượng kém, không an toàn nên rẻ mà thành đắt. Tuy biết vậy nhưng dân cư nông thôn vẫn buộc phải mua, buộc phải dùng, biến đây thành một thị trường dễ tính khổng lồ của nước ngoài. Thử làm một con tính, nếu mỗi người dân ở nông thôn mỗi năm mua một chiếc quần hoặc chiếc áo may sẵn của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thôi thì mỗi năm, các doanh nghiệp này đã tiêu thụ được 65 triệu sản phẩm. Nhưng thật tiếc, con số đó hiện nay là dưới 10 triệu còn gần 100 triệu sản phẩm là của nước ngoài. Không chỉ quần áo may sẵn mà giày dép, áo mưa, trái cây, thực phẩm chế biến, thuốc lá cũng tương tự như vậy. Về Đồng bằng sông Cửu Long, có thể gặp gạo, đường, trái cây, thuốc lá, kem đánh răng, bàn chải… Căm-pu-chia, Thái Lan, Trung Quốc tràn ngập các chợ. Người ta tính, riêng hàng nhập lậu được nông dân tiêu thụ mỗi năm ước khoảng 10 tỷ USD trong khi giá trị gạo xuất khẩu cả năm của nước ta mới đạt 2 tỷ USD.

Mất chỗ đứng trên sân sau của mình có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân hàng đầu là các doanh nghiệp trong nước không tích cực tiếp thị về nông thôn, thiếu những mặt hàng phù hợp với nông thôn, những cơ chế phù hợp với người nghèo, người ít tiền, người chưa tiếp xúc nhiều với thị trường. Qua hai chục phiên chợ (thực chất của các hội chợ) ở các tỉnh vùng biên giới Nam Bộ, gần 60% bà con nông dân vui mừng vì lần đầu tiên được biết đến thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, được tặng hoặc mua về với giá rẻ để dùng thử. Theo kết quả một cuộc điều tra, 40% số người này đã mua trở lại hàng Việt Nam vào lần sau. Trong quan hệ mua bán, thái độ của người bán hàng vô cùng quan trọng. Cũng theo phản ánh của người dân tại một số chợ vùng biên tỉnh An Giang, Tây Ninh, chỉ có 45% nhân viên bán hàng của các doanh nghiệp nhà nước để lại nhiều thiện cảm trong khi nhân viên ở các doanh nghiệp khác được bà con khen ngợi nhiều.

Còn rất nhiều vấn đề đặt ra nhưng sau 6 tháng “mở đường về nông thôn”, nhưng ấn tượng về thị trường này với các doanh nghiệp là tích cực. Vào nông thôn không khó như người ta tưởng, nông thôn cần hàng Việt Nam hơn người ta tưởng. Phải chăng đây là phát hiện mới ngay cả với nhiều người từng gắn bó với thị trường này./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực