Về một bài viết bóp méo sự thật lịch sử

Thứ sáu, 24/08/2012 09:10

Thời gian qua, website của đài RFI tiếng Việt đã đăng bài viết của Thụy Khuê có nhan đề: Ai viết những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc tại Pháp từ 1919 đến 1923? Trong bài Thụy Khuê đưa ra một số "nghi vấn", về "trình độ học vấn" của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, rồi lấy đó làm cơ sở để trả lời theo hướng tiêu cực bất chấp sự thật lịch sử.  

Trong bài "Ai viết những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc tại Pháp từ 1919 đến 1923"? từ một số tài liệu của Daniel Hémery về những ngày Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đi học tại Huế cùng một số trích dẫn từ cuốn sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" như: trên tàu Latouche-Tréville "mỗi ngày anh Ba phải làm từ 4 giờ sáng", "công việc kéo dài suốt ngày", "suốt ngày anh Ba đẫm nước, hơi và mồ hôi, mình đầy bụi than", buổi tối có hai người lính giải ngũ, về Pháp, tốt bụng, "dạy cho anh đọc và viết"... Khi làm vườn cho ông chủ tàu ở Sainte Adresse, thì "anh học tiếng Pháp với cô sen"... Thụy Khuê đi đến chỗ cho rằng: dù xuất thân từ một gia đình quan lại nhưng khi xuất dương, Nguyễn Tất Thành vẫn phải sống một cuộc sống nghèo khổ, cực nhọc, không được học qua các trường đào tạo cấp cao của Pháp không có bằng cấp như Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, nên ông không đủ kiến thức và Pháp văn để viết, và vai trò của ông trong tờ báo Le Paria chỉ là "giữ sổ sách, tập viết mấy dòng tin tức, in và phát truyền đơn"!

Căn cứ vào thực tế lịch sử cùng nhiều tài liệu đã công bố, cần khẳng định ý kiến của Thụy Khuê chỉ dựa trên số tư liệu sơ sài, được tập hợp phiến diện nhằm phục vụ ý đồ đánh giá thấp, phủ nhận khả năng và trí tuệ thiên tài của Hồ Chí Minh. Theo các tài liệu được sưu tầm và khảo cứu công phu trong bộ sách Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử (đặc biệt là bản xuất bản năm 2006 - 2009, đã sửa chữa và bổ sung) - bộ sách mà Thụy Khuê đã vô tình hay cố tình không nhắc đến, có thể biết lần đầu Nguyễn Sinh Cung tới Huế là khoảng cuối năm 1895. Nguyễn Sinh Cung đi học tại một căn nhà ở làng Dương Nỗ (nay thuộc xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Bạn học của cậu là những cậu bé trong làng, thầy giáo là người cha thân yêu. Tấm gương quyết chí vượt qua khó khăn để học tập của người cha, tấm lòng dịu hiền của người mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó, rất mực thương chồng, thương con, ăn ở nhân đức với mọi người in sâu trong tâm khảm cậu bé Cung trong những ngày ở Huế, khi cậu bắt đầu có những nhận thức riêng trên bước trưởng thành. Khoảng thời gian lần đầu ở Huế của Nguyễn Sinh Cung khép lại bằng một kỷ niệm buồn, vì sự ra đi của người mẹ hiền (tháng 2-1901). Nhưng hơn 5 năm ở Huế cũng đã cho Nguyễn Sinh Cung những hiểu biết đầu tiên về xã hội thuộc địa - phong kiến ở giữa trung tâm của nó.

Nguyễn Tất Thành đến Huế lần thứ hai khi không còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung mà đã là người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Với tên Nguyễn Sinh Côn, anh học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Ðông Ba các năm học 1906 - 1907 (lớp dự bị) và 1907 - 1908 (lớp sơ đẳng); ở Trường Quốc học năm học 1908 - 1909 (lớp nhì). Khoảng thời gian Nguyễn Tất Thành học tập ở Huế cũng là lúc đất nước diễn ra nhiều biến động chính trị: Phan Bội Châu với Duy tân hội và phong trào Ðông du do ông phát động lan rộng trong giới sĩ phu và thanh niên; phong trào chống thuế bùng phát ở Trung Kỳ từ năm 1906 kéo dài tới năm 1908; năm 1907, Trường Ðông kinh nghĩa thục đầu tiên mở tại Hà Nội rồi ở một số tỉnh miền bắc, truyền bá nhiều tư tưởng mới, cổ động cho phong trào cải cách, dân chủ... Những biến động đó đã có nhiều tác động tới không khí chính trị ở Huế. Và Nguyễn Tất Thành tiếp nhận những ảnh hưởng đó từ ghế nhà trường, trước hết là Trường tiểu học Việt - Pháp Ðông Ba, rồi sau đó ở Trường Quốc học.

Tháng 4-1908, Nguyễn Tất Thành đang học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Ðông Ba. Khi những bất công xảy ra và tích tụ ở Huế - trung tâm hành chính của Nam triều và của Pháp ở Trung Kỳ, Nguyễn Tất Thành đã đứng về phía nhân dân lao động và bênh vực họ. Anh đã tham gia và chứng kiến cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên - Huế bị đàn áp dã man. Câu hỏi về nguyên nhân thất bại của phong trào và về phương pháp đấu tranh đã được Nguyễn Tất Thành đặt ra từ ngày đó. Cũng vì tham gia biểu tình chống thuế mà Nguyễn Tất Thành bị nhà cầm quyền "để ý". Ông Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc) bị quan cai trị thực dân ở Tòa Khâm khiển trách vì con trai ông có những hoạt động bài Pháp. Trong lần trở lại Huế, Nguyễn Tất Thành tiếp thu nhiều tri thức văn hóa phương Tây, một số tư tưởng cải cách và chiêm nghiệm về con đường cứu nước của cha anh. Tuy vốn tiếng Pháp còn ít ỏi, nhưng Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu tiếp xúc với sách báo Pháp. Ảnh hưởng từ sách báo tiến bộ và từ các thầy giáo tân học mà anh được tiếp xúc đã nuôi lớn dần ý muốn sang phương Tây để tìm hiểu tình hình các nước lớn và học hỏi những tinh hoa văn minh nhân loại. 

Kết quả của những tiếp xúc văn hóa đó là một ý tưởng lớn đã hình thành, dần được bồi đắp, đó là: tìm con đường học hỏi để tiếp thu những điều tiến bộ, mong có thể giúp ích cho dân, cho nước. Con đường đó phải là con đường mới, khác với con đường các nhà yêu nước tiền bối đã đi. Những băn khoăn, trăn trở về thân phận con người và quyền dân tộc đã ám ảnh trong tâm trí Nguyễn Tất Thành. Khi cha bị triệu hồi từ Bình Khê về Huế (tháng 1-1910), anh không trở lại Huế cùng cha mà quyết định sang phương Tây để tìm đường cứu nước. Nguyễn Tất Thành đã chọn con đường riêng của mình. Con đường đó sơ khởi từ những năm học dưới mái trường ở Huế.

Khác với những gì Thụy Khuê khẳng định, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã dày công trang bị cho mình vốn kiến thức đủ sâu sắc và phong phú từ các bước đi đầu tiên trên con đường hoạt động chính trị. Với tinh thần hiếu học của Người, sau này Người tiếp tục học tiếng Pháp với luật sư Phan Văn Trường và nhiều người khác. Về sự học tập của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, sử gia Pháp Daniel Hémery đánh giá: "Hồ Chí Minh không hoàn thành trọn vẹn một chương trình giáo dục nào, ông cũng không tiếp nhận đầy đủ một nền tri thức hiện đại cũng như nền Nho học cổ truyền mà đứng giữa hai nền văn hóa đó. Ông là một người tự học đầy tài năng, là hình mẫu của giới trí thức không bằng cấp, sẽ giữ vai trò quyết định trong phong trào cách mạng". Có thể nêu một thí dụ về tấm gương tự học, tự rèn luyện của Người. Trong cuốn "Những mẩu chuyện và đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" của Trần Dân Tiên kể về việc rèn luyện học viết báo của Bác: "Ông Nguyễn bắt tay vào việc học làm báo thường lui tới tòa báo "Dân chúng", ông làm quen với những người Pháp khác, trong đó có chủ bút tờ "Ðời sống thợ thuyền". Cũng như ông Lông-ghê (cháu ngoại Các Mác, nghị viên Quốc hội Pháp,  chủ bút báo Dân chúng), người chủ bút này rất đáng mến. Ông bảo ông Nguyễn viết tin cho báo của ông. Ông Nguyễn bắt đầu viết rất khó khăn. Tin về Việt Nam ông không thiếu, ông thiếu nhất là văn Pháp, ông Nguyễn viết làm hai bản. Ông hết sức vui sướng khi thấy bài viết đầu tiên của mình được đăng trên báo. Ông đọc lại bài đã in, so sánh và sửa những chỗ viết sai. Ông kiên nhẫn làm theo cách ấy. Khi thấy viết đã bớt sai, ông chủ bút bảo ông: "Bây giờ anh viết dài hơn một ít". Dần dà ông Nguyễn có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn. Lúc bấy giờ người chủ bút bảo: "Bây giờ anh viết ngắn lại". Ông Nguyễn thấy rằng phải rút ngắn cũng khổ như trước kia phải viết dài. Nhưng cũng hết sức cố gắng. Và ông đã thành công. Ông bắt đầu vào làng báo từ đó.

Về văn học, ông Nguyễn thích đọc Sếch-xpia và Ðích-ken bằng tiếng Anh, Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Hoa, Huy-gô và Dô-la  bằng tiếng Pháp. Bằng con đường tự học, Người đã trang bị cho mình kiến thức rộng và khả năng sử dụng nhiều ngoài ngữ.

Không lâu sau, khi xuất hiện công khai, Nguyễn Ái Quốc đã đăng đàn diễn thuyết bằng tiếng Pháp với thính giả Pháp, như: Ngày 14-1-1920, tại số 3 đường Château-Paris, Nguyễn Ái Quốc diễn thuyết về đề tài Sự tiến triển trong xã hội các dân tộc châu Á và những yêu cầu của nước Nam. Ngày 11-2-1920, Nguyễn Ái Quốc thuyết trình đề tài Chủ nghĩa cộng sản ở châu Á và vấn đề ruộng công điền ở Trung Quốc và Việt Nam, tại Hội nghị những người thanh niên cộng sản quận 2. Tại cuộc mít- tinh kỷ niệm 1-5 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã lên diễn đàn nói về Chương trình hoạt động của nhóm Xã hội đòi ngừng gửi người thuộc địa sang Pháp. Ngày 25-12-1920, Nguyễn Ái Quốc, đại biểu duy nhất là người từ một xứ thuộc địa, được mời tham dự Ðại hội lần thứ XVIII Ðảng Xã hội Pháp, tổ chức tại Tours. Ngay buổi chiều hôm sau, anh được Chủ tịch phiên họp Emile Goude mời phát biểu. Bài phát biểu ứng khẩu, được biên bản tốc ký ghi lại cho thấy một tư duy và ngôn ngữ Pháp sắc sảo, súc tích, sáng sủa, mạch lạc, tập trung vào mục tiêu tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, kêu gọi sự ủng hộ thiết thực với sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa. Bài phát biểu của Nguyễn Ái Quốc đã được Ðại hội nhiều lần vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Chủ tịch phiên họp - E.Goude - nhận xét: "Bằng một thứ tiếng Pháp tuyệt vời (en un excellent franỰais), ông đã tố cáo những tội ác, những hành động đàn áp và chuyên chế mà hai mươi triệu người An nam là nạn nhân, họ bị đầu độc bằng rượu và thuốc phiện, bị bóc lột và truy nã bởi một thứ công lý tư sản đè nặng lên họ. Tất cả những đảng viên xã hội nhất trí phản kháng, chống lại những bất công và tội ác của thứ công lý tư sản ở Ðông Dương".

Kết quả những cố gắng học tập, trau dồi tri thức của Người trong những năm đầu thế kỷ 20 đã nhanh chóng được khẳng định ngay tại nước Pháp và được chính người Pháp thừa nhận. Ðiều đó cũng có nghĩa, cái gọi là "nghiên cứu của Thụy Khuê chỉ là hệ quả của lối nghiên cứu cực kỳ phiến diện, bóp méo sự thật mà thôi"./.                        

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực