Bảo hiểm y tế cho người nghèo: Giải pháp hỗ trợ thoát nghèo bền vững

Thứ hai, 30/03/2015 13:45

(ĐCSVN) - "Hỗ trợ người nghèo tham gia bảo hiểm y tế chính là một hướng hỗ trợ có tính bền vững hướng tới mục tiêu thoát nghèo và thiết thực chăm lo cho cuộc sống của họ…" Bà Đặng Minh Nguyệt, Trưởng ban Truyền thông và phát triển nguồn lực, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết.

Bà Đặng Minh Nguyệt, Trưởng ban Truyền thông và phát triển nguồn lực,
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam


Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, những kết quả của Hội chữ thập đỏ các cấp gặt hái được mang ý nghĩa không nhỏ. Với sự tích cực tuyên truyền chính sách BHXH, bảo hiểm y tế cho các chủ DN của Hội, hầu hết các đối tác lớn của Hội Chữ thập đỏ đều tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đảm bảo quyền lợi cho người lao động như Công ty NHHH Coca-Cola, Công ty TNHH P&G, Công ty TNHH Miwon Việt Nam, Công ty CP Dịch vụ thanh toán Việt Phú, Tập đoàn Philip Morit, Tập đoàn y tế Đức Minh…

Các cấp hội còn chú trọng việc tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện cho các “Mạnh Thường Quân” là lãnh đạo các DN, các tổ chức, cá nhân hảo tâm để vận động mua thẻ BHYT tặng cho các hộ cận nghèo. Điển hình như Hội chữ thập đỏ TP.Hồ Chí Minh vận động mua tặng gần 10.000 thẻ trong năm 2014; Hội chữ thập đỏ Bình Dương phối hợp với bảo hiểm xã hội tỉnh tham mưu với hội đồng nhân dân mua tặng 100% thẻ cho các đối tượng cận nghèo từ năm 2013 và vận động mua gần 2.000 thẻ tặng cho các đối tượng lang thang cơ nhỡ trên địa bàn tỉnh. Hội chữ thập đỏ các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… mỗi tỉnh cũng vận động được gần 5.000 thẻ.

Từng chứng kiến nhiều người dân nghèo ngay sau khi nhận tiền hỗ trợ từ Hội chữ thập đỏ đã dùng phần quà đó để trả tiền rượu vừa uống nợ ở quán do “đợi đoàn đến phát quà lâu quá”, bà Đặng Minh Nguyệt cho biết: “Trước đây hoạt động của Hội Chữ thập đỏ vẫn nghiêng về hướng hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, tuy nhiên đó chưa phải là một hướng đi thực sự hiệu quả”. Đó là lý do mà từ năm 2014, một trong những phần quà Tết cho người nghèo được Hội lựa chọn là một tấm thẻ bảo hiểm y tế bởi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chính là một cách chia sẻ và hỗ trợ cả sinh kế và hướng thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, theo bà Đặng Minh Nguyệt, khi nhiều người dân vẫn có suy nghĩ “bảo hiểm y tế rất phức tạp”, điều quan trọng là phải thay đổi quan điểm, nhận thức của họ về chính sách này, rồi hỗ trợ họ tham gia. Rất nhiều hoạt động tuyên truyền đã được các cấp Hội chữ thập đỏ tổ chức hiệu quả. Trước hết là tuyên truyền trong chính hệ thống của mình, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho tất cả hội viên cơ sở. Hội cũng phối hợp với Ban Tuyên truyền (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên, in sổ tay Bảo hiểm xã hội, tờ rơi tuyên truyền về Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tuyên truyền cho doanh nghiệp đối tác; lồng ghép trong cả các lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu, phòng chống giảm nhẹ rủi ro do bom mìn… để tuyên truyền cho cộng đồng, giúp họ thay đổi nhận thức, hiểu được lợi ích của sự sẻ chia trong chính sách, từ đó chủ động tham gia bảo hiểm y tế.

Năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế bắt đầu có hiệu lực và nhiều điểm mới bổ sung. Bên cạnh những thách thức đang đặt ra trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, những điểm mới trong Luật như quy định “bắt buộc”, tăng sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng tham gia cũng là điều kiện thuận lợi không thể không tính đến. Theo bà Đặng Minh Nguyệt, bảo hiểm xã hội và Hội Chữ thập đỏ đều có chung một mục đích là dùng nguồn đóng góp của nhiều người để chia sẻ với người khó khăn. Với thế mạnh trong việc huy động nguồn lực cho người nghèo, hoạt động xã hội hóa các nguồn lực thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cũng là một trong các nội dung được Hội đặc biệt quan tâm…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực