Thầy trò Xô-Việt: Những câu chuyện cảm động

Thứ tư, 20/01/2010 17:27

(ĐCSVN)Vượt hơn 10.000 cây số, các thầy cô giáo Nga đã đặt chân đến Việt Nam, một đất nước mà nhiều người trong số họ chỉ được nghe qua lời kể của các sinh viên Việt Nam. Họ đã đến với Việt Nam, đển với những kỷ niệm sâu sắc về quan hệ thầy trò Xô – Việt gắn bó hơn nửa thế kỷ qua. Những kỷ niệm đó đã được các thầy cô giáo đã trải lòng qua những câu chuyện xúc động và chân thực. 

 
 Thầy trò hội ngộ sau nhiều năm xa cách (Ảnh tư liệu)

Là Giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Đường sắt Mát-xcơ-va, thầy A-nhi Xi-mốp Petp Stepannovich đã có dịp sang Việt Nam hai lần. Khi nói về cảm nhận của mình khi sang thăm Việt Nam lần này, Giáo sư A-nhi Xi-mốp Petp Stepannovich  chia sẻ: “ So với đầu tiên sang Việt Nam vào năm 1986, Việt Nam đã có nhiều đổi thay đặc biệt là sự thay đổi, phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng của các thành phố trong đó có thành phố Hà Nội. Hà Nội xuất hiện trước mắt tôi như một thành phố mới, hiện đại. Chất lượng cuộc sống của người dân Hà Nội đã có nhiều thay đổi và Việt Nam đã thực sự chuyển sang một nền kinh tế thị trường có điều chỉnh một cách mềm dẻo. Đất nước các bạn đã biết vận dụng những thành quả, kinh nghiệm của các nước Phương Tây, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tôi tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước đứng đầu về phát triển kinh tế - xã hội ở châu Á”.

 

Đến thăm Việt Nam lần này cũng là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với GS. A-nhi Xi-mốp Petp Stepannovich bởi sau 20 năm thầy mới có dịp gặp lại các thế hệ sinh viên Việt Nam. Nhớ về những kỷ niệm sâu sắc về mối quan hệ thầy – trò, GS. A-nhi Xi-mốp Petp Stepannovich xúc động nói: Liên Xô trước kia và Liên bang Nga bây giờ có rất nhiều học sinh, sinh viên nước ngoài theo học, trong đó có sinh viên Việt Nam. Các em Việt Nam đã để lại ấn tượng rất tốt đối với tôi bởi có tinh thần học tập và ý thức kỷ luật cao, sống tình cảm. Tôi và các đồng nghiệp rất ngạc nhiên và khâm phục các em sinh viên Việt Nam bởi họ luôn đi sâu tìm hiểu về văn hóa, lịch sử phát triển của đất nước mà họ đang theo học. Điều này khiến cho chúng tôi có thêm động lực để truyền thụ tất cả kinh nghiệm giúp các em có thêm nhiều kiến thức trong mọi lĩnh vực. Trở lại Việt Nam lần này, tôi vui mừng và hạnh phú khi biết được nhiều học sinh cũ của mình hiện đang nắm giữ cương vị chủ chốt trong các bộ, ngành quan trọng của Nhà nước Việt Nam. Được gặp lại các học sinh Việt Nam là món quà có ý nghĩa rất lớn trong chuyến thăm Việt Nam của tôi.

 

 
GS. A-nhi Xi-mốp Petp Stepannovich xúc động khi nhớ
lại những kỷ niệm với các sinh viên Việt Nam
(Ảnh:KL)

Chưa một lần được đặt chân đến Việt Nam, chỉ được nghe kể về đất nước hình chữ S qua các câu chuyện của các cậu học trò áo lính nhưng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đã ăn sâu trong tâm trí của giảng viên Tiếng Nga, Học viện Kỹ thuật Quân sự Giucôpxki, cô Vera – Xergeievna Naumenko. Đã hơn 40 năm trong vai trò là giảng viên chính Tiếng Nga cho các học sinh, sinh viên nước ngoài nhưng sinh viên Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Với cô Vera – Xergeievna Naumenko, sinh viên Việt Nam luôn luôn cần mẫn, chăm chỉ học tập và sống tình nghĩa với các thầy cô giáo cũng như với các bạn trong trường. “Cách đối xử đầy tình người của sinh viên Việt Nam đã khiến tôi vô cùng cảm động và dành hết tình cảm cho những người học trò xa xứ. Tôi coi họ như những người con, người em thực sự trong gia đình và luôn làm mọi điều tốt đẹp dành cho họ”, cô Vera – Xergeievna Naumenko bồi hồi nhớ lại. 

   


                
Vera – Xergeievna Naumenko và Ana Andereevna Parphenova hạnh phúc

                              khi lần đầu tiên được đến thăm Việt Nam (Ảnh: Khánh Lan)


Hai tiếng “ Việt Nam” không chỉ gắn bó với những kỷ niệm sâu sắc của tình thầy trò mà nó còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cô giáo Vera – Xergeievna Naumenko bởi gia đình cô có truyền thống giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Cha cô, một sĩ quan không quân của quân đội Liên Xô cũ đã có đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Cô Vera – Xergeievna Naumenko cho biết: “ Chuyến thăm Việt Nam lần này như một món quà quý nhất mà tôi đã nhận được từ trước đến nay và chuyến đi này đã giúp tôi hiểu thêm về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Cảm ơn các bạn đã cho tôi thấy một Việt Nam tuyệt vời”. Đến Việt Nam lần này, được gặp lại các học sinh cũ, cô như được sống lại những ký ức ngày xưa, tuy nhiên cô Vera – Xergeievna Naumenko bày tỏ rất lấy làm tiếc vì hiện nay số lượng học viên theo học tại Học viện Kỹ thuật Giucôpxki còn ít. Cô hy vọng trong tương tai, Học viện sẽ tiếp tục đón chào các học viên Việt Nam.

 

“ Từ Thủ đô Mát-xcơ-va, vượt qua hơn 10.000 cây số, đặt chân đến TP. Hồ Chí Minh, đi dọc Việt Nam, cuối cùng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt cuộc hành trình đó, các học viên Việt Nam luôn bên cạnh và hướng dẫn chúng tôi, hình ảnh đó khiến tôi nhớ lại những ngày đầu tiên khi được hướng dẫn, giảng dạy các em học viên Việt Nam còn bơ ngỡ khi đặt chân đến nước Nga”. Đó là tâm sự của cô Ala Andereevna Parphenova, Giảng viên tiếng Nga của Học viện Học viện Kỹ thuật Giucôpxki. Theo cô chuyến thăm này không chỉ giúp các thầy cô giáo Liên Xô cũ gặp lại học trò Việt Nam thân yêu của mình mà nó còn giúp cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt – Nga càng thêm gắn bó.

 

 
 Cô Maria, con gái nhà văn Nhi-cu-lin vui mừng khi gặp lại bà Nhâm,
người bạn lớn của cha mẹ mình 
(Ảnh: Khánh Lan)

Là một người duy nhất không phải là giáo viên sang tham dự Chương trình Thầy trò Xô- Việt tại Việt Nam lần này, cô Maria, con gái của Giáo sư Nhiculin, người đã có những tình cảm đặc biệt dành cho đất nước và con người Việt Nam là người có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của văn học Việt Nam, nghiên cứu văn học Việt Nam và đưa văn học Việt Nam đến với nước Nga. Giáo sư Nhiculin giờ đã không còn nữa, vợ ông cũng đang ốm nên chị Maria đem theo tình cảm của cha mẹ mình. Chị tâm sự “Việt Nam đối với bố mẹ tôi không phải là công việc mà là cuộc sống. Họ đã yêu nhau ở Hà Nội. Trước khi tôi sang Việt Nam, mẹ có nói với tôi: Việt Nam là trái tim của bà và mẹ tôi có một tâm nguyện khi mất, bà được chôn cất ở Việt Nam”. Cũng trong chuyến thăm này, thực hiện nguyện vọng của mẹ, chị Maria đã cung cấp thông tin và tìm gặp lại bà Nhâm, cô giáo dạy Tiếng Việt và cũng là người bạn Việt Nam của mẹ. Đối với Maria, chuyến thăm Việt Nam lần này có ý nghĩa rất lớn vì nó đã giúp chị hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam, nơi mà bố mẹ chị đã gắn bó và coi như quê hương thứ hai của mình.

 

Chương trình Thầy trò Xô – Việt đã khép lại, dư âm của chương trình sẽ còn đọng mãi trong những người con đã lớn lên từ sự bao bọc, dạy dỗ của nước Nga cũng như những con người yêu nước Nga. Các thầy cô sẽ lại trở về đất nước của họ song những câu chuyện xúc động, chân thật về mối quan hệ thầy trò Xô- Việt gắn bó suốt nửa thập kỷ qua sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp, không phai mờ trong mỗi chúng ta./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực