Hiệp thương cử 374 vị tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX

Thứ sáu, 20/09/2019 11:56
(ĐCSVN) - Sáng 20/9, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX đã hiệp thương số lượng, cơ cấu thành phần Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Theo đó, số lượng Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX gồm 385 vị, Đại hội đã hiệp thương cử 374 vị tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2019-2024.

Phát huy dân chủ và giám sát, phản biện để góp phần giải quyết các vấn đề xã hội

Những ý kiến tâm huyết nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết

Mặt trận cần phản biện sắc sảo, chân tình

Sáng 20/9, Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX  tiến hành thảo luận tại hội trường; thảo luận và thông qua Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa IX trước khi hiệp thương cử Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn Chủ tịch điều hành phiên làm việc.

Tinh thần đoàn kết luôn là chất keo gắn bó tất cả các mối quan hệ

Phát biểu tham luận tại Đại hội, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch không chuyên trách Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân là một trong những nhiệm vụ, vai trò quan trọng hàng đầu của MTTQ Việt Nam.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn phát biểu tham luận tại Đại hội.

Hơn bao giờ hết, tinh thần đoàn kết luôn là chất keo gắn bó tất cả các mối quan hệ trong cuộc sống, đưa đến một sự thành công viên mãn. Dẫn lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có thứ vũ khí nào khác có đủ sức mạnh vô địch để chiến thắng kẻ thù ngoài sự đoàn kết các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho rằng, vấn đề tập hợp, đoàn kết và đoàn kết tôn giáo trong thời đại ngày nay chưa bao giờ mất đi ý nghĩa và vai trò quan trọng của nó.

“MTTQ từ khi ra đời trải qua chiều dài của lịch sử thăng trầm, yếu tố không tách rời đó là đoàn kết và phát huy tinh thần của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, vị trí của MTTQ đã trở nên quan trọng trong khối đại đoàn kết, với vai trò tập hợp các tổ chức lại đã làm nên thành công thắng lợi đặc biệt trong thời kỳ hội nhập và phát triển, nó càng trở nên quan trọng hơn”, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn khẳng định.

Đạo Phật có mặt ở Việt Nam hơn 2000 năm và lịch sử đã chứng minh Phật giáo là tôn giáo có truyền thống yêu nước, hằng vì lợi ích chúng sanh. Trong suốt quá trình đồng hành cùng dân tộc, với vai trò hộ quốc an dân, Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, nhất là việc tạo được sự hòa hợp đoàn kết, đồng thuận nhất quán trong tập thể Tăng, Ni, Phật tử vì hạnh phúc của chúng sinh, vì hòa bình của đất nước và nhân loại.

Hoà thượng Thích Thiện Nhơn khẳng định: “Đất nước đang từng ngày hội nhập vào dòng chảy kỷ nguyên với nhiều cơ hội và thách thức. Chính vì vậy mà hơn bao giờ hết, chúng tôi thiết nghĩ ngoài các hoạt động từ thiện nhân đạo phục vụ mục tiêu chiến lược an sinh xã hội lâu dài, thì việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… tất cả đều là những việc làm vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của nhiều giới nhiều ngành, tất nhiên trong đó không thể thiếu bổn phận trách nhiệm của Phật giáo nước nhà”.

Phát huy vai trò người Việt Nam ở nước ngoài

Chia sẻ với Đại hội về việc phát huy vai trò người Việt Nam ở nước ngoài, bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary cho rằng, những năm gần đây cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài càng ngày càng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và MTTQ quan tâm. Cũng nhờ đó khối kiều bào đã phát huy được nhiều hơn tiềm năng của mình trong công tác đối ngoại nhân dân cũng như trong hoạt động hướng về quê hương, đất nước.

Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary Phan Bích Thiện.

Là một người đã và đang sinh sống ở nước ngoài 33 năm, được chứng kiến sự đổi thay và phát triển của cộng đồng người Việt xa xứ, đồng thời trực tiếp tham gia các hoạt động cộng đồng, bà Bích Thiện nhận thấy vai trò của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở mỗi quốc gia vô cùng quan trọng trong các hoạt động đối ngoại nhân dân, là cầu nối thiết thực góp phần đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Để hoạt động này ngày càng được phát huy và có hiệu quả hơn nữa, bà Thiện cho rằng, cần quan tâm xây dựng các tổ chức, hội đoàn, câu lạc bộ… của người Việt ở mỗi nước. Nên đa dạng hóa các hội đoàn phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau để vận động được nhiều hơn bà con tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng. Đặc biệt, cần chú trọng vận động đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân, người thành đạt, người có ảnh hưởng là người Việt Nam ở nước sở tại tham gia vào việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước…

Đồng bào Công giáo Việt Nam tiếp bước truyền thống yêu nước của cha ông

Tham luận với chủ đề đồng bào Công giáo Việt Nam tiếp tục truyền thống yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch không chuyên trách Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) Việt Nam bày tỏ: Người Công giáo Việt Nam ý thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước, trước hết là ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam Trần Xuân Mạnh.

Ngày nay, Ủy ban ĐKCG Việt Nam đã và đang vận động đồng bào Công giáo tham gia xây dựng đất nước theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo phát triển dung hòa 3 lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường.

Trong phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo hưởng ứng chủ trương dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cùng với thâm canh cây lúa, phát triển hoa màu, cây dược liệu; nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào Công giáo Việt Nam đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng và hàng chục ngàn ngày công lao động. Nhiều gia đình Công giáo sẵn sàng tháo dỡ hàng rào, thu hoạch cây lấy gỗ, cây ăn quả sớm, để hiến đất mở rộng đường nông thôn; đóng góp công sức xây dựng kênh mương, nhà văn hóa thôn và các cơ sở hạ tầng khác theo tiêu chuẩn nông thôn mới.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020, các vị linh mục, Ban hành giáo và bà con ở các giáo xứ, giáo họ cùng với cộng đồng dân cư dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường tại các hộ gia đình và địa bàn công cộng; huy động nhân dân nói chung và đồng bào có đạo nói riêng làm tổng vệ sinh khu phố, ấp, làng, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

Linh mục Trần Xuân Mạnh bày tỏ tin tưởng rằng, đồng bào Công giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp bước truyền thống yêu nước của cha ông, sống tốt đời đẹp đạo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu 10 chữ “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Doanh nghiệp xuất phát từ trách nhiệm, lợi ích chung chắc chắc được ủng hộ

Anh hùng Lao động Lý Ngọc Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Minh Long I chia sẻ câu chuyện cá nhân ông đã có những kiến nghị đề xuất để ban hành Nghị  định số 13 ngày 01/2/2019 của Chính phủ để các doanh nghiệp trong nước có khoa học công nghệ mới nếu đăng ký đúng thủ tục sẽ được miễn giảm thuế đầy đủ, minh bạch.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I Lý Ngọc Minh.

Anh hùng Lao động Lý Ngọc Minh cho biết, tháng 12/2017, sau khi trực tiếp báo cáo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Đoàn Công tác giám sát của Mặt trận đã vào làm việc, lắng nghe doanh nghiệp Minh Long trình bày, báo cáo, đồng thời làm việc trực tiếp với Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương. Sau khi đoàn giám sát của Mặt trận có kết quả đã gửi văn bản kiến nghị giải quyết những kiến nghị, vướng mắc của Công ty Minh Long nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như các bất cập trong cơ chế, chính sách lên Quốc hội và Chính phủ xem xét giải quyết.

Với những công văn, kiến nghị, đề xuất, trao đổi tâm huyết mà Minh Long gửi đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và rất nhiều các cơ quan, tổ chức có liên quan của địa phương và Trung ương,  Nghị định số 13 ngày 01/2/2019 của Chính phủ được ban hành. Đây chính là động lực kích hoạt doanh nghiệp trong nước phát triển, đẩy mạnh công cuộc đổi mới công nghệ, hiện đại hóa đất nước, kịp theo xu hướng thời đại.

Anh hùng Lao động Lý Ngọc Minh chia sẻ: “Là một doanh nghiệp hay công dân, nếu xuất phát từ trách nhiệm, lợi ích chung của cộng đồng, xã hội để hiến kế, sáng tạo hay đề xuất đúng đắn, chính đáng với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chắc chắn sẽ được ghi nhận, đồng tình, ủng hộ bằng luật pháp, chính sách, cơ chế phù hợp với quy luật và thực tiễn cuộc sống, của sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước”.

Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội.

Sau phần tham luận tại Hội trường, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã trình bày tờ trình xin ý kiến sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa IX. Sau khi thảo luận, các đại biểu đã biểu quyết nhất trí thông qua Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa IX.

Cũng trong sáng nay, Đại hội đã hiệp thương số lượng, cơ cấu thành phần Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Theo đó số lượng Ủy viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 gồm 385 vị, Đại hội đã hiệp thương cử  374 vị tham gia Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2019-2024.

Trong phiên bế mạc chiều nay, Đại hội sẽ nghe báo cáo kết quả Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Đại hội cũng sẽ công bố danh sách Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực và các chức danh trong Ban Thường trực.

Ngay sau khi bế mạc Đại hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức họp báo thông báo kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực