Quang cảnh Trung tâm thảo luận số 1. (Ảnh: LN)
Chiều 19/9, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã thảo luận về 5 chương trình hành động nhiệm kỳ 2019 – 2024 tại 5 tổ. Các ý kiến đóng góp từ mỗi tổ đã thể hiện sự sâu sắc với mong muốn Mặt trận sẽ làm tốt hơn nữa vai trò đại diện cho Nhân dân, phát huy quyền lực của Nhân dân, để người dân tin và tìm đến Mặt trận nhiều hơn.
Nội dung thảo luận tập trung vào việc tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tăng cường đoàn kết quốc tế mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân; vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước; tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới…
Mục sư Nguyễn Thế Hiển, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với nhiệm vụ cụ thể của Mặt trận và các đoàn thể. “Các tệ nạn xã hội đang gây bất an, vì thế Mặt trận và các tổ chức thành viên phải chung tay để vực dậy đạo đức xã hội. Phát huy dân chủ và giám sát, phản biện xã hội cần được đẩy mạnh để góp phần giải quyết các vấn đề xã hội đang nổi lên”, vị mục sư nói.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Hưng Yên kiến nghị trao cho Mặt trận quyền được bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ. “Mọi năng lực của cán bộ và Nhân dân đều biết nhưng hiện nay, bổ nhiệm cán bộ Nhân dân ít được tham gia. Công tác cán bộ hiện nay Đảng là người quyết định, chính vì vậy đề nghị Ban Bí thư, Bộ Chính trị trao quyền cho Mặt trận để Mặt trận được quyền tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với cán bộ từ làng bản đến chức vụ cao nhất, thông qua đó để cấp ủy Đảng có đánh giá chính xác hơn với cán bộ”, đại biểu Nguyễn Văn Thời đề xuất. Theo ông, đó là cách để người dân được làm chủ thông qua lá phiếu đánh giá tín nhiệm cán bộ, qua đó xây dựng nhà nước của dân do dân vì dân… “Mọi diễn biến ở khu dân cư Nhân dân đều biết, Mặt trận biết, nhưng khi kiến nghị lên cấp trên thì không được giải quyết. Chính vì vậy, phải trao quyền đánh giá tín nhiệm cán bộ cho nhân dân”, ông Thời nhấn mạnh.
Cùng quan điểm đại biểu Nguyễn Văn Thời, đại biểu Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng lưu ý, rất nhiều Chủ tịch HĐND, UBND thấy e ngại trước vấn đề bỏ phiếu tại cơ sở, nếu người lãnh đạo không đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân sẽ bị loại, do đó vai trò của Mặt trận giám sát cán bộ nên được đề cao.
Đề cập đến việc phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, GS.TS Trần Đông A, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là thời điểm quan trọng của sự nghiệp đổi mới. Nhiệm vụ của Mặt trận là phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, Mặt trận phải tập trung vận động chăm lo giúp đỡ người nghèo, lắng nghe ý kiến của nhân dân. “Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên cần tổ chức thành nền nếp việc lắng nghe ý kiến của Nhân dân định kỳ. Phản ánh trung thực, khách quan ý kiến người dân là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền quản lý minh bạch”, GS.TS Trần Đông A nói.
Dẫn ra hàng loạt điển hình của việc chính quyền kịp thời điều chỉnh khi lắng nghe ý kiến Nhân dân như việc hủy bỏ kịp thời về quy phạm tiêu chuẩn nước mắm của 2 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ vốn gây ra cuộc tranh cãi giữa giữa nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp, theo GS.TS Đông A đó là một cách phản ứng nhanh của Nhà nước khi lắng nghe ý kiến người dân. “Trước những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, nhất là trước khi ban hành thành các chủ trương chính sách, nếu Mặt trận sớm lắng nghe ý kiến người dân và có sự tiếp thu thì sẽ tạo sự thống nhất giữa Đảng, MTTQ với Nhân dân. Đây là sức mạnh của cả hệ thống chính trị”, GS.TS Trần Đông A nêu quan điểm.
Cũng quan tâm đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống Nhân dân, đại biểu Linh Nga Niek Đam, Đoàn Đắk Lắk - một đại biểu dân tộc Ê Đê rất trăn trở về đời sống còn quá nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Bà đề nghị nhiệm kỳ này, Mặt trận hãy làm điều gì đó cho bà con dân tộc thiểu số, phải tham mưu được chính sách để giải quyết phần nào khó khăn cho bà con, Mặt trận hãy làm chỗ dựa tin cậy cho họ.
Đại biểu cũng đề xuất xây dựng nông thôn mới phải đi liền với bảo vệ bản sắc văn hóa của các dân tộc. “Nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng nông thôn, nhưng văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Đơn cử ở nhiều vùng Tây Nguyên, nhiều nhà văn hóa được xây dựng lớn nhưng bà con không vào, mà chỉ vào nhà rông, nhà dài, vì đó chính là không gian văn hóa truyền thống của họ”. Từ thực tế này, đại biểu khẩn thiết đề nghị Mặt trận vào cuộc giám sát để xây dựng nông thôn mới phải giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.
Đề cập đến sự đồng thuận trong xã hội, theo Lễ sanh Thượng Mai Thanh, Trưởng ban đại diện Thánh thất Cao Đài Thủ đô, muốn tạo sự đồng thuận trong xã hội phải từ hai phía có như vậy mới có thể gặp nhau được. Nhà nước khi ban hành chủ trương chính sách phải sát với quyền lợi của người. Như trong giải phóng mặt bằng, các dự án, Nhà nước nên tính tới quyền lợi của người dân nếu không Mặt trận cũng rất khó vận động để nhân dân đồng thuận được. “Để tuyên truyền tạo sự đồng thuận xã hội, phải có sự nêu gương. Chỉ khi cán bộ, đảng viên thực sự nêu gương tốt thì nhân dân sẽ noi theo và đồng tình ủng hộ”, Lễ sanh Thượng Mai Thanh bày tỏ.
Công tác giám sát, phản biện cũng đặc biệt được nhiều đại biểu quan tâm. Từ kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Đặng Thị Kim Liên, công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng rất cần sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan ban, ngành có liên quan. “Đáng chú ý, Mặt trận các cấp cần phát huy tốt vai trò chủ động, chủ trì trong việc lựa chọn những nội dung, vấn đề giám sát, phản biện phù hợp, những vấn đề mà Nhân dân và dư luận quan tâm” – đại biểu nói.
Các đại biểu tại Trung tâm thảo luận số 5. (Ảnh: LN)
Một số đại biểu cũng cho rằng, giám sát, phản biện không có chế tài. Vì vậy, muốn phát huy tác dụng và hiệu quả thì phải công khai, minh bạch, huy động sự tham gia của truyền thông, dư luận cùng vào cuộc. Phải kết hợp chặt chẽ việc nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Đồng thời chính quyền các cấp cần tiếp thu, xử lý thỏa đáng những đề xuất, kiến nghị sau giám sát và phản biện.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Đào, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, Mặt trận đại diện cho Nhân dân, thực hiện mục tiêu chính trị Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Tuy nhiên Nhân dân luôn trăn trở Mặt trận làm gì, làm như thế nào để thực sự đại diện cho Nhân dân, nhất là ở cấp xã. “Cần quan tâm hơn nữa tới năng lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận tại cơ sở, cần khẳng định vị trí pháp lý của cán bộ Mặt trận tại cơ sở để có thể đại diện người dân xử lý những vấn đề phát sinh với chính quyền, chỉ có như thế, Mặt trận mới đại diện, phát huy được quyền lực của nhân dân. MTTQ phải phát huy quyền lập hiến, lập pháp của nhân dân, phải thể hiện được vai trò làm chủ thực sự của nhân dân”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Đào nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội đề xuất, để nâng tầm trong hoạt động thực hiện dân chủ cũng như bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nhân dân, trong yêu cầu mới, rõ ràng chúng ta cũng cần nâng tầm chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, để tham mưu cho các cấp uỷ đảng cũng như tổ chức đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đây là yêu cầu trong thực tiễn cần phải đề cập và quan tâm…/.