Chị thị số 85-CT/TW, ngày 24/5/1958 của Ban Bí thư về kế hoạch học tập lý luận chính trị Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên trong năm 1958

Thứ hai, 04/05/2020 10:33
(ĐCSVN) - Chỉ thị nhấn mạnh, bắt đầu từ năm 1958 trở đi, Đảng ta cần phải tăng cường việc tổ chức học tập lý luận Mác - Lênin cho cán bộ đảng viên lên một bước mới.

Chỉ thị
của Ban Bí thư
Số 85-CT/TW, ngày 24 tháng 5 năm 1958
Về kế hoạch học tập lý luận chính trị Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên trong năm 1958

1. Đảng ta là Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin là lý luận chỉ đạo tư tưởng và hành động của Đảng. Trong mấy chục năm qua, đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân giành được những thắng lợi vĩ đại: Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và đương tiến dần từng bước lên chủ nghĩa xã hội, v.v.. Đó cũng là những thắng lợi vẻ vang của chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam. Ngày nay, cách mạng ở nước ta đang có những chuyển biến lớn, đang đặt trước Đảng ta những nhiệm vụ mới: lãnh đạo nhân dân toàn quốc đấu tranh giành thống nhất nước nhà và xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử nói trên, một nhiệm vụ cấp thiết đề ra trước mắt chúng ta là phải tích cực nâng cao trình độ lý luận Mác - Lênin  của Đảng lên một bước. Vì vậy, Hội nghị Trung ương lần thứ chín, lần thứ mười đã nhấn mạnh đến việc tổ chức học tập lý luận Mác - Lênin. Căn cứ theo quyết định của Trung ương, các trường Đảng ở Trung ương, ở các khu, các tỉnh đã mở khoá học đầu tiên. Về học tập tại chức, Trung ương đã tổ chức cho cán bộ cao cấp học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ, các cấp uỷ đảng đã tổ chức cho cán bộ trung cấp, sơ cấp học tập chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đó cũng là một bước tiến bộ đầu tiên trong công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng. Hiện nay, nói chung  trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên còn thấp, chưa đáp ứng đủ với sự đòi hỏi của tình hình cách mạng hiện nay. Vì vậy, Ban Bí thư nhận thấy bắt đầu từ năm 1958 trở đi, Đảng ta cần phải tăng cường việc tổ chức học tập lý luận Mác - Lênin cho cán bộ đảng viên lên một bước mới. Có như vậy, Đảng ta mới có thể tăng cường vai trò lãnh đạo cách mạng của mình trong hoàn cảnh mới.

2. Muốn nâng cao trình độ hiểu biết chủ nghĩa Mác - Lênin một cách tương đối có hệ thống, Đảng ta phải dần dần tổ chức cho cán bộ học tập các phần cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, như duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, chính trị kinh tế học, chủ nghĩa xã hội khoa học, v.v., nhưng trong hoàn cảnh hiện nay vì điều kiện công tác, vì khả năng lực lượng giảng dạy của chúng ta có hạn, cho nên chưa có thể tổ chức cho tất cả cán bộ học tất cả các môn nói trên một cách có hệ thống ngay được. Căn cứ vào yêu cầu của cách mạng hiện nay, căn cứ vào khả năng của ta, Ban Bí thư quy định nhiệm vụ và yêu cầu học tập lý luận năm 1958 cho cán bộ như sau:

- Tổ chức cho cán bộ cao cấp học một số quan điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng, sau đó sẽ học chính trị kinh tế học, nhằm nâng cao lập trường giai cấp, xác định cách nhìn, cách nghĩ, cách nghiên cứu và giải quyết vấn đề theo lập trường và phương pháp khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin.

- Tổ chức cho cán bộ trung cấp và sơ cấp  học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ kết hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở đó, phân rõ ranh giới giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, xác định lập trường xã hội chủ nghĩa, nâng cao tinh thần lao động xã hội chủ nghĩa, ý thức tập thể, ý thức tổ chức và kỷ luật, tinh thần quốc tế vô sản, khắc phục tư tưởng tư sản và tiểu tư sản trái với các tư tưởng nói trên; có cơ sở nhận thức và chấp hành một cách tự giác đường lối, chính sách của Đảng trong thời kỳ quá độ, trước mắt là thấm nhuần và tích cực chấp hành kế hoạch ba năm.

- Tổ chức cho cán bộ cơ sở và công nhân, nhân viên các cơ quan, đảng viên các xí nghiệp, công trường, nông trường, đảng viên ở nông thôn học một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội, kết hợp chặt chẽ với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa bắt đầu tiến hành ở miền Bắc hiện nay về mặt nhận thức lý luận thì yêu cầu thấp hơn lớp học của cán bộ sơ cấp, về mặt tư tưởng thì yêu cầu chủ yếu cũng là nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa trên các vấn đề: ý chí đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, thái độ lao động xã hội chủ nghĩa, ý thức tập thể, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần quốc tế vô sản,...

3. Phương châm học tập: "Học tập lý luận liên hệ thực tế, nâng cao nhận thức, cải tạo tư tưởng". Cần chống khuynh hướng học tập lý luận suông, coi nhẹ việc liên hệ thực tế, coi nhẹ việc cải tạo tư tưởng. Trong giảng dạy cũng như trong học tập, giảng viên và học viên phải quán triệt phương châm học tập nói trên, cốt làm cho cán bộ trên cơ sở nhận thức lý luận có thể hiểu đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng, làm cho nhận thức, tư tưởng của mỗi người phù hợp với yêu cầu phát triển của cách mạng ở nước ta hiện nay. Một điều cần chú ý là: có thể dùng nhiều hình thức khác nhau để nâng cao tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhưng không thể từ các hình thức khác nhau mà coi nhẹ hoặc buông lỏng nguyên tắc học tập lý luận gắn liền với việc cải tạo tư tưởng.

4. Để thực hiện nhiệm vụ và yêu cầu học tập nói trên, kế hoạch học tập sẽ được tiến hành như sau:

- Tổ chức học tập tại chức cho những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Khi học chính trị kinh tế học thì sẽ tổ chức vừa học tại chức, vừa mở lớp tập trung cho một số cán bộ cao, trung cấp.

- Đối với việc học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ của cán bộ trung cấp, sơ cấp thì dùng các biện pháp sau đây: Ban Tuyên huấn Trung ương mở một số lớp tập trung huấn luyện cho các đồng chí Khu uỷ, Tỉnh uỷ, một số cán bộ cao cấp, trung cấp ở các cơ quan trực thuộc Trung ương và cán bộ tuyên huấn; Trường Đảng phân hiệu 2 và Trường Đảng các khu tạm đình học chương trình cũ và chuyển sang huấn luyện lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ cho tất cả Huyện uỷ viên tại chức và một số cán bộ tương đương; trong chương trình giáo dục chính trị của trường đại học, chuyên nghiệp trung cấp, trường của các ngành, các đoàn thể ở Trung ương, cần có phần học về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ, hoặc các vấn đề thường thức về chủ nghĩa xã hội; tổ chức học tập tại chức cho số đông  cán bộ trung cấp, sơ cấp còn lại.

- Đối với cán bộ cơ sở và công nhân, nhân viên ở các cơ quan thì dùng hình thức học tập tại chức là chủ yếu. Đối với các chi uỷ viên ở xã thì do Trường Đảng ở tỉnh giáo dục. Đối với các đảng viên ở xí nghiệp, công trường, nông trường thì có thể tổ chức theo hai hình thức: học tập trong khoảng 10 đến 15 ngày, hoặc học tập tại chức. Đối với đảng viên ở nông thôn thì tổ chức thành đợt giáo dục vào sau vụ gặt và cày cấy.

5. Một số quy định về chế độ học tập:

- Tiêu chuẩn sắp xếp cán bộ vào các lớp học tập tại chức: căn cứ vào trình độ chính trị và trình độ nhận thức.

- Giữa việc học tập văn hoá và học tập chính trị của cán bộ trung cấp, sơ cấp trở lên thì quy định như sau: những đồng chí chưa học hết lớp 5, thì phải học văn hoá là chính, đối với việc học chính trị thì dùng cách nghe giảng hoặc đọc tài liệu vào các buổi đã quy định cho học tập chính trị. Riêng đối với một số đồng chí có trình độ văn hoá dưới lớp 5 vẫn phải bồi dưỡng nhiều về lý luận thì đưa đi học ở các lớp học tập trung, hoặc những nơi nào có điều kiện thì tổ chức học tập trung từng bài chính trị trong vài ba ngày để anh em có thời giờ học văn hoá.

- Về thời gian học tập chính trị, văn hoá, chuyên môn, cần quy định mấy điểm:

+ Học tập chính trị tại chức của cán bộ, công nhân, nhân viên, mỗi tuần một buổi ban ngày và một buổi tối (cộng bảy giờ).

+ Học tập văn hoá: trong chỉ thị về học tập văn hoá của Trung ương có quy định mỗi tuần ba buổi tối, nay quy định mỗi tuần sáu giờ (ngoài giờ làm việc chuyên môn hoặc sản xuất để các nơi dễ xếp đặt thời giờ).

+ Về việc học tập thời sự chính sách: Khi nào Trung ương quyết định phải học các nghị quyết của Đảng thì sẽ tạm đình việc học chính trị hoặc các môn  học khác. Về việc học tập thời sự chính sách một cách thường xuyên thì cần  kết hợp với các hội nghị các lớp học mà tổ chức báo cáo thời sự.

Theo: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, t.20, tr. 932.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực