3 nghiên cứu đầu tiên về SARS-CoV-2 giúp Việt Nam ứng phó nhanh với đại dịch

Thứ năm, 09/07/2020 10:58
(ĐCSVN) – Ba nhiệm vụ quốc gia đột xuất, cũng là ba nghiên cứu đầu tiên về SARS-CoV-2 để giúp Việt Nam ứng phó nhanh với đại dịch mà Bộ KH&CN đặt hàng cho các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đều đã thành công, đặc biệt là bộ kit xét nghiệm COVID-19 đầu tiên của Việt Nam.
Bộ kit do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phát triển, sản xuất. (Ảnh: TL) 

Theo ông Trịnh Thanh Hùng, tháng 2/2020, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã ký quyết định phê duyệt danh mục ba nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (SAR-CoV-2), giao trực tiếp cho ba tổ chức chủ trì, khẩn trương triển khai thực hiện.

Cụ thể, ba đề tài nghiên cứu bao gồm: Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của virus corona 2019 giao cho Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện; Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của virus corona 2019 giao cho Công ty TNHH một thành viên sinh hóa Phù Sa – Biochem chủ trì phối hợp với Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN thuộc Sở KH&CN Cần Thơ thực hiện; Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona 2019 tại Việt Nam giao cho Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.

Ngay sau đó, ngày 5/3, Việt Nam đã công bố nghiên cứu thành công bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 đầu tiên của mình. Đó là bộ kit xét nghiệm do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện.

Ông Trịnh Thanh Hùng cũng cho biết, ngay sau khi có quyết định công nhận của Bộ Y tế, bộ kit này đã được cung cấp cho hầu hết các cơ sở xét nghiệm SARS-CoV-2 trong cả nước, với khoảng 70 cơ sở, từ các Trung tâm Kiểm soát bênh tật đến các bệnh viện tỉnh, thành phố. Trong giai đoạn đầu bộ kit được sử dụng trong ngành Y tế, sau đó đã được WHO chấp thuận và được dán nhãn CE (tiêu chuẩn châu Âu).

“Tuy nhiên, bộ kit đã xuất khẩu ra thế giới nhưng chưa được nhiều. Các nước cũng đang trong quá trình đấu thầu và thương thảo để thúc đẩy ký hợp đồng mua bộ kit của Việt Nam. Qua trao đổi, đơn vị sản xuất bộ kit cho biết đứng về mặt tiêu chuẩn đã được cấp chứng chỉ trong nước, nhưng ở châu Âu, bộ kit của Việt Nam mới chỉ tạm thời cấp chứng chỉ trong vòng sáu tháng và phải hoàn thiện để được cấp chính thức, ông Trịnh Thanh Hùng cho biết.

Về nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của SARS-CoV-2 của Công ty TNHH một thành viên sinh hóa Phù Sa - Biochem chủ trì phối hợp với Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, theo ông Trịnh Thanh Hùng, sản phẩm hoàn thiện tất cả các quy trình sản xuất và kiểm định theo tiêu chuẩn được đặt ra và đã chuyển hồ sơ về Bộ Y tế để cấp phép sử dụng.

Về đề tài thứ ba liên quan đến dịch tễ học và virus học, theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phải nghiên cứu thời gian dài, vừa nghiên cứu vừa tìm ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân và hiện đang trong quá trình nghiệm thu.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, Việt Nam đã rất tự tin khi giao các nghiên cứu khoa học mà chỉ triển khai trong vài tuần, không phải nước nào cũng có thể làm được điều đó. Nếu không có dịch bệnh thì các nghiên cứu, sáng tạo không thể đưa vào cuộc sống nhanh như vậy. “Dịch COVID-19 đã khơi dậy tinh thần chủ động, tình nguyện trong toàn dân như trong thời chiến. Sáng tạo toàn dân đã bắt đầu từ chiếc khẩu trang phòng chống bảo hộ đến máy khử trùng, phong trào sáng tạo còn được khơi dậy trong giới văn nghệ sĩ với bài hát nCoV nổi tiếng…Chúng ta cần thúc đẩy phong trào sáng tạo trong giai đoạn bình thường mới. Nếu tinh thần sáng tạo được thúc đẩy trong giai đoạn này, chúng ta hoàn toàn có thể phát huy tối đa năng lực sáng tạo”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực