Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - sông Đáy

Thứ ba, 28/02/2017 22:36
(ĐCSVN) – Chưa bao giờ tình trạng ô nhiễm môi trường của những con sông chảy quanh Hà Nội, đặc biệt là sông Nhuệ - sông Đáy lại đến mức báo động như bây giờ. Tình trạng này đang đòi hỏi các ngành chức năng phải khẩn trương xây dựng một khung pháp lý đủ mạnh và hiệu quả để ngăn ngừa.

 

Một đoạn sông Nhuệ đang bị ô nhiễm. Ảnh: BL

Ô nhiễm vượt ngưỡng

Theo ghi nhận của người dân và chính quyền địa phương, không phải bây giờ mà nhiều năm gần đây sông Nhuệ- sông Đáy đã có dấu hiệu bị ô nhiễm nặng nề bởi nước thải công nghiệp và sinh hoạt. Những xóm chài trên sông dần biến mất. Dòng nước đã trở thành nỗi ám ảnh đối với cuộc sống của người dân.

Sông Nhuệ - sông Đáy đang bị bức tử và sẽ không thể hồi sinh nếu cả cộng đồng không cùng chung tay giải quyết. Hàng chục cuộc hội thảo đã được mở ra để bàn về cách cứu con sông này. Mỗi ngày, rác sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lí từ các làng nghề, các xí nghiệp vẫn trực tiếp đổ ra sông, lối hành xử thiếu văn hóa đối với môi trường đã kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy…

Số liệu thống kê được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố tính từ tháng 10/2016 đến nay đã chứng minh cho điều này. Cụ thể, trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có khoảng 1.982 nguồn thải, trong đó có 1.662 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 39 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 từ cơ sở y tế và 144 làng nghề. Thành phố Hà Nội là địa phương có tổng số nguồn thải cao nhất chiếm tới 60% trên toàn lưu vực. Trong khi đó số lượng nguồn thải tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình và Ninh Bình cũng có chiều hướng gia tăng.

Thống kê sơ bộ của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cũng cho thấy, năm 2016 trên toàn lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3,811 triệu m3 nước thải, trong đó nước thải từ trồng trọt và chăn nuôi chiếm 67% với khoảng 2,55 triệu m3, nước thải sinh hoạt chiếm 16% với 610 nghìn m3, nước thải công nghiệp 16,68% với 636 nghìn m3, nước thải y tế chiếm 0,4% khoảng 15 nghìn m3.

Đối với nguồn thải có lưu lượng xả thải lớn hơn 1.000m3/ngày đêm thì có tới 57 nguồn thải: Hà Nam 7 nguồn, Hà Nội 24 nguồn, Hòa Bình 9 nguồn, Ninh Bình 6 nguồn và Nam Định 8 nguồn. Điều đáng lưu ý là tuy Ninh Bình là địa phương có số lượng nguồn thải ít nhất, nhưng tổng lưu lượng xả thải lại lớn nhất. Lý do vì lượng lớn nước thải làm mát của Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình xả thải ra sông Đáy lên đến 178.050m3/ngày đêm, chiếm 68,75% tổng lưu lượng xả thải của cả tỉnh.

Báo cáo tại Hội nghị Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy lần thứ 8 do Bộ TN&MT tổ chức diễn ra tại Hòa Bình tháng 1/2017 vừa qua cũng cho thấy, hiện trạng chất lượng nước giai đoạn 2015-2016 tại lưu vực này vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Tình trạng ô nhiễm nước thải công nghiệp vẫn diễn biến phức tạp; công tác phối hợp giữa các địa phương chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả…

Cụ thể tại sông Nhuệ, đoạn chảy qua khu vực Hà Đông (Phúc La) cho tới trước khi nhận nước sông Tô Lịch đã bắt đầu bị ô nhiễm. Chất lượng nước tiếp tục suy giảm và kém nhất ở đoạn sông chảy qua địa phận huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Tại đây, giá trị các thông số cơ bản đều vượt quy chuẩn cho phép hàng chục đến hàng trăm lần. Hầu như tôm cá không thể sống nổi trên các đoạn sông này.

Về chất lượng nước trên sông Đáy, kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường cũng cho thấy, tổng số đoạn sông được đánh giá phù hợp cho các mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản gồm 14 đoạn (các đoạn sông chảy qua Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình-Nam Định và đoạn hợp lưu sông Đào đến hợp lưu sông Ân). Tuy vậy, nhìn chung chất lượng nước sông Đáy cũng bị suy giảm, nhất là ở đoạn thượng lưu thuộc khu vực cầu Mai Lĩnh, bởi tiếp nhận nước thải từ các quận, huyện: Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ..

Như vậy có thể thấy rằng, việc phát sinh nguồn ô nhiễm nước sông Nhuệ-sông Đáy chủ yếu từ các nguồn thải từ sinh hoạt, công nghiệp và y tế. Trong đó nguồn thải từ các làng nghề, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm trên lưu vực sông, hầu hết không được xử lý triệt để, hoặc trực tiếp xả xuống sông Nhuệ-sông Đáy.

Phải công bố và xử lý mạnh các đơn vị phát sinh nguồn thải

Theo các chuyên gia môi trường, sông Nhuệ - sông Đáy chảy qua 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của 5 tỉnh, thành. Tình trạng ô nhiễm ở các con sông ngày không chỉ ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân. Vì vậy, để cứu lấy dòng sông, luật pháp về bảo vệ môi trường phải thực thi nghiêm minh, đồng thời phát huy cao độ vai trò của cộng đồng dân cư trong lưu vực sông. Hơn lúc nào hết, là chủ nhân của dòng sông, người dân phải kịp thời phát hiện, tố giác và cùng cơ quan chức năng ngăn chặn hiệu quả hành vi “bức tử” dòng sông.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho rằng, chất lượng nước sông Nhuệ trong giai đoạn 2015-2016 vẫn rất kém, thậm chí còn có xu hướng kém hơn các giai đoạn trước. Để từng bước xử lý ô nhiễm, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đến năm 2020 đưa sông Nhuệ - sông Đáy trở lại trong sạch, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tổng thể Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Triển khai đề án này, giai đoạn 2015 – 2016, các tỉnh, thành phố có 2 con sông chảy qua đã triển khai hàng trăm dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, bảo vệ môi trường…Tuy vậy, những nỗ lực của các tỉnh vẫn chưa được đền đáp xứng đáng; mục tiêu mà Đề án đặt ra đến năm 2020 đưa sông Nhuệ  - sông Đáy trở lại trong sạch khó thành hiện thực.

Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đề nghị các Bộ, ngành, địa phương trong khu vực tăng cường hơn nữa công tác phối hợp đồng bộ và rộng khắp; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý và xử lý nguồn thải trên địa bàn; duy trì chế độ thông tin và tuyên truyền; hệ thống quan trắc và giám sát môi trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, để cứu nguy cho dòng sông Nhuệ - sông Đáy, trước mắt Bộ sẽ điều tra, thống kê giám sát các nguồn xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải và cơ chế chia sẻ thông tin nguồn thải. Đồng thời, đề xuất kế hoạch quản lý, xử lý, tổ chức công bố các nguồn thải có tác động lớn đến môi trường nước lưu vực sông theo quy định. Bộ cũng tiếp tục nghiên cứu về việc ban hành cơ chế, chính sách về sức chịu tải, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước, hạn ngạch xả nước thải vào các lưu vực sông liên tỉnh; tiến tới xem xét việc phân bổ hạn ngạch xả nước thải./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực