Cần thu hút đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

Thứ tư, 05/12/2018 16:25
(ĐCSVN) - Tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang phát triển mạnh mẽ. Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015. Tuy nhiên, làm sao để thu hút các nhà đầu tư nhằm phát triển hoạt động khởi nghiệp ĐMST vẫn là bài toàn cần lời giải...

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng (Ảnh: BL)

Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng.

Phóng viên (PV): Theo Thứ trưởng, cần có cơ chế chính sách đổi mới căn bản nào để đáp ứng tốt hơn cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST)?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST là vấn đề hết sức quan trọng. Một ý tưởng của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST muốn được thực hiện thành công phải hấp dẫn các nhà đầu tư. Có sự đầu tư mới có thể khẳng định rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) có thành công hay không.

Theo đánh giá của chúng tôi, tại Việt Nam có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng mới nhưng vẫn chưa hấp dẫn nhiều đối với các nhà đầu tư. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều nhà đầu tư với chuyên môn sâu đang âm thầm theo dõi các ý tưởng khởi nghiệp của các startup Việt Nam. Nếu ý tưởng nào tốt, tôi tin sẽ nhận được đầu tư.

Đối với các startup Việt Nam, tôi vẫn muốn nhấn mạnh quan trọng nhất là chất lượng của các ý tưởng khởi nghiệp. Chất lượng đó phụ thuộc vào ý tưởng mới đến đâu, sáng tạo ra sao, khác biệt như thế nào so với những ý tưởng đã có trước đó, kèm với đó là phương án sản xuất kinh doanh khả thi đến đâu? Khi làm việc với các trung tâm ươm tạo, các khu làm việc tập trung, chúng tôi đều bàn bạc trao đổi với mong muốn các bạn khởi nghiệp được trang bị kiến thức đó. Thậm chí những ý tưởng của các bạn phải được mổ sẻ, phân tích, sửa chữa, sau đó xây dựng kế hoạch thực hiện.

Bởi vậy, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thành công rất cần được trang bị kiến thức về công nghệ, pháp lý, sở hữu trí tuệ, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp… Đây là điều quan trọng trong thời gian tới đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đối với hoạt động khởi nghiệp ĐMST, chúng tôi luôn hi vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư (trước tiên là ở Việt Nam), thu hút được nguồn lực trong xã hội để họ có thể chi vốn mồi cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu. Sau đó thu hút được vốn của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho hoạt động này. Chỉ có khi nào thu hút được vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp thì khi đó doanh nghiệp mới có thể khẳng định được thành công hay không.

PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp? Hiện nay vẫn còn ít các quỹ đầu tư tham gia hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đâu là nguyên nhân của thực tế này?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Tôi cho rằng, vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm hết sức quan trọng đối với khởi nghiệp ĐMST, vì bản chất của đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST cũng là đầu tư mạo hiểm, nhiều rủi ro. Trong 100 dự án được đầu tư chỉ có một vài dự án thành công.

Tại Việt Nam, những quỹ như vậy chưa nhiều, bởi chúng ta còn hạn chế về mặt thể chế, chính sách nên rất khó đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm. Điều này cũng gây khó khăn cho việc đầu tư của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Tuy nhiên vẫn có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm rất mong muốn vào Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái có các ý tưởng khác biệt, có ý tưởng ĐMST để khi nhà đầu tư nhìn vào sẽ thấy được tiềm năng của nó.

PV:Cơ chế chính sách cho các startup được Bộ KH&CN liên tục tháo gỡ trong thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về nhận định này?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp trong cả nước đã có sự phát triển mạnh. Khởi nghiệp và khởi nghiệp ĐMST được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Rất nhiều ý tưởng đã và đang được triển khai với tốc độ nhanh. Cho nên, việc các chính sách về khởi nghiệp ĐMST đi chậm hơn cũng là chuyện bình thường. Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành chính sách cần phải qua nhiều công đoạn, phụ thuộc vào nhiều cơ quan, có vấn đề liên quan đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành… nên trên thực tế cần có nhiều thời gian.

Ví dụ, cần có cơ chế để các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng đưa tiền vào Việt Nam, khi đầu tư thành công cho khởi nghiệp được phép rút vốn và dễ dàng chuyển vốn ra nước ngoài. Việt Nam cũng cần quản lý thật chặt, tránh tình trạng “chảy” ngoại tệ của Việt Nam ra nước ngoài. Tất cả những vấn đề đó cần được quản lý phù hợp, vừa khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo vai trò quản lý của các Bộ, ngành.

Chúng ta cũng cần tính toán về vấn đề thuế, không thể đánh thuế các nhà đầu tư không dựa trên danh sách đầu tư của họ, làm như vậy rất khó kêu gọi các quỹ này tiếp tục tham gia đầu tư tại Việt Nam. Những rào cản về chính sách như vậy phải được tiếp tục tháo gỡ.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực