Đã có hơn 1,3 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia

Thứ năm, 27/02/2020 15:02
(ĐCSVN) – Đây là một trong những kết quả bước đầu trong triển khai cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử.

Sáng 27/2, tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Ngày 12/3/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký bằng chữ ký số, ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia trên Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành và gửi văn bản điện tử này thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay: Đây cũng chính là thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng . Ảnh: TH

Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ khai trương Hệ thống đến ngày 25/02/2020, đã có hơn 1,3 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên khi vận hành đã tăng gấp 02 lần. Hiện nay, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông với 100% bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử ở 02 cấp chính quyền; đang triển khai kết nối với Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia và triển khai thử nghiệm kết nối tới các doanh nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật quy định.

Về xử lý công việc trên môi trường mạng, một số cơ quan đã triển khai từ rất sớm, áp dụng đối với tất cả đơn vị trực thuộc và có hiệu quả như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam… Hiện nay, 100% các cơ quan cấp Bộ và 100% các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, bên cạnh những kết quả như trên, trong triển khai các nhiệm vụ Chính phủ điện tử nói chung, đến đổi mới lề lối, phương thức làm việc dựa trên nền tảng dữ liệu, dữ liệu mở nói riêng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật làm khung thể chế cho triển khai Chính phủ điện tử (văn thư, lưu trữ điện tử); các hệ thống chỉ tập trung giải quyết phần gửi, nhận văn bản điện tử, hầu hết chưa hỗ trợ quy trình nghiệp vụ cũng như giải quyết công việc trên môi trường mạng; một số nơi chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến chữ ký số trong văn bản điện tử, chữ ký số chuyên dùng chưa được cấp đầy đủ, vướng mắc trong việc lưu trữ văn bản điện tử;…

Trong thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai, chất lượng công việc.

Quyết liệt chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện việc liên thông, kết nối các phần mềm quản lý văn bản và điều hành để đảm bảo 100% văn bản điện tử gửi nhận ở cả 4 cấp chính quyền, xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra (thời hạn hoàn thành tháng 6/2020)…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực