"Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện - những thách thức không nhỏ "

Thứ sáu, 24/11/2017 21:22
Chỉ trong 1 ngày (20/11) cả 4 trẻ sinh non tại Bệnh viện sản nhi Bắc Ninh bị tử vong với kết luận ban đầu do nhiễm khuẩn bệnh viện. Vụ việc này làm dấy lên không ít lo ngại trong cộng đồng về môi trường an toàn trong các cơ sở y tế.
Vậy nhiễm khuẩn bệnh viện là gì và thực tế công tác này đang được thực hiện trong hệ thống cơ sở y tế Việt Nam  như thế nào?
Xin giới thiệu bài viết với tiêu đề: "Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện - những thách thức không nhỏ " 

Bệnh viện Bạch Mai tuân thủ nghiêm các quy trình vô khuẩn. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) là một trong những thách thức và là mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện  làm tăng tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng thời gian sử dụng kháng sinh, làm tăng đề kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị. Vậy ngành y tế đã có những giải pháp gì về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện  cho hơn 1300 bệnh viện và hàng ngàn các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng khám tư nhân trong cả nước. 

*Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng chi phí điều trị 

Thống kê của Mỹ cho thấy: chi phí của một nhiễm khuẩn bệnh viện   thường gấp 2 đến 4 lần so với những trường hợp không nhiễm khuẩn bệnh viện. Trong đó chi phí phát sinh do nhiễm khuẩn huyết có liên quan đến dụng cụ đặt trong lòng mạch là từ 34.508 đô la lên đến 56.000 đô la và do viêm phổi trên người bệnh có thông khí hỗ trợ là từ 5.800 đô la lên đến 40.000 đô la. Tại Mỹ, hằng năm ước tính có 2 triệu người bệnh bị nhiễm khuẩn bệnh viện, làm 90.000 người tử vong, làm tốn thêm 4,5 tỉ đô la viện phí. 

Tại Việt Nam, nghiên cứu cắt ngang của Bộ Y tế (2005) trên 9.345 người bệnh của 10 bệnh viện cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện   5,8% và viêm phổi bệnh viện chiếm 55,4% . Cũng thời gian này một nghiên cứu cắt ngang khác của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh trên tất cả các bệnh viện công lập cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 6,4%, trong đó viêm phổi đứng hàng đầu chiếm đến 54,3%, kế đến là nhiễm khuẩn tiết niệu (12,3%), nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn huyết tương đương nhau (10%). 

Nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương và VINAREX (2013), khảo sát trên 3.671 người bệnh của 15 khoa Hồi sức tích cực tại 15 bệnh viện từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện   là 27,3%, tỉ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và bệnh viện dao động từ 60,5% đến 99,5%. Các bệnh viện tuyến trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện   cao hơn và tác nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn bệnh viện  tương tự các mầm bệnh hiện nay trên thế giới là Acinetobacter baumannii (31%), kế đến là Pseudomonas aeruginosa (18%), Klebsiella pneumoniae (12%) và Staphylococcus aureus (6%). Đặc biệt các vi khuẩn gram âm kháng với nhiều loại kháng sinh đặc trị như kháng với nhóm carbapenem dao động từ 50% đến 75% . 

*Một thách thức với ngành y tế 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho rằng, nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, vì đây là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian người bệnh nằm viện. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, ngành y tế đã phải đối mặt với những khó khăn và thách thức do nhiễm khuẩn bệnh viện   gây ra như vụ dịch sởi 2015 khiến trên 100 trẻ tử vong do lây nhiễm chéo trong bệnh viện Nhi Trung ương và mới đây nhất là 4 trẻ tử vong tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh với kết luận ban đầu do nhiễm khuẩn bệnh viện… 

Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặc biệt ở các nước chậm phát triển và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị. 

Trên thực tế, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tuyến trung ương cao hơn tuyến địa phương. Trong khi đó, các cơ sở khám chữa bệnh lại thường xuyên phải đối phó với các dịch bệnh nguy cơ lây nhiễm cao do tác nhân lây bệnh qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C và nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, lao phổi và các vi khuẩn đa kháng kháng sinh,... 

Đặc biệt, với tình trạng xuất hiện nhiều bệnh nhiễm khuẩn mới nổi có tỷ lệ tử vong cao trong cộng đồng như Ebola, MERS-CoV, sởi, dịch hạch,... làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế. Không chỉ vậy, nhiễm khuẩn bệnh viện  còn là nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kỹ thuật cao như ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc,... 

Hiện nay, do các bệnh viện quá tải trầm trọng, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) của cơ sở y tế chưa thực hiện tốt đã dẫn đến tình trạng nhiễm chéo này. Hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn  tại các cơ sở khám chữa bệnh chưa hoàn thiện đầy đủ theo quy định. Cả nước còn tới 20,8% BV có số giường bệnh lớn hơn 150 giường chưa thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn ; 33% BV đã thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn  nhưng chưa bổ nhiệm Trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn ;... 

Bên cạnh đó, nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn  còn thiếu và yếu, nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn  tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chi phí cho kiểm soát nhiễm khuẩn  chưa được tính đúng, tính đủ. Nhiều nhiệm vụ chuyên môn trọng yếu về kiểm soát nhiễm khuẩn  chưa được thực hiện; chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm soát nhiễm khuẩn , dịch bệnh, vi sinh vật kháng thuốc,… 

*Cần đầu tư phù hợp để chống nhiễm khuẩn bệnh viện 

Theo Bộ Y tế, khó khăn trong công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện đó là do một số người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh hiện nay vẫn chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.  Do vậy, đầu tư cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn  cũng như chính sách ưu đãi, thu hút những người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa phù hợp để họ yên tâm công tác và cống hiến tâm huyết cho ngành. 

 Thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh Hà, Nguyên trưởng Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn  Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, ngoài việc chống nhiễm khuẩn cho người bệnh, các bệnh viện cần phải có những giải pháp để chống nhiễm khuẩn bệnh viện NKBV cho chính nhân viên y tế. Nếu nhân viên y tế bị phơi nhiễm, người bệnh cũng bị ảnh hưởng. Do đó cần chích ngừa viêm gan B cho nhân viên y tế;  huấn luyện cho nhân viên y tế sử dụng trang phục phòng hộ cá nhân đúng; giám sát tai nạn do vật sắc nhọn; phòng ngừa nguy cơ phơi nhiễm với máu và dịch cơ thể. Bên cạnh đó, cần đảm thiết kế bệnh viện môi trường, quản lý thiết bị, chất thải y tế. Một số vùng và phương tiện cần thiết kế, đặc biệt chú ý tại khu phòng mổ, khoa Hồi sức tích cực- chống độc, sơ sinh, Khu vực buồng cách ly; Đơn vị tiệt khuẩn trung tâm…; đảm bảo phương tiện vệ sinh tay: vị trí, bồn, vòi, khăn lau….; phương tiện thu gom chất thải, quản lý đồ vải…Đặc biệt, các cán bộ y tế phải được huấn luyện đào tọa kiến thức, kỹ năng thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn . 

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều văn bản nhằm nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng như Thông tư số 18 hướng dẫn hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn  trong các cơ sở; Kế hoạch quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn  giai đoạn 2016-2020; xây dựng mô hình kiểu mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn  tại 6  bệnh viện là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện  Chợ Rẫy, Bệnh viện  trung ương Huế, Bệnh viện  Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và BV Nhi đồng 1); Ban hành 12 Hướng dẫn về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như Hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa gây mê hồi sức trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Hướng dẫn phòng ngừa nhiễm khuẩn tiết niệu liên quan đến đặt thông tiểu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Hướng dẫn xử lý dụng cụ phẫu thuật nội soi và xử lý ống nội soi mềm trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Hướng dẫn thực hành vệ sinh tay trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Hướng dẫn vệ sinh môi trường bề mặt trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… 

Với những hướng dẫn này, Bộ Y tế đề  nghị tất cả các cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và tổ chức phổ biến nội dung các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn tới các đơn vị trực thuộc; Xây dựng các quy trình và cụ thể hóa nội dung các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩncho phù hợp với nguồn lực và các điều kiện cụ thể của đơn vị. Kiểm tra, giám sát việc cung cấp nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện và việc tuân thủ thực hiện các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn tại đơn vị. 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu các cơ sở khám, chữa bệnh lập Hội đồng chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các Sở Y tế và các bệnh viện. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, xây dựng mô hình BV mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn.Tăng cường nghiên cứu khoa học về kiểm soát nhiễm khuẩn;Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về kiểm soát nhiễm khuẩn; Ưu tiên kết hợp nguồn tài chính trong nước và quốc tế để triển khai các Chương trình về kiểm soát nhiễm khuẩn…/. 

Lê Hoàng (TTXVN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực